09/09/2020 19:43
Theo ước tính của WHO, cứ 40 giây lại có 1 người chết vì tự tử. Mỗi năm trên thế giới có gần 1 triệu người tử vong do tự tử và cứ mỗi người chết vì tự tử thì có khoảng 25 người tự tử thất bại. Tự tử được xem như một vấn đề xã hội nhưng ít được mọi người chú ý.
Người tìm đến cái chết do họ không còn tìm thấy ý nghĩa của cuộc sống hoặc đã trải qua nỗi đau tinh thần sâu sắc. Hành động tự tử để lại nhiều tổn thương, nỗi đau cho người thân.
Dù sự việc xảy ra gần 20 năm nhưng bà Đ.T.C, ngụ xã Vĩnh Thuận (Vĩnh Thuận) vẫn không thể quên nỗi đau mất con do con gái bà uống thuốc trừ sâu tự tử. “Con tôi chọn cái chết vì không chịu được sự khó khăn của nhà chồng, để lại đứa con nhỏ dại. Nhìn cháu thiếu tình thương của mẹ, lòng tôi đau thắt. Vừa thương, vừa giận con sao nghĩ quẫn, nhiều người bệnh còn cố gắng sống còn con tôi đang khỏe mạnh lại tự hủy hoại bản thân”, bà C chia sẻ.
Theo bác sĩ Lâm Tường Minh - Giám đốc Bệnh viện Tâm thần tỉnh Kiên Giang, tự tử là cái chết tự nguyện do chính mình gây ra hay nói cách khác là hành động tự đem lại cái chết cho bản thân.
Nguyên nhân dẫn đến tự tử do mắc bệnh tâm thần như trầm cảm, lo âu, hoang tưởng, ảo thanh… liên quan đến yếu tố xã hội như sự ngược đãi, bị lạm dụng, sang chấn tâm lý…
Bệnh nhân tâm thần được điều trị tại Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh hồi phục sức khỏe.
Ngoài ra, tự tử có thể gặp ở các dạng bệnh lý tâm thần khác nhau như trong bệnh rối loạn trầm cảm, rối loạn lo âu, bệnh nhân hoàn toàn tỉnh táo, không có các triệu chứng loạn thần nhưng cảm nhận tương lai u ám hay do cảm giác bồn chồn, khó chịu, bệnh nhân không chịu được và dẫn đến thực hiện hành vi tự tử… Người bị trầm cảm không được điều trị hoặc điều trị không hiệu quả là nguyên nhân hàng đầu gây ra tự tử.
Gia đình gặp nhiều biến cố, thi rớt đại học, anh L.V.M bế tắc. “Lúc đó, tâm trạng tôi lúc nào cũng buồn. Tôi thấy mình là kẻ vô dụng nên tinh thần căng thẳng, bi quan. Tôi sống thu mình lại, không muốn giao tiếp với ai và từng có ý định tự tử. Cũng may gia đình đưa tôi đi điều trị sớm và đến nay sức khỏe, tâm lý tôi ổn định”, anh L.V.M nói.
Bác sĩ Lâm Tường Minh cho biết: “Nhiều người cho rằng khi một người đã nuôi ý nghĩ tự tử trong thời gian dài thì sẽ không có biện pháp để ngăn chặn hiệu quả. Tuy nhiên, đa số bệnh nhân tự tử đều có dấu hiệu gợi ý trước đối với người xung quanh và gia đình. Khi phát hiện cá nhân có ý tưởng tự tử cần hướng dẫn, động viên người bệnh đến ngay các cơ sở chuyên khoa tâm thần để được tư vấn khám và điều trị”.
Theo bác sĩ Lâm Tường Minh, để phòng ngừa tự tử trước hết phát hiện sớm các trường hợp có ý định tự tử. Từ đó, đánh giá yếu tố nguy cơ và tình huống dễ dẫn đến tự tử. Ngăn ngừa thực hiện mưu toan tự tử: Đưa người có mưu toan tự tử nhập viện, theo dõi 24/24 giờ, nhất là vào ban đêm bệnh nhân cần có người thân bên cạnh. Phòng ngừa tự tử tái diễn, là giải quyết nguyên nhân, tâm lý trị liệu, điều trị chống tái phát các bệnh lý tâm thần.
Muốn ngăn ngừa việc tự tử, mỗi người cần luyện tập có sức khỏe tốt, tinh thần vững chắc để đủ khả năng ứng phó với hoàn cảnh xảy ra; sống bình thản, không vi phạm tệ nạn xã hội, không mê tín dị đoan. Điều quan trọng là xây dựng gia đình trở thành mái ấm, điểm tựa tinh thần, sự yêu thương, chia sẻ của cha mẹ giúp con cái có đời sống tinh thần lành mạnh, đủ sức đương đầu với thử thách của cuộc sống.
Bài và ảnh: VĨ AN
(KGO) - Ngày 24-11, Hội Nông dân tỉnh Kiên Giang phối hợp Liên hiệp Các tổ chức hữu nghị tỉnh Kiên Giang tổ chức khởi công xây dựng 2 cầu và khánh thành 1 cầu giao thông nông thôn tại xã Mỹ Thuận, huyện Hòn Đất.
Tổng số lượt truy cập: