25/04/2025 09:26
TP. Rạch Giá nhìn từ trên cao. Ảnh: PHƯƠNG VŨ
Về việc tại sao gọi là Rạch Giá thì chúng ta có thể lý giải như sau:
Khi cuộc hải xâm (biển lấn) từ thế kỷ thứ V, nước biển tràn ngập tất cả vùng đồng bằng sông Cửu Long trừ những chỗ gò cao hay núi đồi, Rạch Giá cũng nằm trong hoàn cảnh chung bị ngập nước trong một thời gian dài. Đến khoảng thế kỷ thứ XVI, XVII nước biển rút đi (hải thoái), đồng bằng sông Cửu Long nói chung, Kiên Giang và Rạch Giá nói riêng là một vùng rừng rậm mênh mông với các loài cây chịu ngập như cây tràm, đước, mắm, dừa nước và các loại cây rừng sác, trong đó cây giá mọc rất nhiều.
Lúc này, chúng ta thấy ở những vùng đất gò cao bắt đầu xuất hiện những nhóm cư dân sinh sống, phần lớn là người dân tộc Khmer, có thể là hậu duệ của vương quốc Phù Nam xưa. Trên địa bàn TP. Rạch Giá ngày xưa có một số con rạch như Rạch Giồng, rạch Vàm Trư, Rạch Giá, Rạch Mẽo, rạch Tắc Ráng, Rạch Sỏi. Người dân đặt tên các con rạch theo địa hình, đặc điểm là chính.
Tại khu vực trung tâm TP. Rạch Giá hiện nay và xung quanh ngày xưa có con Rạch Giồng vì nằm cạnh giồng đất khá cao (gần song song với đường Quang Trung) đổ nước ra giáp với rạch Vàm Trư, con rạch Vàm Trư đổ nước ra Rạch Giá rồi ra biển. Rạch Vàm Trư bị lấp để thành đường Trần Phú hiện nay. Còn Rạch Giá bắt nguồn từ cánh đồng Phi Thông chạy ra đụng rạch Vàm Trư rồi ra biển. Sở dĩ gọi con rạch này là Rạch Giá bởi hai bên bờ rạch, nhất là khu vực gần biển mọc rất nhiều cây giá. Rạch Giá hiện nay là con rạch trước trụ sở UBND tỉnh Kiên Giang mà nhiều người cho đó là “sông Kiên”.
Từ năm 1739, Mạc Thiên Tích thành lập đạo Kiên Giang mà trụ sở của đạo này bên bờ Rạch Giá. Năm 1757 thành lập huyện Kiên Giang, lỵ sở của huyện cũng ở Rạch Giá, nhưng Rạch Giá không phải là tên gọi chính thức của một đơn vị hành chính vào thời Mạc Cửu, Mạc Thiên Tích cai trị trấn Hà Tiên.
Do địa thế thuận lợi, cửa biển Rạch Giá rộng nên ghe thuyền buôn bán tụ tập đông đúc. Hai bên bờ, nhất là bờ phía bên tả (đường Bạch Đằng) có phố chợ trù mật, được "Gia Định thành thông chí" của Trịnh Hoài Đức gọi là “cửa trấn Kiên Giang”, dần về sau khi chợ được hình thành thì người dân gọi đó là chợ Rạch Giá. Như vậy, cho đến trước khi thực dân Pháp chiếm Nam Kỳ, Rạch Giá là tên gọi của một con rạch, một cụm dân cư và một ngôi chợ.
Người Khmer gọi nơi đây là Kramuôn So, có nghĩa là sáp trắng. Có thuyết cho rằng vì nơi đây có rất nhiều ong mật hút bông giá làm tổ, làm mật nên sáp ong có màu trắng, do đó người Khmer gọi là xứ Sáp Trắng.
Còn trong các văn bản của người Hoa Triều Châu thì gọi Rạch Giá là “Địch Thạch”, vì do cách phát âm người Triều Châu không nói được chữ Rạch Giá rõ ràng được mà họ phát âm thành “Tịch Xía”, rồi viết thành chữ Địch Thạch (theo âm Hán Việt).
Vào khoảng năm 1970, Ty Dân vận chiêu hồi tỉnh Kiên Giang của chính quyền Sài Gòn xuất bản tạp chí chiêu hồi lấy tên là “Sông Kiên”. Có lẽ họ nghĩ Kiên Giang là sông Kiên, vì trụ sở của Ty Dân vận chiêu hồi nằm bên bờ Rạch Giá, nên từ đó nhiều người lầm tưởng con rạch Giá là sông Kiên và đặt tên Sông Kiên thay cho Rạch Giá, có lẽ nên trả lại tên cho Rạch Giá.
Nhà nghiên cứu TRƯƠNG THANH HÙNG
(KGO) - Ngày 24-4, Trung tâm Huấn luyện và thi đấu thể thao Kiên Giang cho biết các vận động viên của tỉnh tiếp tục gặt hái thành công tại một số giải thể thao quốc gia vừa diễn ra gần đây.
Tổng số lượt truy cập: