30/11/2020 15:20
Tôi gặp chị Châu Thị Phượng (sinh 1968), ngụ ấp Long Đời, xã Vĩnh Tuy (Gò Quao) vào một trưa khi đoàn khảo sát du lịch của tỉnh đến Gò Quao. Chị Phượng là chủ đò đưa chúng tôi từ trung tâm huyện Gò Quao vào điểm du lịch tại xã Vĩnh Phước A.
Chị Phượng cười - nụ cười hạnh phúc, hiền hậu của người phụ nữ Nam bộ. Tôi ngỡ chị cười vì chúng tôi chỉ đủ thứ khi đò di chuyển dọc theo con sông Cái Lớn, nhưng không phải, chị cười vì hạnh phúc, vì vui bởi rất lâu rồi con đò của chị mới chở nhiều khách. Và cũng rất lâu rồi chị mới có cảm giác “sống” lại với nghề chạy đò như thuở hoàng kim của nó.
Chị Phượng kể, chị nối nghiệp cha mình từ năm 1992. Khi ấy, đường bê tông còn chưa nhiều, chủ yếu là các trục quốc lộ, đò của chị chở nhiều khách đi các tuyến từ xã Vĩnh Tuy, Vĩnh Phước A đến trung tâm huyện Gò Quao rồi đi TP. Vị Thanh, TP. Rạch Giá...
“Ngày xưa, chạy đò vui lắm vì đi đường xa nên dưới đò bán đủ đồ ăn, nước uống, sách báo. Mỗi khách có một cái võng để nghỉ. Trên đò còn có máy cassette phát cải lương cho khách nghe”, chị Phượng nhớ lại.
Chị Châu Thị Phượng (bên trái) cùng con đò gắn bó gần 40 năm đưa đoàn chúng tôi từ trung tâm huyện Gò Quao về xã Vĩnh Phước A.
Cũng theo chị Phượng, gọi đò chợ là vì các chuyến đò thường đưa khách đến chợ, chở hàng hóa từ chợ về. Đò chợ thường ghé nhiều bến để lên, xuống khách và hàng hóa. Cứ như vậy, hàng trăm năm qua, đò chợ góp phần thúc đẩy giao thương, là cầu nối để đưa nhiều người qua đôi bờ cách trở.
Anh Võ Văn Út Ba (chồng chị Phượng) cho biết, đò chợ là vỏ lãi loại lớn chạy dọc nhiều tuyến sông đón khách đi chợ xa. Đò có kích thước, tải trọng lớn, nhỏ khác nhau nhưng có chung kiểu dáng thiết kế và mục đích là chở khách. Ðò thường có kiểu mui cứng có thể đi lại trên đó và để khách ngồi hóng mát hoặc chứa hàng hóa.
Trong khoang đò có hai băng ghế dài bằng gỗ chạy dọc thân be làm chỗ ngồi cho khách. Với những chuyến đi xa, chủ đò mắc võng để khách nghỉ ngơi trong suốt hành trình… “Tôi và Phượng nên duyên nhờ một lần tôi đi đò của Phượng ra chợ. Khi ấy, tôi chưa biết lái đò, thấy ba Phượng lớn tuổi lại lái đò nên tôi đùa: “Hay để tôi về làm rể thay ba em chạy đò”, từ đó hai đứa nên duyên và gắn bó đến bây giờ và tôi làm nghề lái đò hàng chục năm”.
Đang trong câu chuyện vui chợt gương mặt chị Phượng thoáng buồn bởi chỉ lát nữa đoàn khách đi đò sẽ về lại phố và con đò sẽ về lại chu kỳ 1 ngày chạy, 5 - 7 ngày nằm chờ xuất bến. Anh Ba chia sẻ: “Hơn chục năm trước, chạy đò chợ vẫn còn “sống” được nhưng hiện ít người đi đò chợ, chủ yếu đò chở hàng hóa cho tiệm tạp hóa, đại lý phân bón, thuốc trừ sâu… nên thu nhập không nhiều mà còn vất vả khuân vác hàng hóa cho khách. Nhà tôi có đất, ruộng, vợ chồng có thể lên bờ làm ruộng, trồng khóm nhưng vợ tôi không chịu vì nhớ sông, nhớ đò”.
Theo chị Phượng, hiện đò của chị chỉ chạy 5 - 7 chuyến/tháng. Cứ mỗi lần chuẩn bị xuất bến trước 2 - 3 ngày, chị gọi điện thoại trước cho bạn hàng cần mua, gửi gì để chị ghi lại, đến ngày xuất bến, chị theo đó lấy hàng. “Có thể vài năm nữa đò chợ chắc không còn”, chị Phượng ngậm ngùi.
Trong câu chuyện kể của chị Phượng, tôi chợt nhớ những chuyến đò quê xưa của mình. Quê tôi ở cuối cùng của dãy đất hình chữ S, nhà tôi nằm bên dòng sông hiền hòa. Ngày ấy, cứ mỗi lần mẹ đi chợ là anh em tôi ở nhà mong chuyến đò từ chợ tỉnh chạy về bởi đơn giản mẹ đi chợ về tôi sẽ được ăn bánh mì ngọt hình con cóc...
Chiều muộn, chúng tôi chia tay vợ chồng chị Phượng sau khi hành trình kết thúc. Tiếng rú của động cơ máy trên tàu như lời tạm biệt mà vợ chồng chị Phượng gửi chúng tôi. Nước tung bọt trắng xóa khi chiếc đò vụt đi, tôi ngẩn ngơ nhìn.
Bài và ảnh: TRUNG HIẾU
(KGO) - Tối ngày 29-10, Ban Chỉ đạo Đại hội đại biểu các dân tộc thiểu số tỉnh Kiên Giang lần thứ IV, năm 2024 tổ chức chương trình văn nghệ chào mừng đại hội.
Tổng số lượt truy cập: