28/11/2021 16:56
Kiên Giang có đông đồng bào Khmer, chiếm trên 13% tổng dân số của tỉnh. Những năm qua, đồng bào Khmer trên địa bàn tỉnh quan tâm bảo tồn và phát huy giá trị văn nghệ trong sinh hoạt. Tùy tính chất buổi lễ mà hoạt động biểu diễn âm nhạc có quy mô, giai điệu và ý nghĩa khác nhau. Ở các lễ hội, âm nhạc trở thành chất xúc tác để tôn vinh các loại hình nghệ thuật như múa trống sa dăm, múa lâm thôn, múa apsara, dù kê…
Tại các chùa Khmer trên địa bàn tỉnh vào mùa lễ hội như tết Chôl Chnăm Thmây, Sene Dolta, Ok Om Bok… đồng bào Khmer đến chùa tham gia các hoạt động văn nghệ. Dù bận mưu sinh, học tập nhưng thành viên trong đội văn nghệ của chùa Xà Xiêm Mới, xã Bình An (Châu Thành) thường xuyên sinh hoạt, luyện tập. Bà Lý Thị Sáu dạy múa cho đội văn nghệ chùa Xà Xiêm Mới chia sẻ: “Đối với các lễ hội văn hóa của đồng bào Khmer, chương trình nghệ thuật là hoạt động không thể thiếu. Đội xây dựng chương trình tổng hợp với nhiều tiết mục văn nghệ đặc sắc, mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc, tinh thần đoàn kết của 3 dân tộc Kinh, Khmer, Hoa”.
Đoàn Nghệ thuật Khmer Kiên Giang biểu diễn phục vụ người dân nhân dịp lễ khánh thành cầu Rạch Chát 1, phường Vĩnh Hiệp (TP. Rạch Giá).
Điều quan trọng mà âm nhạc Khmer hướng đến là sự gắn kết cộng đồng, phát huy tinh thần đoàn kết, đây là yếu tố cần thiết để thắt chặt tình làng nghĩa xóm trong xóm, ấp, chung sức giữ gìn giá trị văn hóa truyền thống. Trong tiếng đàn, tiếng trống ngân vang, người dân cùng nhau nhảy múa, hát những bài hát quen thuộc. Thông qua các câu hát, điệu múa, người dân thể hiện tình yêu quê hương, đất nước, lòng biết ơn của đồng bào Khmer đối với các vị anh hùng dân tộc.
Câu lạc bộ dù kê Khmer ấp Vĩnh Lợi, xã Vĩnh Thạnh (Giồng Riềng) là nơi thành viên và người dân sinh hoạt văn nghệ, thỏa mãn niềm đam mê văn nghệ dân tộc. Anh Danh Dệ - Chủ nhiệm câu lạc bộ dù kê Khmer ấp Vĩnh Lợi cho biết: “Tại buổi biểu diễn, câu lạc bộ chú trọng đến nội dung. Nội dung phải đổi mới, thể hiện tinh thần yêu quê hương, đất nước của đồng bào Khmer”. Còn chị Thị Nị - diễn viên múa của câu lạc bộ cho biết: “Tham gia câu lạc bộ, thành viên có thời gian sinh hoạt lành mạnh sau ngày làm việc, mọi người gắn kết với nhau hơn”.
Mỗi năm trung bình Đoàn Nghệ thuật Khmer Kiên Giang có 70-80 suất lưu diễn để phục vụ từ 35.000-40.000 khán giả là đồng bào Khmer ở vùng sâu, vùng xa của tỉnh. Nghệ sĩ ưu tú Kim Ly Mét - Trưởng Đoàn Nghệ thuật Khmer cho biết: “Khi lưu diễn ở những địa phương vùng sâu, vùng xa, khán giả đến xem nhiều chúng tôi rất vui, đó là động lực để cho đoàn ngày càng phát triển để phục vụ người dân”.
Các thành viên trong Câu lạc bộ Dù kê Khmer ấp Vĩnh Lợi, xã Vĩnh Thạnh (Giồng Riềng) tập múa chuẩn bị phục vụ cho người dân trong ấp, xã.
Âm nhạc Khmer không chỉ góp phần làm phong phú đời sống tinh thần của người dân mà còn là sợi dây kết nối những người yêu nghệ thuật Khmer. Đồng chí Danh Tha - Phó trưởng Ban Dân tộc tỉnh cho biết: “Biểu diễn văn nghệ tại các địa phương góp phần bảo tồn văn hóa vật thể và phi vật thể của đồng bào Khmer, qua đó nâng cao đời sống đồng bào Khmer, tình làng nghĩa xóm ngày càng bền chặt”.
Bài và ảnh: DANH THÀNH
(KGO) - Gần 1.500 vận động viên đã có màn trình diễn thể thao ấn tượng tại sự kiện BIM Group IRONMAN 70.3 Phú Quốc 2024.
Tổng số lượt truy cập: