16/01/2021 09:06
Chuyện kể rằng, vợ chồng bác Sáu Lầu cưới nhau ba năm không có con, đây là nỗi buồn chung của các gia đình nhưng ác nghiệt thay chỉ đổ tội xuống người phụ nữ, bởi luật của gia đình xưa là “Tam niên vô tử bất thành thê”. Thương vợ, nghĩ cảnh vợ bơ vơ nơi phương trời vô định nào đó, đêm đêm nhạc sĩ Cao Văn Lầu ôm đàn dạo lên tiếng tơ lòng của mình để rồi cho ra đời bài “Dạ cổ hoài lang” (Đêm khuya nghe tiếng trống nhớ chồng).
Bài “Dạ cổ hoài lang” của nhạc sĩ Cao Văn Lầu ra đời giữa tháng 8-1919, lúc đầu là 20 câu, mỗi câu 2 nhịp, dần dần nâng lên 4 nhịp, nhịp 8, nhịp 16, nhịp 32… và trở thành một thể điệu không thể thiếu trong đờn ca tài tử và sân khấu cải lương.
Theo thạc sĩ Đỗ Dũng, quá trình phát triển từ bài “Dạ cổ hoài lang” thành bài vọng cổ có mấy điều đáng chú ý: Năm 1932, nhạc sĩ Trịnh Thiên Tư sáng tạo nâng từ nhịp 2 thành nhịp 4, gọi là “vọng cổ nhịp tứ”, mỗi câu có 4 nhịp, bản nhạc vẫn 20 câu. Năm 1934, nhạc sĩ Lưu Hoài Nghĩa (Năm Nghĩa) sáng tạo tăng nhịp thứ gấp đôi, từ nhịp 4 thành nhịp 8, gọi là “vọng cổ nhịp 8”, mỗi câu có 8 nhịp và bản nhạc vẫn 20 câu. Những năm 1936 - 1939, nhạc sĩ Trần Tắc Trung (Mộng Vân) sáng tạo nâng nhịp thúc gấp đôi, từ nhịp 8 lên nhịp 16, gọi là “vọng cổ nhịp 16”, mỗi câu có 16 nhịp, và bản nhạc vẫn 20 câu. Năm 1940, nhạc sĩ Trần Tấn Hưng (Năm Nhỏ) sáng tạo nâng nhịp thúc lên gấp đôi, từ nhịp 16 lên thành vọng cổ nhịp 32…
Mặc dù có sự phát triển nhưng bản “Dạ cổ hoài lang” vẫn là cái hồn, sự tinh túy của bài ca vọng cổ. Trong các lần hội thi, hội diễn, bài “Dạ cổ hoài lang” được sử dụng thường xuyên như một tác phẩm chủ chốt có giá trị vĩnh cửu. Sự phát triển từ bản “Dạ cổ hoài lang” trở thành bản vọng cổ như ngày nay là sự tất yếu, khách quan, đúng như tâm nguyện của nhạc sĩ Cao Văn Lầu vào năm 1963: “Từ bài “Dạ cổ hoài lang” nhịp 2, nhịp 4 trở thành nhịp 32 là công sửa đổi của quý nhạc sư, nhạc sĩ, soạn giả để trở thành đứa con tinh thần chung của quý vị. Tôi xin giao đứa con ấy cho quý vị, thương yêu nó mà giữ dùm nó, đừng biến nó thành đứa con hoang mất căn gốc, nhịp điệu và lời ca. Như thế, dầu tôi có chết cũng ngậm cười nơi chín suối. Tôi tin đứa con riêng của tôi, đứa con chung của quý vị sẽ được nuôi dưỡng, chăm sóc với tất cả tấm lòng yêu chuộng bản hoài lang hay bản vọng cổ…”.
Tác giả Lê Duy Hạnh - Chủ tịch Hội Sân khấu TP. Hồ Chí Minh nói: “Cái gốc của bài vọng cổ là “Dạ cổ hoài lang” của bác Sáu Lầu, viết theo nhạc dân tộc: Hò, xự, xang, xê, cống. Quá trình phát triển không làm biến dạng bài “Dạ cổ hoài lang” mà vẫn tạo sự đồng dạng nhưng ở một cấp độ cao hơn, rộng hơn. Vì vậy, nói đến vọng cổ, người ta nhớ ngay đến bản “Dạ cổ hoài lang” không chỉ vì “Dạ cổ hoài lang” là cái gốc của quá khứ mà vì nó vẫn mang dấu ấn trong bản vọng cổ hiện nay”.
Những năm gần đây, cùng sự phát triển chung của các loại hình văn học, nghệ thuật, phong trào sáng tác ca khúc, sáng tác bài vọng cổ, viết lời mới cho các bài bản tài tử xuất hiện khắp nơi. Bên cạnh tác giả có tên tuổi, hàng loạt tác giả mới bắt đầu làm quen với lĩnh vực này, đặc biệt là sáng tác lời mới cho bài ca vọng cổ. Qua đó góp phần làm giàu thêm đời sống tinh thần, nhiều bài ca được phổ biến trên các phương tiện thông tin đại chúng, có một số bài đi vào lòng người.
Tuy nhiên, trong số những tác phẩm mới thì có những bài chưa đạt yêu cầu về nội dung, vần điệu và bố cục. Có những tác phẩm viết lan man, đầu đuôi lẫn lộn, văn phong không chặt chẽ, làm cho người nghe nhàm chán, thậm chí có khuynh hướng viết xen với nhạc hoặc viết 3 câu (câu 1, 2 và câu 6) làm cho bài vọng cổ bị biến dạng.
Soạn giả Trọng Nguyễn từng nói: “Khi viết một bài ca vọng cổ cần phải đạt cả ba yếu tố: Bài ca phải có nội dung cốt truyện, bài ca đó như một bài thơ, bài ca đó như một bức tranh. Thực ra, muốn viết một bài ca đạt các yêu cầu trên không dễ, đặc biệt là những bài sống mãi trong lòng người. Viết bài ca vọng cổ có nhiều phong cách khác nhau, ai thích cách nào thì theo cách đó song phải chú ý các yếu tố trên”.
Tóm lại, từ bài “Dạ cổ hoài lang” đến bài vọng cổ nhịp 32 thông dụng hiện nay là cả quá trình, từ một sáng tác cá nhân biến thành sáng tác tập thể sẽ còn sống mãi trong lòng mỗi chúng ta, nhất là người dân Nam bộ.
THIỆN CẨN
(KGO) - Ngày 22 và 23-2, Sở Y tế tỉnh Kiên Giang tổ chức giải bóng đá mini nam và nữ chào mừng kỷ niệm 70 năm ngày thầy thuốc Việt Nam (27/2/1955 - 27/2/2025).
Tổng số lượt truy cập: