02/02/2025 15:22
Vào một buổi sáng cuối đông, khi bầu trời còn lất phất những hạt mưa sau một đêm trút cạn nước như đã trút cạn bầu tâm sự của mình, tôi chợt bừng tỉnh giấc khi nghe tiếng gà gáy ngoài đầu ngõ. Không hiểu sao hôm nay tôi thấy trong người có một cảm giác bồn chồn khó tả. Tôi xem lịch mới biết hôm nay là ngày 23 tháng Chạp và cũng là ngày giỗ của cha. Cũng như bao năm trước, đến ngày giỗ cha tôi dọn dẹp bàn thờ tươm tất, chuẩn bị mâm cơm cúng gia tiên và chuẩn bị đón một năm mới với nhiều niềm vui mới. Bất chợt, tôi nhìn thấy cây đèn dầu được gói ghém rất kỹ trong túi bóng và để gọn gàng trên bàn thờ. Tôi lấy cây đèn dầu ra lau chùi lại cho sạch sẽ. Mỗi lần lau chùi cây đèn dầu tôi lại nhớ về người cha của mình. Bao nhiêu kỷ niệm về người cha không biết từ đâu cứ ùa về trong đầu tôi. Tôi vẫn nhớ như in khi cha còn sống, cha rất quý cây đèn dầu này và xem nó như là một báu vật. Với cha, cây đèn dầu vừa là kỷ vật của một thời trong quá khứ và nó giống như mạng sống của cha, vì nó chứng minh cho tình yêu của mẹ dành cho cha trong thời son trẻ.
---***---
Tôi nhớ khi ấy tôi mới chỉ khoảng 6-7 tuổi, tôi nghe cha kể lại rằng, cha không biết được cây đèn dầu có từ khi nào, nhưng trước khi có đèn dầu ông cha ta đã biết thắp sáng bằng các loại đuốc tre nhỏ treo trước cửa hoặc cổng ngõ ra vào, sau đó mới chế ra đèn đốt bằng tinh dầu lạc. Đèn dầu lạc được chế ra từ một chiếc đĩa đất nung nhỏ đựng đầy dầu lạc, ở giữa là sợi tim (hay còn gọi là bấc đèn) quấn tròn để nhô ra một đầu để châm lửa khi tim đèn đã ngấm đầy dầu. Đèn dầu lạc có lửa nhỏ xíu và bị gió đưa đẩy nhiều đến nỗi không thể để gần cửa hay chỗ nào có gió nhẹ được vì đèn rất dễ bị tắt.
- Vậy sao ông bà mình có thể làm việc và học tập vào buổi tối được hả cha?
- Phải chịu thôi con, bởi vì lúc bấy giờ ở nông thôn chưa có điện như bây giờ. Nhưng sau khi thực dân Pháp vào xâm chiếm và đô hộ nước ta thì họ đem theo cả văn hóa, tín ngưỡng, vật dụng quân tư trang… trong đó có cây đèn dầu, kể từ đó cây đèn dầu đã có mặt tại Việt Nam. Thành ơi, con có biết không?
- Dạ, biết gì vậy cha?
- Thời đó, những nhà ở vùng quê như nhà mình thì trong nhà lúc nào cũng thắp đèn dầu mỗi khi trời chập choạng tối và người dân vẫn dùng dầu lửa để thắp đèn.
- Lúc đó vẫn chưa có điện hả cha?
- Có con ơi, nhưng chỉ có ở những thành phố lớn mà thôi, ở nông thôn chỉ thắp đèn dầu thôi con ạ.
- Con biết không, những chiếc đèn cóc hay đèn măng-xông có bóng đèn được làm từ thủy tinh và dây tim đủ thắp sáng cho căn nhà nơi miền quê, ánh sáng đèn dầu rất ổn định và cháy rất bền.
- Vậy đèn dầu có giống đèn điện nhà mình không vậy cha?
- Không con ơi. Đèn dầu có cấu tạo rất đơn giản gồm: Một bầu đựng dầu làm bằng kim loại hoặc thủy tinh; phần tim đèn được làm từ sợi của cây đay được phơi khô tự nhiên rồi đập dập tạo thành những sợi chỉ nhỏ và kết thành sợi lớn có bề dày khoảng 0,5 đến 1cm. Tim đèn được chia làm hai phần, phần dưới được nhúng trong bình dầu để hút dầu lên trên thông qua hiện tượng mao dẫn và phần còn lại nhô lên trên khỏi bầu đèn thông qua núm vặn bằng sắt dùng để đốt lửa phát sáng.
- Vậy đèn dầu có sáng như đèn điện bây giờ không cha?
- Đèn dầu không sáng bằng đèn điện và độ sáng của đèn dầu được điều chỉnh bởi độ dài của phần tim đèn nhô lên. Khi châm lửa vào phần nhô lên của tim đèn, dầu ngấm trong tim đèn sẽ cháy và tạo ra một ngọn lửa màu vàng, khi dầu cháy hiện tượng mao dẫn bên trong sợi tim sẽ kéo thêm dầu từ dưới bầu đựng dầu lên cho ngọn lửa tiếp tục. Ngọn lửa được bảo vệ bằng bóng đèn làm từ thủy tinh vừa tránh được gió thổi tắt vừa không gây bùng cháy lớn đồng thời tăng luồng không khí cung cấp cho ngọn lửa nhờ hiện tượng hiệu ứng nhiệt và sẽ làm cho ngọn lửa cháy sáng hơn là khi không có bóng đèn chụp. Tuy nhiên đèn dầu luôn luôn có mùi nếu lửa cháy không đều, và đó cũng chính là nhược điểm duy nhất của cây đèn dầu, thời mà điện chưa phổ biến rộng rãi đến các vùng quê xa xôi, hẻo lánh như bây giờ.
- Thời chiến tranh khổ lắm hả cha?
- Con sinh ra khi đất nước đã hòa bình thống nhất nên không hiểu thế nào là chiến tranh. Chiến tranh khổ lắm con ơi.
Đúng là tôi không sinh ra vào thời chinh chiến và chỉ biết được chiến tranh qua những gì học được ở trường, trên phim ảnh và bây giờ là ở trên các trang thông tin điện tử của các báo chính thống và các trang mạng xã hội. Ở xã tôi, lâu lâu chính quyền xã vẫn hay chạy xe phát loa lưu động thông tin về lịch sử trong các ngày lễ lớn như ngày 30 tháng 4, ngày Cách mạng tháng Tám, ngày Quốc khánh 2 tháng 9… Tôi nghe cha kể lúc đất nước bị thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm chiếm cai trị, người dân đói khổ và rất sợ ra đường vì sợ đạn lạc. Cha tôi nói:
- Con không thể tưởng tượng được đâu, chiến tranh ác liệt lắm, bọn giặc đàn áp dân ta rất dã man. Chúng bắt bớ và bắn giết khắp nơi, những nơi nào chúng đi qua là hoang tàn, đổ nát, người dân sống rất cực khổ. Kể từ khi có bộ đội cụ Hồ vào giúp đỡ nhân dân thì mọi người mới không còn hoang mang lo sợ nữa, cuộc sống có phần đỡ hơn.
- Cha ơi, ngày xưa trong nhà mình, cả ông nội và cha đều là bộ đội phải không cha?
- Đúng rồi con. Lúc đó, ông nội vắng nhà thường xuyên, trong nhà chỉ có cha là đàn ông, mọi việc trong ngoài cha đều làm hết. Đến khi cha và mẹ cưới nhau chưa được bao lâu thì cha và những thanh niên trong xóm cũng xung phong vào đội du kích của xã. Nhiệm vụ của mọi người trong đội, ban ngày làm giao liên, vận chuyển lương thực, súng đạn cho bộ đội, đến đêm mới dám trở về nhà.
- Lúc đó nhà nào có thanh niên đi làm du kích thường bị bọn giặc hay bọn phản động càn quét, hoạnh hoẹ đủ điều. Thường cha và mọi người hay trở về nhà vào ban đêm. Cha nhớ, có lần cha và mọi người trong đội trở về nhà bị bọn giặc đi tuần tra phục kích bắn nhưng rất may là không ai bị thương.
Từ lần đó trở đi, cha đã tìm đủ mọi cách để trở về nhà cho an toàn. Có khi vài ngày mới trở về một lần, có khi đợi bọn giặc đi tuần tra xong đến khuya mới dám trở về. Mẹ thấy cha đi như vậy rất nguy hiểm nên mẹ có nói với cha:
- Anh Bình ơi! Anh có nhớ lúc chúng ta quen nhau không?
- Có, nhưng lúc này em nói chuyện đó để làm gì?
- Anh có nhớ lúc đó hai đứa lấy cây đèn dầu để làm ám hiệu, trốn gia đình đi hẹn hò không!
- Anh nhớ. Nhưng có liên quan gì đâu?
- Ý của em là mình lấy nó để làm liên lạc, em nghĩ nó sẽ an toàn hơn.
- Ờ, anh biết rồi.
Từ đó trở đi, cha đã quy ước với mẹ rằng đêm nào không có bọn giặc càn quét hay phục kích thì mẹ đem cây đèn dầu ra sân, để trên bàn thờ Thông Thiên làm ám hiệu. Khi nào cha về gần đến nhà mà thấy có cây đèn dầu ngoài sân là hôm đó an toàn, mọi người vào nhà. Còn hôm nào không thấy cây đèn dầu ngoài sân, là hôm đó có sự cố, cha và mọi người sẽ trở lại vùng an toàn.
Nhờ có cây đèn dầu làm mật mã nên cha và mọi người trong đội du kích hoạt động rất an toàn. Cả đội du kích của cha đã vận chuyển vũ khí, đạn, dược phẩm, lương thực tiếp tế cho bộ đội; làm giao liên dẫn đường, giúp bộ đội đánh thắng nhiều đồn bốt địch, giải phóng nhiều vùng quan trọng trong tỉnh và những vùng lân cận.
- Có lần nào bị lộ không hả cha?
- Chiến tranh kéo dài, một số người trong đội du kích không chịu nổi cực khổ nên đã chiêu hồi, phản cách mạng. Bọn chúng đã nói ra bí mật về quy ước cây đèn dầu, nên bọn giặc biết được và phục kích sẵn. Lần đó, đội du kích của cha trở về nhà để hôm sau phối hợp với bộ đội chủ lực tấn công giải phóng thị xã. Gần đến nhà, cha nhìn thấy trước sân vẫn có cây đèn dầu đang để ở ngoài bàn Thông Thiên, nên mọi người rất mừng. Lúc đó, cha đang đi đầu thì bất ngờ nghe có tiếng kêu thất thanh từ phía đằng sau:
- Anh Bình ơi!... Anh Bình ơi!... đứng lại.
- Nghe tiếng gọi, cha quay lại hỏi: Chuyện gì vậy Tâm - đội viên du kích.
- Hình như là thằng Tám Thẹo ở xóm chợ đang trong nhà anh, em nhìn thấy giống nó lắm.
- Mày nói là thằng Tám, con ông Bảy Đức ở xóm chợ phải không?
- Đúng rồi. Nó chứ không ai khác. Lúc nhỏ em hay chơi chung với nó nên em không thể nào lầm được.
- Từ lúc nó bỏ đội du kích, bỏ anh em mình, anh nghe bà con trong xóm xì xào, nghe đâu nó lên Sài Gòn sống với chị Hai của nó.
- Nếu như không phải nó thì không thể nào là ai khác. Em nhìn giống lắm.
Cha và anh em mau chóng trở về đội, tìm chỗ ẩn nấp. Đêm đó cả đội bị tấn công nhưng chỉ một vài người bị thương nhẹ, không ai hy sinh. Sau đêm đó, cha và mọi người dò la và biết chính xác thằng Tám Thẹo đã nói ra mật mã quy ước và dẫn giặc về xóm đánh úp đội du kích. Chú Tâm của con đòi phải giết bằng được thằng Tám Thẹo. Mọi người bàn bạc và đã cử cha đi xin ý kiến cấp trên và cấp trên đã quyết đinh cử cha đi dạy tên Tám Thẹo một bài học. Nhận mật lệnh, ngay trong đêm, cha đã bí mật vào nhà tên Tám Thẹo.
Cha trèo tường và phá cửa xông vào nhà khi tên Tám Thẹo đang nằm ngủ. Cha nạt lớn:
- Tám Thẹo, mày là một thằng bán nước, phản lại cách mạng, phản lại đồng đội, phản lại bà con lối xóm, những người đã nuôi nấng và cưu mang mày bấy lâu nay. Hôm nay tao nhận được lệnh xử mày. Tao đại diện cho cách mạng, thay mặt những người từng bị mày hại, dạy cho mày một bài học nhớ đời.
Lúc này tên Tám Thẹo mới tỉnh ngủ, nhưng chưa kịp trở mình ngồi dậy, cha đã bắn liên tiếp nhiều phát đạn vào người và chân của hắn. Hoàn thành nhiệm vụ, cha nhanh chóng thoát ra ngoài.
Sau lần đó, tên Tám Thẹo nằm liệt một chỗ. Cha cũng chuyển vào hoạt động bí mật cho đến khi đất nước hoàn toàn thống nhất. Hòa bình, cha trở về nhà, nhìn thấy cây đèn dầu cha rất vui mừng, vì nó đã cứu mạng cha không biết bao nhiêu lần.
---***---
Tôi đang chìm đắm trong cảm xúc của ký ức về người cha, và đang lau dọn bàn thờ nhưng không biết là tôi đã khóc từ bao giờ. Tôi cũng không biết nước mắt của tôi từ đâu cứ chảy mãi như trực sẵn, tôi khóc như một đứa trẻ làm hư đồ dùng trong nhà vì sợ bị người lớn la rầy và đánh đòn nên phải khóc trước để khỏi bị đánh. Không biết có phải tôi đang khóc cho người cha mà tôi luôn kính trọng nay đã không còn, hay tôi khóc cho chính bản thân mình đã không còn được nhìn thấy bóng dáng của người cha thân yêu. Cũng không biết có phải tôi đang khóc vì cảm thấy hạnh phúc khi cuộc sống của mình bây giờ đã được đánh đổi bằng cả xương máu của cả một thế hệ cha anh đi trước. Cảm xúc của tôi lúc này nó cứ đan xen lẫn nhau khiến cho tôi không thể nào kìm chế và lấy lại được bình tĩnh. Đứa con trai của tôi đang chơi thấy tôi khóc nên cũng chạy đến khóc theo. Tôi và đứa con trai, cả hai đã cùng ôm nhau khóc. Chúng tôi khóc như chưa từng được khóc.
HOÀNG BIỂN
(KGO) - Thành phố mùa đông, cái lạnh len lỏi vào từng thớ vải rồi trườn trên da thịt. Môi Hải tái nhợt vì chạy xe cả đêm giữa trời rét mướt. Nhiều lúc định tắt app, chạy về phòng trọ quấn chăn ngủ một giấc đã đời nhưng khi app báo có người đặt xe Hải lại rồ ga đi.
Tổng số lượt truy cập: