13/04/2022 17:11
Vào thời khắc giao thừa, nhiều gia đình đồng bào Khmer đến chùa thắp hương đầu năm mới để cầu an, cầu tài, cầu lộc. Những ngày này, khung cảnh của các ngôi chùa đông đúc, chùa rực sáng ánh đèn, nến. Đồng bào Khmer đi lễ chùa đầu năm không chỉ để ước nguyện mà còn để con người hòa mình vào chốn tâm linh, bỏ lại phía sau những vất vả trong cuộc mưu sinh. Người thì cầu tài, cầu lộc, cầu duyên; người thì cầu bình an, sức khỏe cho bản thân và gia đình. Cũng có người đi lễ chùa để tìm lấy những giây phút bình yên, xua tan những lo toan trong cuộc sống.
Đầu năm mới, đồng bào Khmer đến chùa dâng cơm đến chư tăng và cầu siêu cho người thân đã mất. Đồng bào Khmer chuẩn bị chu đáo từ dọn nhà, bàn thờ, dâng cúng tổ tiên những món ăn truyền thống. Tùy vào điều kiện kinh tế gia đình mà chọn lễ vật khác nhau nhưng đều thể hiện lòng biết ơn, tưởng nhớ ông bà. Những lễ vật là những món ăn bình dị, gần gũi mang đặc trưng của người Khmer. Năm nào cũng vậy, sau khi hoàn tất nghi lễ cúng gia tiên tại gia đình, việc làm đầu tiên trong năm mới của gia đình chị Sơn Hồng Lam, ngụ xã Nam Thái (An Biên) là đi chùa làm lễ.
Theo chị Lam, đây là dịp để chị cũng như người thân mong tìm được sự thanh tịnh và hướng những việc cần phải làm cho năm mới. “Nhiều người quan niệm đi lễ chùa sau thời khắc chuyển giao giữa năm cũ và năm mới giúp gia đình an lạc, may mắn. Tôi muốn con cháu trân trọng nét đẹp văn hóa truyền thống của dân tộc”, chị Lam nói.
Đồng bào Khmer viếng chùa và dâng cơm đến chư tăng nhân dịp tết cổ truyền Chôl Chnăm Thmây 2022.
Còn đối với các bạn trẻ, đi viếng chùa đầu năm mới không chỉ để cầu nguyện những điều tốt đẹp cho bản thân và gia đình mà còn là dịp thưởng lãm cảnh đẹp, nét thanh tịnh chốn linh thiêng để hiểu hơn về truyền thống văn hóa của dân tộc. Anh Danh Đà Ra, ngụ xã Đông Yên (An Biên) chia sẻ: “Mỗi dịp tết đến, sau thời khắc giao thừa linh thiêng, tôi và anh chị em trong gia đình thường đi viếng chùa để vãn cảnh và cầu mong cho bản thân, gia đình mạnh khỏe, hạnh phúc, thuận hòa, mọi sự hanh thông”.
Còn chị Thị Bé Nhành, ngụ xã Minh Hòa (Châu Thành) cho biết: “Tôi đi viếng chùa đầu năm để hòa mình vào không gian linh thiêng nơi cửa Phật. Tôi tìm được sự thư thái cho tâm hồn sau một năm làm việc bận rộn; đồng thời hiểu nét văn hóa truyền thống của dân tộc, từ đó thấy trách nhiệm của mình trong việc gìn giữ nét đẹp văn hóa của dân tộc”.
Theo Hòa thượng Danh Đổng - Ủy viên Thường trực Hội đồng Trị sự Trung ương, Trưởng Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh, Chủ tịch Hội Đoàn kết sư sãi yêu nước tỉnh, phần lớn đồng bào Khmer đều theo Phật giáo Nam tông nên chùa là nơi diễn ra lễ hội tôn giáo, là nơi sinh hoạt cộng đồng của phật tử; đồng thời là nơi dạy chữ Việt, dạy nhạc ngũ âm, lưu giữ văn hóa, nghệ thuật truyền thống của dân tộc... “Đồng bào Khmer xem chùa là nơi hội tụ giá trị tốt đẹp của cuộc sống, góp phần duy trì phong tục, tập quán được lưu truyền qua nhiều thế hệ của đồng bào Khmer, do đó đồng bào Khmer thường viếng chùa vào dịp tết cổ truyền của dân tộc”, hòa thượng Danh Đổng cho biết.
Bài và ảnh: DANH THÀNH
(KGO) - Gần 1.500 vận động viên đã có màn trình diễn thể thao ấn tượng tại sự kiện BIM Group IRONMAN 70.3 Phú Quốc 2024.
Tổng số lượt truy cập: