01/09/2020 08:23
Ngày nay, những hàng cau, giàn trầu không còn nhiều nhưng vẫn còn những người gắn bó với lá trầu, miếng cau; có người gần cả đời mưu sinh từ trầu cau, gìn giữ nét đẹp văn hóa truyền thống này. Tại TP. Rạch Giá, hiện chỉ còn một vài chỗ bán trầu cau, trong đó người có tiếng bày mâm trầu cau trong lễ cưới hỏi phải kể đến bà Trần Thị Quy (bà Hai), ngụ đường Lê Lai, phường Vĩnh Thanh (TP. Rạch Giá).
MIẾNG TRẦU MỞ ĐẦU CÂU CHUYỆN
Năm nay bà Hai 70 tuổi. Hàng ngày, từ sáng sớm, bà bưng khên rồi kê xe đẩy một ít trầu cau, thuốc rê bán ở đường Trần Phú. Từ khi còn là cô gái tuổi đôi mươi, bà Hai cùng em gái là bà Trần Thị Gần (Tư Gần) bày buồng cau, xếp trầu trên vạt thúng để bán ở chợ. “Hồi trước nhiều người ăn trầu. Khi đi chợ, mọi người thường tạt qua mua trầu cau têm sẵn để ăn, chào nhau vài câu, không khí chợ rộn ràng, thân thiết hơn bây giờ”, bà Hai chia sẻ.
Bà Trần Thị Gần (Tư Gần) bày buồng cau, xếp trầu chuẩn bị làm mâm trầu cau cho khách.
Cũng như bà Hai và bà Tư, hàng ngày, bà Nga cũng ngồi ở một góc của Trung tâm Thương mại Rạch Giá (TP. Rạch Giá) bán trầu cau. Bà Nga kể: “Bây giờ trầu cau không còn đắt khách như ngày xưa nên tôi bán thêm hàng mã để tăng thu nhập. Tôi chủ yếu ngồi chợ để khách đến đặt bày mâm trầu trong tiệc cưới hỏi”. Theo bà Tư Gần, ngày nay ít người ăn trầu, khách mua ít hơn nhưng nét đẹp về trầu cau không bị mai một. Trầu cau được đặt ở những nơi trang trọng nhất trong nhà để thắp nhang cúng tổ tiên, mời khách trong ngày lễ, tết hoặc khi có việc trọng đại...
Trưa 19-3, bà Phan Kim Lý, ngụ phường Vĩnh Quang (TP. Rạch Giá) đến chỗ bà Tư Gần nhờ tư vấn cách chọn trầu cau đi mâm trong lễ ăn hỏi của con. Bà Tư Gần hỏi đi hỏi lại bà Lý rằng bên nhà gái có nhiều người lớn tuổi không, họ nhà gái yêu cầu mâm trầu hay nhà trai chọn cho đủ lễ… rồi bà tỉ mỉ chọn từng lá trầu, nhánh cau, chuẩn bị sẵn mọi thứ để xếp trầu, cau vào mâm. Bà Tư Gần nói: “Miếng trầu mở đầu câu chuyện. Mùa này, giá trầu cau hơi cao nên tôi chọn 60 đôi trầu và 40 trái cau bày mâm là vừa. Quan trọng là tôi làm mâm trầu đẹp và têm thêm trầu tặng gia đình để vào khay mà thưa chuyện”.
GIỮ GÌN VĂN HÓA TRẦU CAU
Theo nhiều người bán trầu cau, các lễ cưới hỏi diễn ra nhiều từ tháng 9 năm trước đến tháng 4 năm sau là lúc người bán trầu cau “ăn nên làm ra”. Những tháng không lễ, tết, người dân hay mua trầu cau về thắp nhang vào mùng 1, ngày rằm, ngày khai trương, khởi công xây nhà, thôi nôi, đầy tháng...
Miếng cau trắng đặt cạnh chút hồng đỏ của vôi bên trầu xanh têm cánh phượng với ý nghĩa sum vầy, hạnh phúc, trọn vẹn.
Đến nhận mâm trầu giúp người thân, chị Thúy Nga, ngụ đường Ngô Quyền, phường Vĩnh Lạc (TP. Rạch Giá) chia sẻ: “Gia đình tôi nhờ bà Hai xoay mâm trầu cho đám hỏi của em họ vì trước đó đã nhờ bà xoay mâm trầu trong đám hỏi của em tôi rất tốt. Bà Hai têm trầu cánh phượng đặt trong khay trầu rất đẹp”. Khi tư vấn cho bà Lý, bà Tư Gần hứa tặng 4 miếng trầu têm cánh phượng để vào khay thưa chuyện với nhà gái. Theo bà Tư Gần: “Tùy độ khéo và sự cần mẫn của người bán mà mỗi đĩa trầu têm cánh phượng có kiểu dáng đơn giản hay cầu kỳ. Tuy nhiên, trầu têm cánh phượng đặt trang trọng vào khay luôn được các gia đình nhà trai chọn và xem như không thể thiếu khi sang nhà gái bàn chuyện cưới hỏi”.
Mâm trầu cau do bà Trần Thị Quy (bà Hai) xếp.
Nhìn miếng cau trắng đặt cạnh chút hồng đỏ của vôi bên trầu xanh trong đĩa trầu têm cánh phượng như thêm niềm tự hào về nét đẹp văn hóa trầu cau với ý nghĩa sum vầy, hạnh phúc, trọn vẹn trong mỗi gia đình. Cuộc sống hiện đại cuốn đi nhiều thứ nhưng những người gắn bó với nghề têm trầu cau hàng chục năm nay vẫn gìn giữ nét đẹp văn hóa truyền thống ngàn đời có trong tâm thức, tình yêu của người Việt Nam. Theo bà Tư Gần, mâm trầu cau trong ngày cưới là lời chúc cho sự gắn bó son sắt của vợ chồng trẻ; trầu cau là sự gắn kết của tình nghĩa anh em, tình làng nghĩa xóm mãi mãi được giữ gìn.
Bài và ảnh: MINH THƯ
(KGO) - Ngày 22 và 23-2, Sở Y tế tỉnh Kiên Giang tổ chức giải bóng đá mini nam và nữ chào mừng kỷ niệm 70 năm ngày thầy thuốc Việt Nam (27/2/1955 - 27/2/2025).
Tổng số lượt truy cập: