25/09/2020 09:39
Phong cách ẩm thực của người dân vùng Miệt Thứ mang đậm nét văn hóa miệt vườn, dân dã, mộc mạc, phần không thể thiếu của hồn quê sông nước Nam bộ. Những món ăn mang đậm nét đặc trưng Nam bộ được truyền tụng trong lời ca tiếng hát, câu thơ mang đậm nghĩa tình, chất hào sảng của người miền Tây như:
“Bắt con cá lóc nướng trui
Làm mâm rượu trắng đãi người bạn xa”.
Những nét đặc trưng đó in sâu vào tâm thức của bao người dân vùng Miệt Thứ.
Vào dịp giáp tết, người dân thường cùng nhau tát đìa vần đổi công cho nhau. Họ bắt cá đồng để dự trữ và nhất là dùng đãi khách trong dịp tết đến xuân về. Vốn sẵn tính cách hào sảng, phóng túng và mến khách nên khi khách đến nhà chơi, trong nhà có gì ngon, người dân đều mang ra đãi khách để tỏ lòng mến khách.
Người dân xã An Minh Bắc (U Minh Thượng) chế biến sản vật địa phương.
Gia đình ông Đinh Văn Mười, ngụ ấp Minh Trung, xã An Minh Bắc (U Minh Thượng) trồng chuối, xoài, đào ao nuôi cá ở ven bìa rừng U Minh Thượng. Mỗi khi gió bấc về, gia đình ông tát đìa bắt cá. Một phần cá, ông bán để mua sắm trong nhà, một phần ông rộng lại dành để đãi khách. Khi có người thân, bạn bè đến chơi, ông Mười ra mùng rộng cá lựa con ngon nhất mang lên làm món ngon đãi khách.
Để nhanh chóng có món ngon nhâm nhi cùng bạn phương xa thì cá lóc nướng trui là nhanh nhất. Cá lóc đồng nướng có mùi thơm đặc trưng của những thớ thịt bốc ra từ vảy cá và mùi hơi khét của da cá tạo nên hương vị rất riêng.
Mùa mưa ở vùng Miệt Thứ càng phong phú với nhiều sản vật, nhất là các loại rau đồng, rau rừng xanh mơn mởn. Khi đó, những cư dân sống quanh bìa rừng thường đặt lọp để kiếm cá ăn, đi thăm lọp thì hái một ít rau choại, trái giác về chế biến món ăn. Rau choại dùng để nấu canh, nhúng lẩu, trái giác có vị chua thanh nhẹ nhẹ, dùng kho cá, nấu canh chua ăn rất ngon.
Cá lóc nướng - món ăn quen thuộc của người dân vùng Miệt Thứ.
Rau choại, trái giác là những đặc sản đồng quê mà khi nhắc đến người ta nghĩ ngay đến vùng Miệt Thứ. Theo đồng chí Nguyễn Tấn Kiệt - Phó Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Sư phạm Kiên Giang, Hội trưởng Phân hội Văn học, Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh: “Từ xa xưa, thuở khẩn hoang lập làng, lập ấp, vùng Miệt Thứ được thiên nhiên ưu đãi cho nhiều tôm cá, rau rừng có ở khắp nơi nên việc tìm kiếm thức ăn cho bữa cơm hàng ngày của người dân không khó. Người dân chỉ đi quanh nhà, ra ao, đìa đặt lọp, cắm câu rồi bơi xuồng hái rau choại, rau rừng đem về nấu là có bữa cơm ngon. Nhiều khi, người nông dân đi ruộng, đi rừng đói bụng bắt con cá lên nướng trui ăn cũng được. Từ đó hình thành nếp văn hóa ẩm thực mang đậm chất của người dân vùng Miệt Thứ, cũng là nét văn hóa ẩm thực miệt vườn của người dân vùng miền quê ở đồng bằng sông Cửu Long. Qua đó thể hiện tính cách hào sảng, dân dã của người dân vùng Miệt Thứ nói riêng và của người miền Nam nói chung”.
Hiện có rất nhiều khu du lịch sinh thái chọn phong cách ẩm thực miệt vườn. Không gian của khu du lịch sinh thái giúp du khách thư giãn sau những giờ làm việc mệt mỏi, đồng thời được thưởng thức những món đặc sản miền quê. Không gian mát mẻ hòa quyện với thiên nhiên, cây xanh và sông nước hữu tình cùng những món ăn mang đậm nét dân dã, mộc mạc của vùng Miệt Thứ - U Minh là điều kiện thích hợp để thực hiện chuỗi du lịch miệt vườn.
Nếu được đầu tư đúng mức, vùng Miệt Thứ - U Minh Thượng có thể trở thành điểm nhấn du lịch vườn độc đáo. Qua đó là điều kiện để người dân nơi đây giới thiệu đến mọi người về văn hóa ẩm thực, tập quán sinh hoạt và phong cách của người dân vùng Miệt Thứ; đồng thời góp phần quảng bá và giữ gìn nét đẹp trong văn hóa ẩm thực miệt vườn của vùng quê sông nước Cửu Long.
Bài và ảnh: HỒNG MỤI
(KGO) - Ngày 22 và 23-2, Sở Y tế tỉnh Kiên Giang tổ chức giải bóng đá mini nam và nữ chào mừng kỷ niệm 70 năm ngày thầy thuốc Việt Nam (27/2/1955 - 27/2/2025).
Tổng số lượt truy cập: