29/04/2023 10:35
Mỗi ngày có gần 2.000 cái bánh bao phục vụ người dân đến tham gia lễ giỗ Tổ Hùng Vương.
Mỗi năm, dịp lễ giỗ Tổ Hùng Vương - lễ hội Đền Hùng huyện Tân Hiệp, tất cả thành viên Ban bảo vệ di tích Đền thờ Quốc Tổ Hùng Vương huyện Tân Hiệp đều tập trung công tác chuẩn bị lễ giỗ. Ban bảo vệ di tích cùng với người dân còn chuẩn bị tiếp nhận nguyên liệu ủng hộ, nấu những món ăn chay phục vụ người dân đến dâng hương trong những ngày diễn ra lễ giỗ.
Với tấm lòng thành kính, tưởng nhớ công ơn của các Vua Hùng, người dân từ khắp nơi tích cực tham gia hỗ trợ công tác chuẩn bị phục vụ lễ giỗ. Năm nay, lễ giỗ Tổ Hùng Vương được tổ chức với quy mô lớn nên người dân khắp nơi đến dâng hương rất đông, vì vậy công tác chuẩn bị được Ban bảo vệ di tích triển khai từ rất sớm.
Theo Ban bảo vệ di tích, lễ giỗ Tổ Hùng Vương hàng năm được UBND huyện Tân Hiệp quan tâm tổ chức chu đáo, trang trọng, thu hút đông đảo người dân trong, ngoài tỉnh đến dâng hương, tỏ lòng biết ơn công đức của các Vua Hùng. Đến hẹn lại lên, cứ đến ngày mùng 8, 9, 10 tháng 3 âm lịch, người dân thu xếp công việc để đến Đền thờ Quốc Tổ Hùng Vương huyện Tân Hiệp tham gia nấu ăn phục vụ du khách gần xa đến dâng hương.
Người dân rất vui vì được góp một phần công sức phục vụ lễ giỗ.
Chị Nguyễn Thị Hồng Thắm, ngụ xã Tân Hiệp A, huyện Tân Hiệp cho biết: “Tưởng nhớ công ơn của các Vua Hùng, hàng năm, đến dịp lễ giỗ Tổ Hùng Vương, vợ chồng tôi đều thu xếp việc nhà, cùng với một số anh chị ở địa phương làm bánh bao chay phục vụ người dân đến dâng hương. Tôi xem đây là việc để tri ân công lao của các Vua Hùng và cũng để cầu bình an cho gia đình, người thân và mọi người”.
Hơn hai năm qua, mỗi khi đến lễ hội Đền Hùng huyện Tân Hiệp, ông Nguyễn Văn Hòa, ngụ huyện Cờ Đỏ (TP. Cần Thơ) đều đến tham gia nấu ăn phục vụ người dân trước hai ngày. “Hai năm rồi tôi đến đây cùng mọi người nấu ăn phục vụ lễ giỗ. Năm nay, lễ giỗ được tổ chức với quy mô lớn ai cũng vui vì được góp chút công sức”, ông Hòa nói.
Tại khu vực bếp nấu cơm, ông Nguyễn Văn Kiềm, ngụ huyện Chợ Mới (An Giang) ướt đẫm mồ hôi đang bê thúng gạo cho vào nồi nấu cơm. Vừa làm, ông Kiềm vừa nói: “Tôi chọn việc nấu cơm, dù nặng nhọc nhưng tôi cảm thấy vui vì được góp sức phục vụ bữa cơm cho người dân về dâng hương tại Đền thờ Quốc Tổ Hùng Vương huyện Tân Hiệp”.
Người dân khắp nơi đến tham gia nấu ăn phục vụ lễ giỗ Tổ Hùng Vương.
Tại lễ giỗ Tổ Hùng Vương - Lễ hội Đền Hùng huyện Tân Hiệp năm nay, hàng trăm lượt người từ nhiều nơi về đây làm những việc hậu cần tại Đền thờ Quốc Tổ Hùng Vương huyện Tân Hiệp nên tạo không khí nơi đây náo nhiệt, góp phần cho sự thành công của lễ giỗ.
“Giỗ Tổ Hùng Vương là dịp để con cháu tưởng nhớ công ơn của các Vua Hùng và những người có công dựng nước, giữ nước. Với mong muốn góp một phần nhỏ để lễ giỗ được tổ chức tươm tất, vợ chồng tôi cùng những anh chị trong huyện về đây tổ chức nấu bữa cơm chay để phục vụ người dân. Dự kiến mỗi ngày chúng tôi phục vụ khoảng 2.000 suất cơm, bún, cháo chay cho người dân về dự lễ giỗ”, bà Chánh Thị Thu Hà, ngụ huyện Chợ Mới (An Giang) chia sẻ.
Giỗ Tổ Hùng Vương không chỉ là một trong những ngày lễ trọng đại của dân tộc mà còn là dịp để những người con nước Việt bày tỏ lòng biết ơn các Vua Hùng đã có công dựng nước. Chính vì những giá trị truyền thống văn hóa tốt đẹp đó nên giỗ Tổ Hùng Vương hàng năm thu hút rất đông người dân đến tham dự. Mặc dù đã trải qua hàng ngàn năm lịch sử, với nhiều thăng trầm nhưng truyền thống “uống nước nhớ nguồn” của người Việt không bao giờ đổi thay. Giỗ Tổ Hùng Vương chính là một minh chứng cho điều đó.
Bài và ảnh: THỦY TIÊN
(KGO) - Năm 2025, Kiên Giang tổ chức 21 sự kiện, lễ hội văn hóa, thể thao và du lịch. Trong đó, lễ hội đón Giao thừa Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025, toàn tỉnh sẽ tổ chức bắn pháo hoa nổ tại 4 điểm.
Tổng số lượt truy cập: