23/02/2025 06:44
Ảnh minh họa. Trình bày: THANH TÙNG
Giọng đọc: AI
1. Dưới mái tranh rách nát cuối xóm, mưa mùa hạ rơi lộp bộp, như tiếng thở dài của đất trời. Ngọn đèn dầu leo lét hắt bóng người mẹ già cô quạnh. Bà ngồi bên bức thư úa màu, đôi mắt mờ đọc từng nét chữ còn sắc, như vừa mới viết hôm qua.
Lá thư của đứa con trai đã khuất nơi chiến trường, lời dặn dò như tiếng vọng từ quá khứ. "Má ơi, chắc con không kịp về nữa, nhưng má đừng khóc. Ở nơi xa, con cũng thương nhớ má, như hồi nhỏ má dõi theo con tập đi trên đường quê..." Tay bà run run, nước mắt lặng lẽ rơi. Hình ảnh đứa con thơ lại hiện về - những bước chân chập chững, những buổi chiều yên bình trước ngày chiến tranh cuốn trôi tất cả.
Ngoài kia, mưa vẫn rơi, hòa lẫn tiếng nức nở. Chiến tranh đã qua, nhưng nỗi đau còn đó. Mỗi giọt mưa như lời gọi xa xăm, như tiếng người đã khuất trở về, nhắc bà nhớ hoài một nỗi đau không bao giờ nguôi.
2. Năm 1957, ở một xóm nghèo của một tỉnh miền Tây Nam Bộ, chiến tranh còn chưa chạm tới. Trưa hè, Nam với Dũng í ới gọi nhau ra sông tắm. Hai đứa lặn hụp, bơi thi, té nước rộn rã cả khúc sông. Tắm xong, tụi nó lại rủ nhau vô vườn ổi bác Ba. Dũng lanh lẹ trèo lên, Nam đứng dưới hứng. Chưa kịp mừng, đã nghe tiếng ho húng hắng. Quay lại, thấy bác Ba chống nạnh, mắt nghiêm mà miệng cười:
“Trộm ổi hả bây?”
Nam lắp bắp xin lỗi, còn Dũng le lưỡi ngó lơ. Bác Ba cười xòa: “Muốn ăn thì nói, ăn nhiều đau bụng lại đổ thừa bác nghen!”
Hai đứa cười hì hì, lại chạy biến đi, chân quẫy tung bụi đỏ đường quê, tiếng ve râm ran trong tán cây rợp mát.
Chiều xuống, Nam với Dũng ngồi vắt vẻo trên bờ ruộng, ngó mặt trời đỏ rực lặn sau cánh đồng lúa chín. Nam mơ mai mốt làm thầy giáo. Dũng thì ước có căn nhà bên sông, có vườn rau, có đàn gà, sống yên bình qua ngày.
Nhưng thời cuộc đổi thay. Làng quê không còn yên ả, tiếng trống, tiếng chiêng, tiếng chó sủa khi làng lính lùn sụt bắt người đi lính. Nam với Dũng cùng lớn lên theo vận nước. Hai thằng bạn thân rẽ về hai phía, xa dần…
3. Năm 1972, mùa hè oi bức, Nam khoác bộ đồ lính Việt Nam Cộng hòa, gương mặt lầm lũi. Anh đâu ham gì súng đạn, nhưng nghèo quá, má già yếu, anh không còn đường nào khác. Mỗi lần thấy má chắt mót từng đồng lẻ lo miếng ăn, Nam chỉ mong đưa má đi khỏi vùng đất này, tìm một cuộc sống bình yên. Nhưng chiến tranh đâu để ai yên, người ta gọi thì anh phải đi.
Còn Dũng, từ năm 18 tuổi, anh đã bỏ lại xóm nhỏ, vào rừng theo cách mạng. Với anh, đất nước là trên hết. Nhìn quê mình chìm trong lửa đạn, anh không đành lòng đứng yên. Nhiều đêm bên ánh lửa, Dũng nhớ Nam, nhớ hai đứa từng chơi đùa trên đường quê, từng mơ về tương lai. Nam muốn làm thầy giáo, Dũng ước có căn nhà nhỏ bên sông. Giờ thì mỗi người một ngả, đứng ở hai đầu chiến tuyến.
Chiến tranh không chỉ chia rẽ họ bằng không gian mà còn bằng cả thời gian. Không còn những buổi chiều thả diều, không còn những ngày trốn ngủ trưa chạy ra đồng. Chỉ còn khói lửa, những trận đánh triền miên. Viên đạn bắn ra không biết xuyên qua ai, nhưng nó giết cả tình bạn, giết cả những giấc mơ.
Ở trong rừng, Dũng tự hỏi, nếu không có chiến tranh, Nam có thành thầy giáo như mơ ước không? Hai đứa có còn ngồi bên bờ ruộng, kể nhau nghe chuyện đời? Nhưng giờ, tất cả chỉ còn là bóng mờ trong ký ức. Nam không thể quay đầu, Dũng cũng không thể dừng bước. Họ đã mất nhau, vĩnh viễn…
4.Trận đánh hôm đó, khói lửa mịt mù. Nam trong bộ đồ lính bạc màu, tay run run cầm súng. Đạn sượt qua vai, máu loang đỏ áo. Anh ngã quỵ, chưa kịp hoàn hồn thì đã bị đẩy lên xe quân y, đưa về căn cứ quân giải phóng.
Tỉnh lại, Nam thấy mình nằm trên chiếc giường gỗ cứng, trong một căn phòng tối. Anh gắng ngồi dậy, nhưng vết thương nhói buốt. Cánh cửa chợt mở, một bóng người bước vào. Nam ngước nhìn, tim chợt thắt lại. Là Dũng!
"Dũng..." – Nam gọi.
Dũng đứng sững, mắt nhìn bạn cũ thật lâu. Không phải giận hờn, không phải căm ghét, mà là nỗi buồn của kẻ lạc mất bạn giữa chiến tranh.
"Nam, giờ cậu là tù binh." – Giọng Dũng trầm, như chính anh cũng không muốn thốt ra điều đó.
Nam cười nhạt, mắt đượm buồn. "Là tù binh, hay là bạn cậu?" – Giọng anh nhẹ tênh, mà nghe xót xa.
Dũng không trả lời, chỉ siết chặt tay, quay đi. Đêm ấy, Dũng lặng lẽ trở lại, trên tay cầm bát cháo nóng.
"Ăn đi, cậu cần sức để sống." – Giọng anh lặng lẽ, trĩu nặng nỗi lòng.
Nam nhìn bát cháo, rồi nhìn bạn. Lâu thật lâu. Cuối cùng, anh khẽ nói:
“Cảm ơn cậu.”
Trong căn phòng nhỏ, có hai người bạn cũ lặng lẽ đối diện nhau. Không còn là những thằng nhóc tinh nghịch chạy trên cánh đồng năm nào. Giờ đây, giữa chiến tranh, giữa hai phía, họ chỉ còn lại những ký ức không thể phai mờ...
5. Vài bữa sau, Nam đưa cho Dũng một bức thư. Thư gấp ngay ngắn, như dấu hiệu của niềm tin, cũng như một lời nhắc rằng tình bạn vẫn còn, dù chiến tranh có tàn khốc đến đâu.
"Là bạn, cậu sẽ giúp tôi. Là kẻ thù, cậu cứ đốt nó đi." – Nam nói, mắt nhìn bạn tha thiết, nhưng cũng cam chịu như người đã chấp nhận số phận.
Dũng cầm lá thư, không mở ra, chỉ lặng lẽ nhét vào túi áo. Anh biết, chiến tranh đã cuốn họ đi xa khỏi những gì họ từng có.
Sáng hôm sau, căn cứ bị tấn công. Đạn bay như xé trời, tiếng súng, tiếng hét vang dội khắp nơi. Trong cơn hỗn loạn, Dũng thấy Nam lao ra từ hầm, hướng về một cô y tá trẻ đang hoảng loạn giữa lằn đạn.
Rồi một tiếng súng chát chúa vang lên. Nam khựng lại, mắt mở to. Viên đạn xuyên ngực, máu tràn ra đỏ thẫm áo lính. Anh khuỵu xuống, cô y tá run rẩy quỳ bên anh, tay cố ngăn dòng máu đang chảy.
Dũng lao đến, ôm chặt bạn. "Nam! Cậu đừng chết!" – Anh gào lên, nhưng biết rõ không gì có thể níu giữ được nữa.
Nam thở yếu ớt, ánh mắt dần mờ. Nhưng môi vẫn nở nụ cười thanh thản. "Cảm ơn cậu, Dũng... Dù ở chiến tuyến nào, tụi mình vẫn là bạn..."
Lời vừa dứt, mắt Nam khẽ khép lại. Dũng quỳ lặng bên xác bạn, tay vẫn nắm chặt vai áo, như muốn giữ lấy chút gì còn sót lại của quá khứ.
Ngoài kia, tiếng súng vẫn vang rền. Nhưng trong lòng Dũng, chỉ còn một khoảng trống lạnh lẽo. Tình bạn của họ, giờ chỉ còn là ký ức, mong manh như làn khói chiều, như sóng vỗ một bờ xa không còn dấu vết...
6. Sau chiến tranh, Dũng trở về quê. Cảnh cũ còn đó, mà không gian như nhuốm một màu tang thương. Cánh đồng xưa vàng óng giờ chỉ còn đất khô cằn, cây cối lặng im như chứng nhân của bao đổi thay.
Anh tìm đến nhà má Nam. Bà ngồi lặng bên cửa, mắt dõi về phía cánh đồng xa, như còn đợi một điều chẳng bao giờ quay lại. Dũng lặng lẽ lấy bức thư trao bà. Đôi tay gầy guộc run run nhận lấy, vuốt ve như muốn giữ lại chút hơi ấm con mình.
Giọng bà nghẹn đi khi đọc từng dòng chữ:
"Má ơi, nếu má đọc được thư này, chắc con không còn cơ hội về nữa. Nhưng má đừng buồn. Ở nơi xa, con vẫn dõi theo má, như ngày bé má dõi theo con tập đi trên đường quê..."
Nước mắt rơi nhòe từng nét chữ. Hình ảnh đứa con trai bé bỏng ngày nào ùa về – đứa con từng cùng Dũng chạy khắp cánh đồng, nay đã nằm lại một nơi xa lắm.
"Má à, con nhớ những ngày thơ ấu, nhớ giấc mơ xây một căn nhà bên sông để má an hưởng tuổi già. Nhưng rồi chiến tranh tới, con không thể quay lưng. Con đã chọn ra đi…."
Bà đặt tay lên thư, như thể chạm vào con lần cuối. Những bữa cơm má nấu, bàn tay chai sạn, tiếng cười con trẻ – tất cả giờ chỉ còn trong ký ức.
"Má ơi, đừng đau buồn. Nếu một ngày nào đó, gió từ cánh đồng quê mình thổi qua hiên nhà, má hãy tin rằng đó là con, về gọi má với tất cả yêu thương..."
Bà siết chặt lá thư vào lòng, lệ rơi lã chã. Dũng cúi đầu, không nói gì, chỉ lặng lẽ đứng đó. Anh biết, dù có mang về bức thư này, điều má Nam mong mỏi nhất vẫn là được thấy con trai trở về.
Ngoài kia, gió thổi qua cánh đồng, như mang theo lời hẹn thuở nào. Lời hẹn của hai thằng bạn thuở nhỏ về một tương lai không còn chiến tranh, không còn chia ly. Nhưng giờ đây, tất cả chỉ còn là ký ức, tan trong gió...
TRỌNG NGHĨA
(KGO) – Truyện ngắn "Góc chợ ngày đầu tháng" của Thụy miêu tả cuộc sống của những người lao động nghèo qua hình ảnh một người bảo vệ chợ tàn nhẫn với người bán hàng vất vả. Câu chuyện phản ánh sự bất công, áp bức trong xã hội, đặc biệt là đối với những người nghèo khó như chị bán trứng. Tuy nhiên, khi sự việc kết thúc, tác phẩm cũng nhấn mạnh sự thay đổi trong thái độ con người, gợi mở những suy ngẫm về nhân đạo và công bằng xã hội.
Tổng số lượt truy cập: