30/11/2020 15:20
“Muốn sang thì bắc cầu kiều
Muốn con hay chữ thì yêu lấy thầy”
Hay là “Không thầy đố mày làm nên”, bằng những câu ca dao, tục ngữ mộc mạc quen thuộc đó, các thế hệ ông cha nhắc nhở con cháu phải ghi tâm tạc dạ truyền thống “tôn sư trọng đạo” của dân tộc ta. Và tôi thấm thía hơn bao giờ hết ơn nghĩa sâu nặng mà thầy cô nói chung, các thầy trong quân đội nói riêng dành tặng trong suốt hành trình trưởng thành của mình.
Những ngày đầu là tân binh hải quân, chúng tôi thích thú, háo hức vô cùng bởi chúng tôi chính thức được mang trên người bộ quân phục hải quân, được cấp ba lô, trang bị súng AK và nhiều đồ dùng quân tư trang cá nhân… đó là những thứ mà một thời ngồi trên ghế nhà trường tôi mơ ước. Những năm 1990, điều kiện ăn ở, sinh hoạt của bộ đội còn khó khăn, thiếu thốn.
Doanh trại chúng tôi từ nhà ở đến hội trường, nhà ăn, nhà bếp… đều làm bằng cây rừng, mái lợp tranh, nền đất, nằm bằng phản. Những ngày đầu tiên bỡ ngỡ, có những lúc tưởng chừng chúng tôi bỏ cuộc bởi vất vả nơi thao trường, khuôn khổ chuẩn mực trong môi trường quân đội… Nhưng người thầy “nhà binh”- (cái tên trìu mến ấy, tân binh để gọi cấp trên, từ cấp tiểu đội đến trung đội, đại đội trở lên) đã viết vào trang giấy trắng đầu tiên trong đời binh nghiệp của chúng tôi hình hài Tổ quốc, phẩm chất cao đẹp của anh bộ đội Cụ Hồ, trách nhiệm của công dân đối với Tổ quốc.
Các thầy chỉ bảo, dìu dắt, nâng đỡ chúng tôi từng li, từng tí, giúp tôi có nghị lực vượt qua khó khăn. Bài học đầu tiên thầy dạy chúng tôi là gấp nội vụ, sắp đặt quân tư trang trong ba lô, nơi móc quần áo, vị trí để mũ, giày, dép; các quy định tác phong quân nhân tóc, móng chân, móng tay. Thầy bảo, quân nhân ngoài tính tỉ mỉ phải có năng khiếu, khéo tay, bảo đảm vừa nhanh vừa đẹp vừa đúng quy định.
Trong ngày, chúng tôi phải thực hiện nghiêm 11 chế độ như treo Quốc kỳ, thức dậy, thể dục sáng, kiểm tra sáng, học tập, ăn uống, lau vũ khí, khí tài trang bị, thể thao, tăng gia, đọc báo, nghe đài… giờ nào việc ấy, răm rắp. Rồi chúng tôi bước vào học chuyên ngành do các thầy là trung đội trưởng, phó đại đội trưởng truyền đạt.
Môn dạy đầu tiên là điều lệnh đội ngũ. Chỉ mỗi động tác đi đều, đứng lại mà chúng tôi học cả đời quân ngũ chưa xong. Những ngày đầu luyện tập vất vả, tôi đúng được chân thì sai tay, đúng tay thì sai chân… Những tiếng khẩu lệnh hô “một hai, một hai, một hai…” giờ còn vang vọng trong tai tôi, thi thoảng trong giấc mơ, tôi còn nghe tiếng “một hai, một hai”.
Hết điều lệnh tay không chuyển sang điều lệnh có súng, các bài thể dục sáng, thể thao chiều như co tay xà đơn, xà kép… học võ thuật gồm 8 thế đứng và 16 động tác võ; học chiến thuật gồm lăn, lê, bò, trườn; học ngắm bắn súng AK; ném lựu đạn… Đêm về toàn thân đau ê ẩm, chẳng khác gì đi đánh trận.
Tối đến, tiểu đội trưởng dạy chúng tôi hát các bài hát quy định trong quân đội. Thầy bảo, quân nhân không được hát nhạc sến, buồn lắm, nghe nhớ nhà, nhớ người yêu… hãy tập hát các bài ca cách mạng khí thế vui nhộn, hùng hồn, đúng chất lính. Thầy lo cho chúng tôi từ miếng ăn, giấc ngủ, theo dõi, giúp đỡ chúng tôi học tập, huấn luyện.
Mỗi khi thấy chúng tôi bệnh hoặc hay tin gia đình có chuyện buồn, các thầy động viên, chia sẻ. Thầy “nhà binh” không chỉ trang bị cho chúng tôi kiến thức quân sự mà còn là người cha, người mẹ dìu dắt chúng tôi suốt cuộc đời quân ngũ.
Trong cuộc đời của mỗi người ai cũng có những người thầy để nhớ, để kính trọng và noi theo. Với tôi, hình ảnh người thầy “nhà binh” là một trong những “tượng đài lớn” tôi kính trọng và noi gương. Các thầy của tôi có người đã xuất ngũ, nghỉ hưu về với cuộc sống đời thường, có thầy chuyển ngành, cũng có thầy về với tổ tiên.
Nối nghiệp các thầy, tôi nguyện là người kế tục sự nghiệp truyền đạt kiến thức tiếp thu được từ các thầy để tiếp tục gieo hạt chờ ngày bội thu, truyền lửa và chắp cánh ước mơ cho thế hệ tương lai. Và tôi không quên tiếp tục giáo dục các em truyền thống “tôn sư trọng đạo” của dân tộc.
HỒNG SOI
(KGO) - Tối ngày 29-10, Ban Chỉ đạo Đại hội đại biểu các dân tộc thiểu số tỉnh Kiên Giang lần thứ IV, năm 2024 tổ chức chương trình văn nghệ chào mừng đại hội.
Tổng số lượt truy cập: