28/02/2024 10:24
“Đệ nhất xe lôi Hà Tiên” là cách gọi ví von mà những người hành nghề xe lôi ở TP. Hà Tiên dành cho ông Nguyễn Thanh Phương (72 tuổi), ngụ tổ 11, khu phố 4, phường Bình San. Ông Phương là người hành nghề xe lôi lâu năm nhất và cũng là người lớn tuổi nhất hiện vẫn còn hoạt động nghề nghiệp trên khắp phố phường Hà Tiên.
Ông Nguyễn Thanh Phương.
Ông Phương bắt đầu hành nghề xe lôi từ năm 1990, chủ yếu chở hàng, chở vật liệu xây dựng, hiếm khi có khách chọn đi. Hít một hơi thuốc dài, ông Phương trầm ngâm nhớ lại ngày đó, khách đến Hà Tiên khá đông, nhưng ít ai quan tâm kiểu du lịch dạo phố bằng phương tiện xe lôi.
“Những vị khách ngày đó nhìn anh em chúng tôi như lớp người hành nghề chở khách bình dân, và hay bị dán cái mác “nghèo”. Đó là lý do những du khách có tiền, giàu có ít khi chọn gọi chúng tôi. Thay vào đó, họ sẽ chọn xe ôm hoặc ô tô để tham quan Hà Tiên. Đầu những năm 1990, Hà Tiên có khoảng 40 anh em làm nghề xe lôi”, ông Phương kể.
Đến khoảng năm 2005, vào những dịp lễ hội hoặc những ngày nghỉ cuối tuần, hình ảnh những chiếc xe lôi quen thuộc trong tâm thức nghề của ông Phương hiện diện ngày càng đông trên đường phố. Ở thời điểm đó, số lượng xe lôi hoạt động ở TP. Hà Tiên có khoảng 60 xe.
Ông Phương rất vui vì nhận thấy nghề mình đang dần chuyển sang một trang mới. Du khách đến với thành phố vùng biên này đã bắt đầu xem xe lôi là loại phương tiện tham quan du lịch thường xuyên, hữu dụng. Sau nhiều ngày suy nghĩ, ông quyết định dùng hơn 10 triệu đồng tiền dành dụm để nâng cấp chiếc xe lôi cũ kỹ thành chiếc xe lôi chở khách du lịch có mái che nắng, nhìn sáng đẹp, mới mẻ.
“Đó thật sự là những tháng ngày vui vẻ, khi tôi và những anh em hành nghề xe lôi được du khách trọng dụng. Chúng tôi thường hành nghề lúc chiều và tối. Sau vài giờ làm việc, anh em có thu nhập trên dưới 500.000 đồng”, ông Phương kể.
Ông Phương vui vẻ kể những thăng trầm trong nghề xe lôi của mình.
Dấu mốc lớn nhất trong hành trình nghề của ông Phương là thời điểm năm 2020, khi xe lôi đạp truyền thống được chuyển đổi thành xe lôi máy, công suất tương tự như một chiếc xe đạp điện, hoặc mạnh hơn nếu dùng nhiều bình điện cùng lúc. “Anh em làm nghề dần chuyển đổi, đến nay 100% xe lôi ở Hà Tiên đều có gắn máy. Việc này khiến người làm nghề đỡ nhọc công sức hơn so với trước đây” ông Phương nói.
Hành trình hơn 30 năm làm nghề của ông Phương hiện chưa có dấu hiệu chững lại. Hàng ngày, người ta vẫn thấy một người đàn ông đen nhẽm trạc tuổi “thất thập, cổ lai hy” với nét cười hiền, rong ruổi trên khắp phố phường TP. Hà Tiên đưa đón khách.
Những lúc rảnh rỗi, người đàn ông này quây quần đùa giỡn với hai cháu nội, luôn miệng nói vui rằng đây như cách quên thời gian. Ông cũng hay nhắc đi nhắc lại việc bản thân làm nghề cho đến khi già yếu, không làm được mới thôi.
Ông Phương và hai cháu nội vui đùa cùng nhau.
Theo hướng chỉ tay của ông Phương, chúng tôi gặp anh Lư Anh Kiệt, ngụ phường Đông Hồ. Đây là người hành nghề xe lôi “chịu chi” nhất Hà Tiên, khi anh bỏ ra số tiền 71 triệu đồng để đầu tư mọi thứ cho phương tiện hành nghề của mình.
Anh Lư Anh Kiệt.
“Tôi dùng tổng cộng 20 bình điện để đảm bảo thời gian hoạt động liên tục lên đến 8 giờ, đồng thời có gắn thêm một bánh xe dự phòng. Việc trang trí ghế ngồi, tạo hình mái che, đèn chiếu sáng, đèn chớp màu được tôi chú trọng, để tạo vẻ bề ngoài “sanh chảnh” cho xe. Ngoài ra, tôi chọn chất liệu sắt, thép loại tốt để làm khung sườn, thùng xe… sao cho chắc chắn, an toàn, tuy nhiên việc này tốn khá nhiều tiền”, anh Kiệt cho biết.
Cũng theo anh Kiệt, thời điểm anh đầu tư chiếc xe lôi mới là giữa năm 2020, lúc đó người hành nghề xe lôi ở Hà Tiên ồ ạt chuyển đổi từ xe lôi đạp qua gắn máy. Chiếc xe của anh Kiệt khi hoàn thành cũng là chiếc xe lôi có giá đắt nhất ở Hà Tiên thời điểm đó.
Cận cảnh chiếc xe lôi 71 triệu đồng của anh Lư Anh Kiệt.
Cũng vì thế, nhiều người thỉnh thoảng gọi anh Kiệt với cái tên ví von “Đệ nhất xe lôi Anh Kiệt”. Anh Kiệt thường cười lớn khi được gọi như thế. Anh còn nói, khi nghe ai đó gọi vậy thì bản thân cũng có đôi chút tự hào, vui sướng.
Ở TP. Hà Tiên hiện có 151 chiếc xe lôi du lịch chở khách du lịch, khung giờ hoạt động nhộn nhịp nhất của đội xe là buổi chiều và tối. Người làm nghề có thu nhập bình quân khoảng 300-500.000 đồng/ngày. Những dịp đặc biệt như lễ, tết, những tháng du lịch cao điểm (nhất là dịp học sinh nghỉ hè)… số tiền thu nhập của người chạy xe lôi có thể tăng thêm đáng kể.
Xe lôi du lịch di chuyển trên đường phố Hà Tiên.
Tất cả người hành nghề xe lôi ở TP. Hà Tiên đều có đăng ký thông tin với Đội Cảnh sát Giao thông TP. Hà Tiên (thuộc Công an TP. Hà Tiên), đều là thành viên của Câu lạc bộ Xe lôi du lịch TP. Hà Tiên. Câu lạc bộ này tự vận động thành lập, có ban chủ nhiệm, có quy chế hoạt động, tự xây dựng quy tắc ứng xử với du khách, có niêm yết khung giá dịch vụ trên một số tuyến tham quan cố định.
Theo nhiều du khách, xe lôi du lịch ở TP. Hà Tiên được trang trí đẹp mắt với mái che có nhiều tạo hình đẹp, có đèn chớp, ghế ngồi bọc da… Mỗi xe thường được chủ thiết kế theo ý tưởng, màu sắc riêng, với kinh phí trên 30 triệu đồng. Cũng có người vì đam mê cái đẹp, đã mạnh dạn đầu tư xe lôi chở khách với kinh phí trên 50 triệu đồng. Dĩ nhiên trong số đó, anh Kiệt với chiếc xe lôi 71 triệu là một trong ít ví dụ điển hình nhất.
Theo chia sẻ của chú Lê Hồng Minh (67 tuổi), ngụ khu phố 3, phường Đông Hồ, những người hành nghề xe lôi trong câu lạc bộ rất tuân thủ quy tắc giá cả, không chào kéo khách. “Chúng tôi chở khách đi dạo một vòng quanh TP. Hà Tiên chỉ lấy giá 50.000 đồng/người, bằng với giá xe ôm. Trên xe, mọi người dễ ngắm cảnh và cảm nhận nét đẹp của Hà Tiên lúc chiều muộn, hoặc trong đêm tối”, chú Hồng Minh nói.
Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Du lịch Hà Tiên Nguyễn Thị Mộng Quyên cho biết, nghề chạy xe lôi đã có từ lâu đời ở Hà Tiên.
Trong thời gian tới, Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Du lịch Hà Tiên tiếp tục phối hợp với các ngành có liên quan nghiên cứu, đề xuất, làm cơ sở để lãnh đạo TP. Hà Tiên và các cấp có thẩm quyền xem xét, công nhận (về mặt pháp lý) hoạt động của đội xe lôi du lịch ở TP. Hà Tiên như một loại phương tiện tham gia giao thông đặc thù trong lĩnh vực du lịch của thành phố.
“Chúng tôi luôn trao đổi với những bà con hành nghề xe lôi du lịch cần chỉnh trang phương tiện hành nghề đẹp mắt, thiết kế chắc chắn, đảm bảo an toàn khi tham gia thao thông, tạo thiện cảm, điểm nhấn trong lòng du khách thập phương. Xe lôi du lịch nếu được đầu tư diện mạo, hoạt động quy củ, văn minh, an toàn… rất có thể trở thành một sản phẩm du lịch độc lạ của địa phương”, chị Nguyễn Thị Mộng Quyên cho biết.
Về phương diện quản lý trong hoạt động xúc tiến du lịch ở TP. Hà Tiên, chị Nguyễn Thị Mộng Quyên nhận định, đội ngũ những người làm nghề xe lôi du lịch thời gian qua có nhiều đóng góp cho hoạt động tuyên truyền, quảng bá thông tin du lịch đến với du khách. Nhiều người trong câu lạc bộ xe lôi tự nghiên cứu, trau dồi kiến thức lịch sử, văn hóa của các điểm đến, học thêm ngoại ngữ… để tiếp cận và quảng bá hình ảnh Hà Tiên đến du khách trong và ngoài nước. Những việc làm kể trên thật sự rất đáng ngợi khen.
Hiện nay, để đảm bảo an toàn, trật tự, lực lượng Cảnh sát giao thông của TP. Hà Tiên phối hợp các ngành, đoàn thể liên quan thường xuyên kiểm tra kết cấu kỹ thuật của xe lôi. Ngành chức năng cũng kịp thời nhắc nhở bà con hành nghề tuân thủ việc chở khách theo giới hạn không quá 5 khách/xe (không tính người điều khiển).
Lễ hội Tao đàn Chiêu Anh Các vừa kết thúc ở TP. Hà Tiên đã thu hút khoảng 80.000 lượt người dân, du khách các nơi về tham dự, thưởng lãm. Đó cũng là dịp để những người hành nghề xe lôi du lịch ở Hà Tiên hoạt động hết công suất phục vụ nhu cầu đi lại của du khách.
Người dân TP. Hà Tiên diễu hành xe lôi trong dịp lễ hội Tao đàn Chiêu Anh Các đầu năm 2024.
Ông Lorenzo - du khách người Ý tham quan, chụp ảnh hoạt động xe lôi diễu hành trên đường phố TP. Hà Tiên. “Nhìn những chiếc xe lôi với nhiều dáng vẻ, lung linh hoa đèn di chuyển trên đường phố, tôi rất ấn tượng. Tôi nghĩ rằng mình đang lạc vào một thành phố nào đó rất xa lạ, đậm chất hoài cổ. Đây có thể là nét văn hóa đặc thù của người dân địa phương”, ông Lorenzo nói.
Ông Lorenzo - du khách người Ý.
Bạn Như (ngụ quận 8, TP. Hồ Chí Minh) cùng bạn bè, người thân đến TP. Hà Tiên du lịch dịp lễ hội Tao đàn Chiêu Anh Các vừa qua nói: “Xe lôi ở thành phố này thật sự phổ biến. Em có cảm giác như những vị khách đã quá quen chọn xe lôi làm phương tiện di chuyển chính khi đến Hà Tiên”.
Xe lôi là một trong vài loại phương tiện được UBND TP. Hà Tiên chọn diễu hành trên đường phố trong dịp lễ hội Tao đàn Chiêu Anh Các hàng năm. Nhiều người dân, du khách phương xa khi đến TP. Hà Tiên thường bất ngờ và trầm trồ bởi những chiếc xe lôi được trang trí hoa đèn sặc sỡ, diễu hành trên phố.
Trần Thu An (giữa) cùng nhóm bạn tham gia hoạt động diễu hành xe lôi, trong lễ hội Tao đàn Chiêu Anh Các.
Xe lôi Hà Tiên không phải lúc nào cũng đông khách. Những tháng mưa, hoặc khi du lịch rơi vào trạng thái “thấp điểm”, người làm nghề chạy xe lôi nhiều lúc băn khoăn trên hành trình nghề nghiệp của mình. Gánh nặng cơm áo, tiền nong khiến những người làm nghề dù lạc quan nhất cũng không tránh khỏi những phút suy tư, lo lắng.
Ông Tâm hành nghề xe lôi ở TP. Hà Tiên suy tư trong lúc vắng khách. Ông cho biết công việc này tạo thu nhập chính để gia đình ông sinh sống mỗi ngày.
Việc một ngày quần quật trên đường phố, nhưng chỉ mỗi “ta với ta” mà chẳng thấy khách đâu, hay “thu nhập 0 đồng”… không phải là những chuyện hiếm gặp trong nghề xe lôi.
Khoảnh khắc người hành nghề xe lôi chờ đón khách.
“Nghề chúng tôi có thể không ổn định về thu nhập, nhưng khá bền vững theo từng mùa, từng năm kiểu thời vụ. Những khi khách đông, chúng tôi kiếm được nhiều tiền. Số tiền đó được chúng tôi tích lũy, để dành dùng trong những tháng Hà Tiên vắng người, thưa khách”, anh Phú - người chạy xe lôi ở TP. Hà Tiên, chia sẻ.
HOÀNG GIÁM
(KGO) - Gần 1.500 vận động viên đã có màn trình diễn thể thao ấn tượng tại sự kiện BIM Group IRONMAN 70.3 Phú Quốc 2024.
Tổng số lượt truy cập: