07/11/2023 11:01
Bà Nguyễn Thị Kim Thanh (52 tuổi), ngụ ấp Phát Đạt, xã Vân Khánh Tây, huyện An Minh thuộc diện hộ nghèo của xã. Cách đây 20 năm, chồng bà bị tai nạn trong khi xây dựng công trình, mất khả năng lao động. Bà Thanh trở thành lao động chính trong gia đình từ việc phụ hồ, làm thuê để kiếm tiền lo cho chồng con để trang trải cuộc sống.
Bà Thanh bắt đầu đi bán hàng rong trên chiếc xuồng nhỏ, hàng ngày bơi xuồng đi bán rau, củ, quả quanh xóm. Năm 2014, được địa phương quan tâm tạo điều kiện, bà Thanh tiếp cận nguồn vốn vay từ Ngân hàng Chính sách xã hội với số tiền 5 triệu đồng, bà mua vỏ máy để có phương tiện đi lại buôn bán và trang trải sinh hoạt.
Bà Thanh chia sẻ: “Trước đây, tôi bán hàng rong, bơi xuồng đi bán kiếm được 100 - 150 ngàn đồng/ngày. Từ khi mua được vỏ máy giúp tôi chủ động được thời gian, đi bán được nhiều nơi hơn. Mỗi ngày tôi kiếm được 300 - 500 ngàn đồng tiền lời, từ đó đã trả nợ vay ngân hàng đúng hạn và cuộc sống dần ổn định".
"Đến nay, tôi tiếp tục vay 40 triệu đồng để buôn bán, cất nhà cửa khang trang, chồng tôi hồi phục sức khỏe, có điều kiện lo cho con ăn học. Nhờ tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi từ năm 2014 của Ngân hàng Chính sách xã hội đến nay đã giúp gia đình tôi thoát nghèo”, bà Thanh cho biết thêm.
Bà Nguyễn Thị Kim Thanh (bên trái) phấn khởi khi sử dụng nguồn vốn vay từ Ngân hàng Chính sách xã hội giúp bà thoát nghèo.
Chủ tịch UBND xã Vân Khánh Tây, huyện An Minh Huỳnh Văn Tâm cho biết việ hỗ trợ các hộ tiếp cận nguồn vốn vay từ Ngân hàng Chính sách xã hội luôn được quan tâm thực hiện. Hầu hết những người vay đều sử dụng nguồn vốn đúng mục đích, góp phần phát triển kinh tế gia đình, nâng cao ý thức tự vươn lên thoát nghèo.
Ngoài nguồn lực từ ngân sách nhà nước, xã Vân Khánh Tây còn tranh thủ huy động xã hội hóa; thông qua các nhà hảo tâm đã hỗ trợ, giúp đỡ các hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn xã xây dựng nhà ở, nhu yếu phẩm… góp phần rất lớn trong công tác giảm nghèo.
Ông Đặng Thanh Diệp - Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội An Minh cho biết hiện Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện có các chương trình cho vay như cho vay hộ nghèo, cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, hộ nghèo về nhà ở; cho vay học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn…
“Các bước để người dân tiến hành vay vốn của Ngân hàng Chính sách xã hội cũng khá đơn giản, người dân có nhu cầu vay vốn sẽ được chính quyền nơi cư trú bình xét, sau đó trình Ủy ban nhân dân xã, thị trấn phê duyệt, chúng tôi sẽ căn cứ vào đó để tiến hành cho vay. Chúng tôi luôn tạo điều kiện ưu tiên cho hộ nghèo, cận nghèo tiếp cận với nguồn vốn vay một cách nhanh nhất có thể”, ông Đặng Thanh Diệp nói.
Đến cuối tháng 8-2023, tổng dư nợ của Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội An Minh trên 343 tỷ đồng, trong đó, nợ quá hạn chỉ chiếm tỷ lệ 0,48%.
Theo Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện An Minh, cuối năm 2022 huyện có 660 hộ nghèo, chiếm 2,06% và 799 hộ cận nghèo, chiếm 2,5% so với tổng số hộ dân toàn huyện. Các chính sách an sinh xã hội và chính sách trợ giúp người nghèo về y tế, giáo dục, nhà ở, đào tạo nghề... được lồng ghép triển khai đồng bộ, có hiệu quả, góp phần cải thiện điều kiện sống và tăng khả năng tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản của người nghèo.
Công tác giảm nghèo của huyện An Minh từng bước được quan tâm, chỉ đạo thường xuyên. Người dân phát huy tính cần cù, tinh thần chịu khó, tận dụng, khai thác có hiệu quả những tiềm năng sẵn có về lao động, đất đai, được đào tạo nghề, chuyển giao kỹ thuật, hướng dẫn cách làm ăn đã có tác động tích cực giúp người nghèo có điều kiện vươn lên. Đây là tiền đề quan trọng để An Minh xây dựng thành công huyện nông thôn mới theo lộ trình, kế hoạch đã đề ra.
Bài và ảnh: ÚT CHUYỀN
(KGO) - Chiều 23-11, tại Trường Chính trị tỉnh Kiên Giang, lớp K6 Trường Tuyên huấn Trung ương II họp mặt kỷ niệm 40 năm ngày ra trường (24/11/1984 - 24/11/2024).
Tổng số lượt truy cập: