08/12/2020 10:27
Là thế hệ thứ ba của gia đình theo nghề làm bánh đa, bà Thúy mong thế hệ trẻ tiếp tục theo nghề này. Bà Thúy cho biết: “Tôi gắn bó với nghề từ năm 20 tuổi. Lúc nhỏ tôi thấy ông bà, cha mẹ làm bánh đa rồi làm và theo nghề đến bây giờ. Làm bánh đa cần có lòng kiên nhẫn, chịu vất vả thì thu nhập khá. Nghề làm bánh đa giúp cuộc sống gia đình tôi ổn định”.
Lớn lên trong gia đình có truyền thống làm bánh đa, từ nhỏ bà Thúy thấy ông bà mình tráng bánh nên học nghề. Chứng kiến vợ chồng bà Thúy cặm cụi bên bếp lửa, chúng tôi cảm nhận vất vả và niềm đam mê với nghề của ông bà. Mỗi ngày, từ 1 giờ, khi mọi người còn chìm trong giấc ngủ thì vợ chồng bà thức chuẩn bị bếp lửa, làm bột cho mẻ bánh của ngày tiếp theo.
Vợ chồng bà Phạm Thị Thúy, ngụ ấp Đông Thái, thị trấn Tân Hiệp (Tân Hiệp) phơi mẻ bánh đa vừa ra lò.
Mỗi người đảm nhận công đoạn khác nhau, người quậy bột tráng bánh, người xếp bánh ra phơi, tất cả công đoạn đều làm thủ công. Theo bà Thúy: “Làm bánh đa phải thức khuya, dậy sớm và chỉ làm khi trời nắng. Ngoài yếu tố thời tiết, nghề này cần nhiều yếu tố kỹ thuật từ khâu chọn gạo, xay bột, tráng và phơi bánh”. Bánh đa của gia đình bà Thúy sử dụng gạo lúa mùa, gạo khô mới. Gạo mua về được ngâm với nước qua một đêm, sau đó đem xay và tỉa một ngày, một đêm rồi mới đem pha với nước, tráng bánh.
Người tráng bánh đa phải nhanh mắt, nhanh tay. Người thành nghề, mỗi giờ có thể tráng trăm cái bánh. Bà Thúy kể, ngày xưa tráng bánh bằng củi, giờ đốt bằng than rồi bằng điện, vừa nhanh vừa tiện, năng suất cao nhưng cần phải biết điều tiết độ nóng để bánh chín tới không non cũng không quá già. Khi phơi bánh, người phơi phải nhớ từng trành, từng khu vực để trở bánh khô đều, sau đó ép cho bánh thành chồng để cất giữ.
Ở tuổi gần 60, các con bà có việc làm, cuộc sống gia đình ổn định nên khuyên bà nghỉ ngơi, an hưởng tuổi già nhưng vì lòng yêu nghề, bà Thúy vẫn kiên quyết bám trụ và duy trì nghề làm bánh đa. Không còn sức khỏe như những ngày còn trẻ, mỗi ngày bà làm khoảng 300 cái bánh đa. Với giá bán 120.000 đồng/10 cái, mỗi ngày, gia đình bà Thúy thu nhập trên 300.000 đồng từ làm bánh đa, từ đó giúp gia đình bà có cuộc sống ổn định hơn.
Bà Phạm Thị Thúy, ngụ ấp Đông Thái, thị trấn Tân Hiệp (Tân Hiệp) xếp bánh đa chuẩn bị giao cho khách hàng.
Ngoài bánh đa mặn, bà Thúy làm bánh đa ngọt bằng đường thốt nốt, bánh đa nướng. Việc đa dạng sản phẩm giúp gia đình bà Thúy đáp ứng nhu cầu của khách hàng, dễ tìm đầu ra cho sản phẩm. “Để có bánh đa ngon cần nhiều yếu tố, trong đó quan trọng nhất là bột để tráng bánh. Bột xay bằng tay thơm, dẻo nhưng vất vả và kém năng suất. Trước kia, gia đình tôi xay bột từ cối đá nhưng những năm gần đây, kỹ thuật phát triển nên gia đình tôi xay bột bằng máy xay điện, vì vậy người làm nghề đỡ vất vả hơn”, ông Sâm - chồng bà Thúy chia sẻ.
Bánh đa nướng là món ăn yêu thích của nhiều người. Nhiều người tìm mua bánh đa của gia đình bà Thúy về ăn và làm quà cho người thân, thậm chí có người mua gửi ra nước ngoài. Nhận thấy đây là món ăn được thị trường đón nhận, bà Thúy dự định thời gian tới mở xưởng làm bánh đa để giữ nghề truyền thống của gia đình.
Bài và ảnh: THỦY TIÊN
(KGO) - Ngày 22 và 23-2, Sở Y tế tỉnh Kiên Giang tổ chức giải bóng đá mini nam và nữ chào mừng kỷ niệm 70 năm ngày thầy thuốc Việt Nam (27/2/1955 - 27/2/2025).
Tổng số lượt truy cập: