16/01/2021 09:06
Hồi tôi còn nhỏ, tháng chạp vừa sang là tôi lẽo đẽo theo má hỏi khi nào mua vải về may đồ tết. Xứ tôi hồi trước không có nhiều thợ may nên muốn may đồ tết phải may từ sớm chứ để cận tết là thợ may may không kịp. Tôi thích nhất dì Hai xóm tôi may đồ bởi dì may rất vừa vặn. Gửi vải ở tiệm may của dì chứ cứ vài bữa đi học ngang là tôi hỏi dì may đồ xong chưa.
Mỗi lần hỏi là mỗi lần bị dì chọc: “Bộ nôn tết dữ rồi hả?”, tôi mắc cỡ rồi chào dì ra về. Mấy ngày sau, đi chợ, sẵn chuyến, má tôi ghé nhà dì Hai lấy mấy bộ đồ tết cho anh em tôi. Nhà tôi thiếu trước hụt sau nên mỗi năm má tôi chỉ may cho anh em tôi một bộ đồ mới mặc tết. Đi học về nghe nói có đồ mới là tôi vội lấy mặc thử. Thế rồi, tôi cứ nhìn tờ lịch để trông cho mau đến tết để được mặc áo mới và đi chơi cùng đám bạn.
Lúc nhỏ, với tôi tết mới có nhiều bánh kẹo để ăn. Xóm tôi thường làm mứt dừa, mứt chuối vần công. Hễ hôm nay nhà tôi làm thì hàng xóm qua phụ xong rồi tới nhà kế bên, cứ vậy gần chục bữa mới xong. Những đứa bạn cùng trang lứa với tôi cũng “ké”, đi học về là chạy ùa qua để phụ cạy cơm dừa, lột vỏ chuối… làm mứt. Ngồi bên bếp, đứa nào cũng trông cho những mẻ mứt đầu tiên hư để được ăn cho đã thèm. Hồi trước, bánh kẹo không nhiều như bây giờ, chỉ có dịp đám giỗ, đám cưới hay tết mới có bánh mứt nhiều mà ăn. Có lần, tôi ăn nhiều đến nỗi sáng thức dậy hai con mắt đổ ghèn. Nhìn tôi ai nấy đều cười.
Tôi luôn trông tết bởi tết tôi mới có dịp đi bộ cùng bạn đi chợ xã. Lâu thiệt lâu chúng tôi mới được đi chợ. Mắt cứ nhìn trân trân khi thấy nhà nào trồng hoa vạn thọ nở vàng ươm hay mấy đám soi nhái, mấy chậu hoa mào gà lả lơi theo gió. Ở chợ, tết đến người ta thường cho con nít vui với trò bầu, cua, cá, cọp. Sẵn túi có tiền, tôi cũng ham chơi cùng mấy đứa bạn và cứ thế rủ nhau đặt bầu, cua, cá hay cọp. Có lần thua sạch túi, đứa nào đứa nấy mặt quạu đeo về nhà, bỏ cả cơm chiều. Má tôi biết chuyện la rồi cho tiền tôi nhưng dặn là chỉ để uống nước hoặc để qua tết mua dụng cụ học tập chứ không được chơi mấy trò đó nữa.
Tôi luôn trông tết vì tết tôi được lì xì. Xúng xính trong bộ đồ mới, đi chúc tết ông bà, nhận những bao lì xì đỏ tươi là điều tôi hạnh phúc nhất. Mùng một tết, nhà nhà hân hoan khi nghe tiếng trống múa lân. Ba tôi treo tiền đựng trong bao lì xì màu đỏ khi nghe đoàn múa lân sắp đến. Đội lân, ngoài ông lân với những điệu múa đẹp mắt còn có ông địa.
Thích nhất là lúc lân ngủ, ông địa có cái bụng bự, luôn há miệng cười, tay cầm quạt cứ vẫy vẫy quanh ông lân nịnh nọt nhìn thật dễ thương. Tôi sợ nhất là ông địa mỗi khi ông chạy đến gần chọc ghẹo mình. Trước kia, đội lân còn có khỉ, lóc chóc chạy tới chạy lui, tụi con nít xóm tôi là thích nhất bởi cứ tưởng là gặp Tôn Ngộ Không trong phim “Tây du ký” mà mình được xem trên ti vi. Khi ông lân dùng kỹ thuật của mình đớp được bao lì xì thì đoàn lân chuyển sang nhà khác, tiếng trống, tiếng chập chả dần xa chỉ còn đọng lại không khí xuân ấm áp.
Những mùa tết đã đi qua, tháng chạp nữa lại về, các tiệm may quần áo trong xóm tôi không còn nhiều như trước kia. Bây giờ ít có ai vần công nhau làm mứt, bánh chuẩn bị cho ngày tết như trước. Chắc có lẽ quần áo may sẵn, bánh mứt giờ bày bán khắp chợ hay tại công việc quá bộn bề nên người ta cũng ít làm gia công.
Riêng tôi, mỗi độ tết sắp về, lòng vẫn có một nỗi nôn nao khó tả. Thèm được ở chốn quê, lẽo đẽo theo má chờ may đồ tết rồi phụ ba bẻ dừa làm mứt, tát đìa bắt cá chờ anh chị tôi về đông đủ ăn bữa cơm đoàn viên ấm cúng. Tất cả trong lòng tôi như muốn níu giữ một nét văn hóa đẹp của vùng đồng bằng châu thổ nơi tôi chôn nhau cắt rốn. Để rồi sau này khi già, mỗi độ tết đến, tôi lại kể cho con cháu mình nghe.
Tuổi ngoài 30 nhưng tôi vẫn thích trồng vạn thọ trước sân, tước lá mai chờ đón những cánh mai rộ nở đêm giao thừa.
Và tôi vẫn trông tết!
SONG NGUYỄN
(KGO) - Ngày 22 và 23-2, Sở Y tế tỉnh Kiên Giang tổ chức giải bóng đá mini nam và nữ chào mừng kỷ niệm 70 năm ngày thầy thuốc Việt Nam (27/2/1955 - 27/2/2025).
Tổng số lượt truy cập: