28/12/2022 21:23
Cùng chúng tôi đi trên những tuyến đường xanh, sạch, đẹp trên địa bàn xã Tân Hiệp A, huyện Tân Hiệp, Phó Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam huyện Tân Hiệp Đỗ Văn Cợp cho biết: “Mô hình tôn giáo tham gia bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu không chỉ trong tín đồ mà còn lan tỏa rộng rãi ra người không có đạo”.
Theo đồng chí Đỗ Văn Cợp, trước đây từng có tình trạng người dân vứt xác động vật chết xuống kênh, rạch, từ khi thực hiện mô hình, qua công tác tuyên truyền, vận động của các thành viên, người dân đã chấm dứt hành động này. Cảnh quan môi trường ở nhiều nơi được người dân xây dựng xanh, sạch, đẹp.
Cảnh quan trước khuôn viên Giáo xứ Mông Triệu, ấp Kênh 2A, xã Tân Hiệp A, huyện Tân Hiệp (Kiên Giang) xanh, sạch, đẹp.
Toàn huyện Tân Hiệp có hơn 60% dân số là người có đạo, với hai tôn giáo chính là Công giáo và Phật giáo. Từ năm 2016 đến nay, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam huyện Tân Hiệp phối hợp với Phòng Tài nguyên và Môi trường, các tôn giáo thành lập 20 câu lạc bộ tôn giáo tham gia bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu.
“Mặt trận các cấp trong huyện thường xuyên tiếp xúc, đối thoại, chia sẻ thông tin, nắm bắt, tập hợp tâm tư, nguyện vọng của chức sắc, tín đồ các tôn giáo. Các tôn giáo tham gia vận động tín đồ thực hiện tốt tiêu chí về xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh, trong đó có tiêu chí về môi trường”, Phó Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam huyện Tân Hiệp Đỗ Văn Cợp nói.
Ông Nguyễn Văn Hùng - Chủ tịch Hội đồng Mục vụ, Giáo xứ Mông Triệu, ấp Kênh 2A, xã Tân Hiệp A, huyện Tân Hiệp cho biết giáo xứ phối hợp với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam huyện thành lập câu lạc bộ bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu với 11 thành viên vào năm 2019. Thiết thực trong hành động bảo vệ môi trường, giáo xứ xây dựng lò đốt rác, nhà máy lọc nước đóng chai, bình cho tín đồ và người dân sử dụng miễn phí.
“Là phó chủ nhiệm câu lạc bộ bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu, tôi cùng thành viên câu lạc bộ phối hợp với cán bộ dân vận, Mặt trận xã, ấp và nhân dân vớt lục bình, rác thải trên sông nhằm giữ gìn vệ sinh môi trường nước, tạo thuận lợi cho phương tiện đi lại. Chúng tôi vận động tín đồ, người dân trồng hoa, cây kiểng, rau màu cặp bờ kênh tạo cảnh quan môi trường xanh, sạch, đẹp”, ông Nguyễn Văn Hùng nói.
Ông Nguyễn Đình Khôi, ngụ ấp Kênh 2 A, xã Tân Hiệp A cho biết: “Là người dân, cũng là tín đồ Công giáo, tôi và gia đình chú trọng giữ gìn vệ sinh môi trường, thu gom rác thải đúng quy định, không vứt rác, xác động vật chết xuống sông”.
Ông Nguyễn Đình Khôi - tín đồ Công giáo, ngụ ấp Kênh 2 A, xã Tân Hiệp A, huyện Tân Hiệp cắt tỉa bông giấy tạo cảnh quan trước nhà xanh, đẹp.
Những năm qua, Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Hòa Hảo xã Tân Hội, huyện Tân Hiệp có nhiều đóng góp bảo vệ môi trường trên địa bàn huyện.
Ông Nguyễn Văn Sơ - Trưởng Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Hòa Hảo xã Tân Hội cho biết: “Hàng tháng, thông qua thuyết giảng giáo lý, ban trị sự lồng ghép tuyên truyền người dân tham gia bảo vệ môi trường bằng việc làm cụ thể như thu gom rác thải, hạn chế sử dụng túi nylon; tích cực trồng hoa, cây kiểng trong khuôn viên sân nhà… Những trường hợp tín đồ thực hiện không tốt được chúng tôi nhắc nhở, động viên sửa đổi”.
Thời gian qua, cùng với Mặt trận, các tổ chức tôn giáo trên địa bàn huyện Tân Hiệp vận động chức sắc, chức việc, nhà tu hành và tín đồ sử dụng nước hợp vệ sinh, chặt cây, phát quang bụi rậm, khai thông cống rãnh, không để ao tù nước đọng xung quanh nhà ở…
Đặc biệt, những hộ chăn nuôi nhiều và có khả năng đã làm hầm biogas, không xả nước thải trực tiếp xuống kênh, rạch. Ở các cơ sở thờ tự, trường học, đường giao thông nông thôn, hàng rào trước cửa nhà dân được trồng cây xanh để cải thiện bầu không khí, tạo cảnh quan xanh, sạch, đẹp, góp phần xây dựng nông thôn mới.
Bài và ảnh: THU OANH
(KGO) - Ngày 20-11, Trường THPT chuyên Huỳnh Mẫn Đạt, TP. Rạch Giá (Kiên Giang) họp mặt kỷ niệm 42 năm ngày nhà giáo Việt Nam (20/11/1982 - 20/11/2024) và kỷ niệm 35 năm ngày thành lập trường (1989-2024).
Tổng số lượt truy cập: