22/01/2021 20:58
Theo Sở Văn hóa và Thể thao, toàn tỉnh có 20 câu lạc bộ võ cổ truyền với hàng ngàn võ sinh đang học và tập luyện thường xuyên. Các địa phương có phong trào võ cổ truyền phát triển mạnh là TP. Rạch Giá, các huyện như Giồng Riềng, Châu Thành, An Biên, U Minh Thượng, Gò Quao, Hòn Đất, Giang Thành, Tân Hiệp, Vĩnh Thuận… Hầu hết các câu lạc bộ có ít nhất từ 40 - 60 võ sinh trở lên tham gia tập luyện, đối tượng tham gia đa số là học sinh, thanh thiếu niên trên địa bàn.
Đồng chí Trần Nguyễn Bá - Giám đốc Trung tâm Huấn luyện và Thi đấu thể thao tỉnh cho biết: “môn võ cổ truyền được tỉnh đưa vào hệ thống các giải thi đấu truyền thống thường niên, thu hút nhiều võ sinh tham gia thi đấu. Năm 2020, giải áp dụng hình thức thi đấu trên võ đài chuyên nghiệp nên tạo sự phấn khích hơn cho các võ sinh.
Qua các giải thi đấu hàng năm, tỉnh chọn một số gương mặt triển vọng đào tạo, huấn luyện thi đấu các giải cao hơn. Việc nâng chất lượng các giải đấu góp phần thúc đẩy phong trào tập luyện của các câu lạc bộ võ cổ truyền trong tỉnh phát triển”.
Vận động viên thi đấu trên võ đài chuyên nghiệp tại giải võ cổ truyền tỉnh Kiên Giang năm 2020.
Vào mỗi buổi chiều, tại hệ thống các nhà thiếu nhi trong tỉnh, Trung tâm Huấn luyện và Thi đấu thể thao tỉnh, trung tâm văn hóa xã… không khí tập luyện võ cổ truyền diễn ra sôi nổi. Dù là các lớp phong trào song đứng lớp đều là các chuẩn võ sư, võ sư. Ở TP. Rạch Giá có các chuẩn võ sư Phạm Quang Nhớ, Lê Tuấn Cường giảng dạy; ở huyện Gò Quao có chuẩn võ sư Huỳnh Thanh Tâm đứng lớp; ở huyện An Biên có võ sư Trần Hoàng Em giảng dạy; ở huyện Giồng Riềng là võ sư Nguyễn Linh Tuấn.
Chuẩn võ sư Lê Tuấn Cường - phụ trách huấn luyện câu lạc bộ võ cổ truyền tại Nhà Thiếu nhi Kiên Giang, Trung tâm Huấn luyện và Thi đấu thể thao tỉnh cho biết: “Tôi truyền tình yêu, niềm đam mê môn võ cổ truyền của dân tộc cho thế hệ trẻ. Tôi mong qua các bài võ, các em rèn luyện kỹ năng, thể chất, nâng cao khả năng tự vệ. Qua việc tập luyện môn võ cổ truyền, tôi muốn khơi dậy lòng yêu nước, tự hào dân tộc, tinh thần thượng võ và nhân văn của con người Việt Nam cho các thế hệ trẻ”.
Võ sinh Lâm Văn Lãm của huyện U Minh Thượng vô địch đối kháng hạng cân 51 - 54kg tại giải võ cổ truyền tỉnh Kiên Giang năm 2020 chia sẻ: “Tập luyện, thi đấu môn võ cổ truyền không chỉ giúp em có sức khỏe mà còn giúp em rèn tinh thần thượng võ, tự hào dân tộc. Em đang hướng dẫn tập luyện cho các em nhỏ hơn với mong muốn môn võ cổ truyền phát triển sâu rộng”.
Để nâng cao chất lượng huấn luyện và phong trào tập luyện môn võ cổ truyền, thời gian qua, Sở Văn hóa và Thể thao cử nhiều võ sư, huấn luyện viên, trợ giáo dự các lớp tập huấn chuyên môn, trọng tài võ cổ truyền toàn quốc do Liên đoàn Võ thuật cổ truyền Việt Nam tổ chức, tổ chức thi nâng cấp cho các võ sinh… Toàn tỉnh hiện có gần 100 võ sư, huấn luyện viên, trợ giáo từ cấp 13 trở lên giảng dạy, huấn luyện tại các câu lạc bộ võ cổ truyền trên địa bàn tỉnh.
Hiện các phòng chuyên môn, nghiệp vụ của Sở Văn hóa và Thể thao tham mưu, xúc tiến thành lập Liên đoàn Võ thuật cổ truyền tỉnh. Theo các võ sư, việc thành lập Liên đoàn Võ thuật cổ truyền tỉnh góp phần thúc đẩy môn võ cổ truyền phát triển chuyên nghiệp, bài bản, nâng chất lượng về chuyên môn; đồng thời phát huy công tác xã hội hóa, đầu tư nguồn lực cho môn võ cổ truyền, phát hiện và bổ sung vận động viên tiềm năng cho các đội năng khiếu, đội tuyển tỉnh.
Bài và ảnh: TRUNG HIẾU
(KGO) - Ngày 22 và 23-2, Sở Y tế tỉnh Kiên Giang tổ chức giải bóng đá mini nam và nữ chào mừng kỷ niệm 70 năm ngày thầy thuốc Việt Nam (27/2/1955 - 27/2/2025).
Tổng số lượt truy cập: