22/01/2021 09:40
Ngày đó, khi thấy cha sửa chuồng vịt là tôi biết đến mùa nuôi vịt chạy đồng mới. Sống ở nông thôn, đất làm nông ít, mùa lúa xong là nhà tôi nuôi thêm bầy vịt đẻ. Vào khoảng tháng 7 đến tháng chạp âm lịch hàng năm, nuôi vịt đẻ chạy đồng không cần mua thức ăn cho vịt mà tận dụng lúa rơi sót lại sau khi thu hoạch trên đồng ruộng.
Ngoài lúa mót, vịt có thể ăn các loại côn trùng như dế, ốc, cua và nhiều loại thủy sinh. Chỉ vậy thôi mà vịt lớn nhanh và đẻ nhiều trứng. Với nghề nuôi vịt đẻ, tìm được cánh đồng vừa cắt trơ gốc rạ là niềm vui lớn nhất của người chăn vịt. Khi ấy, đàn vịt tha hồ tìm kiếm thức ăn trên những cánh đồng bạt ngàn mùi rơm mới. Nhà tôi nuôi hơn 700 con vịt nên cha không chạy đồng xa mà chủ yếu chạy đồng gần bởi nuôi vịt ít mà đi xa là lỗ vốn.
Ở đồng gần, vịt được di chuyển trên đường bộ hoặc kênh, mương. Ở đồng xa, qua xứ khác thì phải mướn ghe chở cả bầy đến đồng mới, nay đây mai đó. Lúa chín đến đâu, người và vịt đi đến đó. Đi đến đâu, người nuôi vịt cũng phải dựng chòi tạm gần chuồng vịt để ở trông coi, thêm nỗi vất vả nữa là vịt thường đẻ trứng vào đêm khuya.
Hình ảnh vịt ăn lúa trên đồng.
Ngày xưa, từ nửa đêm là nhà tôi nghe tiếng vịt kêu ổ. Khoảng ba giờ, cha tôi bắt đầu lục đục dậy gom trứng và chuẩn bị ngày mới cho vịt đi ăn. Ngày đó, đàn vịt của nhà tôi chỉ có mình cha coi, chúng tôi ít khi được cha cho theo bởi cha tôi nói: “Các con chỉ cần lo ăn học và chơi”. Nhưng ngược lại, chúng tôi thích đi đồng, đi theo chăn vịt và nghe tiếng vịt kêu là chúng tôi thấy thật thân quen. Tiếng vịt kêu là tín hiệu cho chúng tôi vào những trưa được giao nhiệm vụ đem cơm lên đồng cho cha, lắng tai nghe vịt kêu ở đâu là chúng tôi biết được địa điểm bầy vịt và cha ở đó.
Vào những ngày đồng khô chuyển sang đồng nước, người lớn hay gọi là nước tràn đồng, lúc bấy giờ đồng nhiều cá. Tranh thủ trông đàn vịt, cha bắt mớ cá đồng, khi bắt được nhiều cá, cha đem về cho mẹ đem ra chợ bán, khi ít thì cha làm nướng ăn tại chỗ. Hai anh em tôi tranh nhau lựa cá bự để nướng lụi. Tôi khoái nhất là làn khói nướng làm mắt cay xè nhưng đợi chút lại thoảng mùi thơm lừng từ cá. Ăn xong, chúng tôi muốn nán lại nên lấy cớ tìm hột vịt đẻ rớt trên đồng để lượm nhưng đồng nước mênh mông có bao giờ lượm được gì đâu. Dầm nắng đã đến khi bị cha nhắc đến giờ đi học, anh em tôi mới chạy nhanh về nhà.
Thế rồi, tiếng máy cày chuẩn bị cho vụ lúa mới thay cho tiếng vịt kêu trên đồng là lùa vịt chạy đồng kết thúc. Một đàn vịt có thể đẻ trứng 3 - 4 vụ nhưng qua mùa giữ lại bầy vịt không đủ vốn để lo ăn cho nó, cha tôi neo vịt chờ ngày rã bầy. Cha nói, lúc rã bầy vịt là lúc người nuôi vịt ngậm ngùi nhất. Mặc dù qua vụ sau, cha tiếp tục nghề nuôi vịt chạy đồng nhưng với cha tôi mỗi bầy vịt gắn bó qua bao ngày tháng không chỉ là nguồn thu nhập mà còn đong đầy tình cảm.
Khi trưởng thành, tôi theo đuổi ước mơ tương lai, không nối nghiệp cha nhưng tiếng vịt âm vang trên đồng vẫn mãi trong tôi, gợi cho tôi nhớ về quê hương, về cha và về cái nghề cha gắn bó. Qua bao thời gian vẫn vậy, ở những nơi cánh đồng lúa mênh mông nhuốm mùi rơm rạ, mùi khói đốt đồng, với tôi tiếng vịt kêu mãi là âm thanh thân thương. Nghề nuôi vịt chạy đồng lam lũ, vất vả nhưng góp phần giữ lại nét sinh hoạt, tập quán riêng của vùng đất Nam bộ.
Bài và ảnh: THÚY TÀI
(KGO) - Tối ngày 29-10, Ban Chỉ đạo Đại hội đại biểu các dân tộc thiểu số tỉnh Kiên Giang lần thứ IV, năm 2024 tổ chức chương trình văn nghệ chào mừng đại hội.
Tổng số lượt truy cập: