16/01/2021 09:42
Ông Danh Bê gắn bó với nghệ thuật truyền thống của đồng bào Khmer theo nghiệp cha truyền con nối. Niềm đam mê ca hát thôi thúc ông tham gia vào các phong trào văn nghệ từ ấp đến xã. Từ những phong trào này, ông trưởng thành và đoạt nhiều giải thưởng. Ông thành lập một câu lạc bộ văn nghệ Khmer đi biểu diễn trong tỉnh. Do kinh phí hoạt động hạn hẹp nên các đạo cụ để biểu diễn đa phần do ông tự chế.
Với ông Danh Bê, giữ gìn nghệ thuật truyền thống của đồng bào Khmer không chỉ là tình yêu mà còn có trách nhiệm bảo tồn nghệ thuật của dân tộc. Ông tìm kiếm người trẻ có năng khiếu tham gia câu lạc bộ. Ông Danh Bê chia sẻ: “Tôi thành lập câu lạc bộ văn nghệ Khmer với mong muốn giữ gìn và phát huy nghệ thuật truyền thống của người Khmer. Tôi muốn dạy cho con cháu về truyền thống dân tộc mình. 9 con của tôi được tôi hướng dẫn từng động tác và dạy hát từ nhỏ, lớn lên đều theo nghiệp cha”.
Ông Danh Bê chuẩn bị trang phục, đạo cụ biểu diễn văn nghệ Khmer.
Gần 23 năm dành thời gian và tâm huyết xây dựng câu lạc bộ văn nghệ Khmer, ông Danh Bê cố gắng khắc phục khó khăn để truyền dạy các điệu múa cho nhiều thế hệ cũng như tổ chức nhiều buổi sinh hoạt, biểu diễn văn nghệ phục vụ đồng bào Khmer.
Những động tác múa chằn, điệu trống sadăm là các tiết mục đặc sắc của câu lạc bộ được biểu diễn nhiều tại các chùa vào dịp dâng bông, tết cổ truyền của đồng bào Khmer, qua đó làm cho không khí lễ hội vui tươi hơn và mang đậm bản sắc văn hóa Khmer. Không chỉ biểu diễn ở địa phương vào các dịp lễ, tết của đồng bào Khmer, câu lạc bộ văn nghệ Khmer còn được mời đi biểu diễn ở nhiều địa phương như Quảng Ninh, Bình Thuận, An Giang, Sóc Trăng, Trà Vinh, Đồng Tháp...
Hiện ông Danh Bê tập hợp con cháu địa phương và tận tụy truyền dạy những động tác, điệu múa cho con cháu. Thành viên câu lạc bộ văn nghệ Khmer đa số là con em đồng bào Khmer với nhiều lứa tuổi khác nhau. Tại đây, các em được học các điệu múa như apsara, múa trống sadăm, rôbăm, điệu múa dù kê... Các địa điểm trước sân nhà, sân chùa là nơi tập luyện của câu lạc bộ. Vì phần lớn các em là học sinh nên thời gian luyện tập chủ yếu là các ngày chủ nhật hay vào các buổi tối trong tuần.
Ông Danh Bê dạy văn nghệ Khmer cho con cháu.
Bên cạnh sự huấn luyện của ông Danh Bê, thành viên câu lạc bộ văn nghệ Khmer hướng dẫn, truyền cho nhau cảm hứng về những bài hát, điệu múa dân tộc Khmer. Em Thị Mỹ Hận - cháu ngoại ông Bê cho biết: “Con tham gia câu lạc bộ 7 năm từ lúc 10 tuổi. Con được đi biểu diễn nhiều nơi như Ninh Thuận, Quảng Nam. Mỗi lần đi diễn, con vui vì được giao lưu văn hóa truyền thống của đồng bào Khmer với các nền văn hóa của các dân tộc”.
Ông Danh Bê dạy nghệ thuật truyền thống Khmer cho con cháu.
Theo đồng chí Cao Thị Bạch Tuyết - Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Định Hòa: “Câu lạc bộ văn nghệ Khmer của ông Danh Bê là nòng cốt cho phong trào văn hóa văn nghệ của xã. Nhờ ông thành lập và làm chủ nhiệm câu lạc bộ mà duy trì được bản sắc văn hóa dân tộc của đồng bào Khmer xã Định Hòa. Ông Bê dựng lại các bài hát, điệu múa rồi hướng dẫn các em múa, hát”.
Thông qua các hoạt động biểu diễn văn nghệ quần chúng từ câu lạc bộ văn nghệ Khmer, nhiều bạn trẻ có năng khiếu, triển vọng được tuyển vào đoàn nghệ thuật Khmer tỉnh. Năm 2019, ông Danh Bê được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu nghệ nhân ưu tú. Với tình cảm và tâm huyết với nghệ thuật của dân tộc Khmer, ông Danh Bê tiếp tục truyền lửa và góp phần gìn giữ phong trào văn nghệ Khmer phát triển hơn nữa.
Bài và ảnh: THÚY TÀI
(KGO) - Ngày 22 và 23-2, Sở Y tế tỉnh Kiên Giang tổ chức giải bóng đá mini nam và nữ chào mừng kỷ niệm 70 năm ngày thầy thuốc Việt Nam (27/2/1955 - 27/2/2025).
Tổng số lượt truy cập: