13/11/2020 14:25
Sinh ra trong gia đình nghèo ở khu vực U Minh (nay thuộc xã Vĩnh Hòa, huyện U Minh Thượng), từ nhỏ Nguyễn Văn Tùng (nhà văn Anh Động) được mẹ dạy đọc, viết. Tuổi thơ của ông gắn với việc mò cua, bắt ốc, chăn trâu, cắt cỏ. Sinh ra trong thời kỳ chiến tranh, nhà nghèo không có tiền đi học, những lần đi chăn trâu, nhà văn Anh Động núp sau lớp học để nghe thầy cô giảng bài rồi lấy que viết xuống đất học theo. Đến năm 15, 16 tuổi, nhà văn Anh Động theo bộ đội đi kháng chiến và làm thông tin liên lạc.
Từ đây, nhà văn Anh Động được bộ đội dạy chữ và trở thành cán bộ thông tin của tỉnh Rạch Giá (nay là tỉnh Kiên Giang). Nhà văn Anh Động chia sẻ: “Đi kháng chiến, tôi được học hỏi và trải nghiệm cùng bộ đội. Những năm làm thông tin liên lạc cho cách mạng đúc kết cho tôi nhiều điều và đây là nền tảng để tôi sáng tác. Các tác phẩm của tôi chủ yếu là tin, thơ, truyện ngắn được viết nhiều trong kháng chiến… Mỗi bài viết là những điều tôi thấy, nghe được trong những lần hành quân hoặc là những câu chuyện đời thường”.
Về bút danh của ông, nhà văn Anh Động kể: “Vì các bản tin, thơ của tôi trong thời kỳ kháng chiến chủ yếu cổ vũ và động viên tinh thần cho bộ đội đánh giặc nên tôi lấy bút danh là Cổ Động. Đến năm 1965, có đoàn văn công của Trung ương Cục miền Nam xuống biểu diễn và diễn viên Kim Anh muốn tôi viết một bản tin và lấy tên của cô ấy, từ đó tôi mới đổi bút danh thành Anh Động”.
Nhà văn Anh Động (bên phải) và nhà nghiên cứu văn nghệ dân gian Nguyễn Mỹ Hồng (vợ nhà văn) xem tác phẩm của mình sau khi đã xuất bản thành sách.
Ngày 27-1-1977, nhà văn Anh Động trở thành hội viên Hội Nhà văn Việt Nam và sinh hoạt tại Chi hội Văn nghệ Giải phóng Rạch Giá (nay là Hội Văn học Nghệ thuật Kiên Giang). Có thời kỳ ông là thành viên Ban Biên tập Tạp chí Văn nghệ (TCVN) Rạch Giá rồi làm Tổng Biên tập tạp chí, sau đổi tên thành TCVN Hương Tràm và bây giờ là tạp chí Chiêu Anh các.
Nhà văn Anh Động chia sẻ: “Thời mới giải phóng, được sự cho phép của Trung ương, Tỉnh ủy cùng lãnh đạo Chi hội Văn nghệ của tỉnh khuyến khích các văn nghệ sĩ trong tỉnh sáng tác nhiều thể loại để đăng trên TCVN nhằm tuyên truyền cho người dân nhưng ít người sáng tác. Tôi được sự ủng hộ của gia đình, bạn bè cũng như các anh chị em nghệ sĩ nên mới có động lực để theo đuổi nghiệp văn chương và sáng tác đến bây giờ”.
Trong cuộc đời sáng tác của mình, nhà văn Anh Động đã có trên 60 đầu sách các loại gồm tiểu thuyết, truyện ngắn, thơ, hồi ký…; riêng truyện cười “Bác Ba Phi” xuất bản bằng thể loại truyện tranh. Trong các tác phẩm được xuất bản có tác phẩm “Vùng biển lửa” được chuyển thể thành phim mang tên “Huyền thoại tuyến đường 1C”, tác phẩm “Bác Ba Phi” được chuyển thể thành phim cùng tên.
Nhà văn Anh Động đoạt nhiều giải thưởng như giải B bộ hồi ký “Lục bình trôi” của Ủy ban Văn học Nghệ thuật Việt Nam, giải nhì (không có giải nhất) tiểu thuyết “Vùng biển lửa” của Bộ Giao thông Vận tải, giải nhì (không có giải nhất) về “Tục ngữ, ca dao vùng đồng bằng sông Hậu” của khu vực đồng bằng sông Cửu Long và nhiều giải thưởng khác.
Năm 1990, nhà văn Anh Động được Trung ương Hội Nhà văn Việt Nam tặng kỷ niệm chương “Vì sự nghiệp văn học”. Ông được tặng Huy hiệu 40 năm tuổi Đảng, Huân chương chống Mỹ hạng nhất, Huân chương Kháng chiến hạng nhất, Huân chương Quyết thắng hạng nhất, Huân chương Giải phóng hạng ba.
Nhà văn Nguyễn Tấn Kiệt - Phân hội trưởng Phân hội Văn học, Thư ký Hội Văn học Nghệ thuật Kiên Giang nhận xét: “Nhà văn Anh Động là cây cổ thụ trong làng văn học Kiên Giang, các tác phẩm của ông có giá trị về mặt lịch sử và mang tính nhân văn cao”.
Bài và ảnh: THÀNH TRUNG
(KGO) - Tối ngày 29-10, Ban Chỉ đạo Đại hội đại biểu các dân tộc thiểu số tỉnh Kiên Giang lần thứ IV, năm 2024 tổ chức chương trình văn nghệ chào mừng đại hội.
Tổng số lượt truy cập: