13/10/2020 18:34
Theo Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Kiên Giang, Di tích lịch sử văn hóa mộ và đình Nguyễn Trung Trực và Lễ hội truyền thống kỷ niệm năm Anh hùng dân tộc Nguyễn Trung Trực hy sinh có lịch sử hình thành hơn 100 năm, trở thành di sản văn hóa vật thể và phi vật thể, ảnh hưởng đến đời sống tinh thần của người dân Kiên Giang và cả nước được các thế hệ nhân dân tỉnh Kiên Giang gìn giữ, lưu truyền đến ngày nay.
Năm 1988, Bộ Văn hóa - Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) cấp bằng công nhận Di tích lịch sử văn hóa mộ và đình Nguyễn Trung Trực là di tích cấp quốc gia. Hàng năm, di tích này đón hàng triệu lượt khách đến viếng. Đây là điểm du lịch văn hóa tâm linh đặc biệt của tỉnh. Riêng lễ hội truyền thống kỷ niệm năm Anh hùng dân tộc Nguyễn Trung Trực hàng năm thu hút trên 1 triệu lượt khách đến tham quan, bày tỏ lòng tri ân, ngưỡng mộ vị Anh hùng của dân tộc.
Khuôn viên Di tích lịch sử - văn hóa mộ và đình Nguyễn Trung Trực tại TP. Rạch Giá (Kiên Giang).
Đồng chí Nguyễn Thị Diệp Mai - Phó giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Kiên Giang nói: “Nét văn hóa độc đáo của Lễ hội Nguyễn Trung Trực là trước ngày diễn ra lễ hội, người dân khắp nơi về đây làm công quả, chung tay dựng trại, nấu nướng, gói bánh... để cùng làm nên lễ hội chu đáo, trang trọng. Điều thú vị là hàng trăm ngàn lượt người đến đình trong các ngày lễ đều được phục vụ ăn, nghỉ miễn phí, xem hát miễn phí và khám, chữa bệnh miễn phí… Kinh phí tổ chức chủ yếu do người dân và doanh nghiệp tự nguyện đóng góp”.
Với những nét độc đáo của lễ hội, ngày 24-7-2020, Ủy ban nhân dân tỉnh Kiên Giang ban hành kế hoạch 107/KH-UBND về lập hồ sơ khoa học đề nghị công nhận Lễ hội Nguyễn Trung Trực là di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia.
Theo đồng chí Lâm Minh Thành - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Kiên Giang, mục đích của việc lập hồ sơ khoa học đề nghị Lễ hội Nguyễn Trung Trực là di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia nhằm góp phần bảo vệ, giữ gìn, phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể lễ hội tiêu biểu của Kiên Giang; nâng cao nhận thức, vai trò, trách nhiệm của các cấp, các ngành và dân cư trong việc quản lý và tổ chức lễ hội; đáp ứng nhu cầu ngày càng mở rộng và nâng cấp Lễ hội Nguyễn Trung Trực trở thành lễ hội cấp quốc gia. Từ đó, góp phần bảo tồn, phát huy giá trị và quảng bá du lịch thông qua lễ hội lớn nhất của Kiên Giang…
"Khi lễ hội Nguyễn Trung Trực trở thành di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia, chúng ta có thể làm cho di sản phi vật thể tác động trở lại phục vụ tốt hơn cho công tác giữ gìn và phát huy di sản, giúp di sản tồn tại; đồng thời phát huy tốt hơn giá trị di sản trong việc truyền dạy, giáo dục truyền thống cho các thế hệ sau”.
Đồng chí Nguyễn Thị Diệp Mai
Phó giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Kiên Giang
Để hồ sơ khoa học được thực hiện đúng tiến độ (từ tháng 8-2020 đến tháng 4-2021), Ủy ban nhân dân tỉnh Kiên Giang giao nhiệm vụ các ngành, trong đó Sở Văn hóa và Thể thao chủ trì triển khai nhiều nội dung như thu thập thông tin để hoàn chỉnh hồ sơ gồm lý lịch di sản, hình ảnh, bản đồ phân bố và cam kết của cộng đồng địa phương… trước khi họp hội đồng thẩm định hồ sơ trình bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phê duyệt lễ hội là di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia.
“Hồ sơ khoa học đề nghị công nhận Lễ hội Nguyễn Trung Trực là di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia phải đảm bảo đủ thành phần hồ sơ, chất lượng và quy chuẩn khoa học theo quy định”, đồng chí Lâm Minh Thành nhấn mạnh.
Bài và ảnh: TRUNG HIẾU
(KGO) - Ngày 22 và 23-2, Sở Y tế tỉnh Kiên Giang tổ chức giải bóng đá mini nam và nữ chào mừng kỷ niệm 70 năm ngày thầy thuốc Việt Nam (27/2/1955 - 27/2/2025).
Tổng số lượt truy cập: