22/06/2020 16:40
NHIỀU ĐIỂM SẠT LỞ MỚI
Chúng tôi theo chân đoàn khảo sát của Ban Quản lý Dự án đầu tư xây dựng các công trình nông nghiệp và phát triển nông thôn Kiên Giang đến các khu vực bị sạt lở nghiêm trọng ở ấp Cây Gõ, xã Vân Khánh Tây. Xã Vân Khánh Tây có tuyến đê biển dài khoảng 6km, toàn bộ đai rừng thuộc khu vực này đã mất gần hết. Những năm gần đây, hiện tượng sạt lở trở nên phức tạp, nghiêm trọng hơn, mỗi năm lại có thêm từ 10 - 20m rừng phòng hộ bị nước biển cuốn trôi. Hiện tượng sạt lở nhiều hơn bồi tụ, nhất là vào mùa mưa bão, sóng đánh mạnh, mỗi ngày lại có các điểm bị sạt lở mới.
Theo kết quả khảo sát, khu vực vàm Tiểu Dừa thuộc ấp Cây Gõ, xã Vân Khánh Tây có thêm 5 điểm mới bị sạt lở với chiều dài 218m cần bố trí gia cố kè chắn sóng mới, hai đoạn đê dài 200m đã có kè rọ đá nhưng bị sụp lún, nước thủy triều lên tràn qua đê, cần gia cố để đảm bảo khả năng chắn sóng trong mùa mưa này.
Một đoạn đê bị sạt lở nghiêm trọng tại vàm Tiểu Dừa, xã Vân Khánh Tây (An Minh).
Đồng chí Huỳnh Văn Khôi - Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Vân Khánh Tây cho biết: “Đoạn đê biển thuộc ấp Cây Gõ bị sạt lở nghiêm trọng, có những đoạn còn khoảng 1m nữa sẽ vỡ đê. Tình hình sạt lở đã ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của 30 hộ dân, 500ha đất nuôi trồng thủy sản sẽ bị thiệt hại. Trước mắt, chính quyền địa phương huy động lực lượng dân quân tự vệ thực hiện chằng chống bằng cừ tre, dừa, đắp lại đất để khắc phục tạm thời. Về lâu dài, xã kiến nghị tỉnh sớm khẩn trương thi công gia cố các đoạn đê yếu có nguy cơ vỡ, triển khai thực hiện nhanh dự án khắc phục sạt lở để nhân dân an tâm sản xuất, sinh hoạt”.
Tại xã Vân Khánh đã xuất hiện thêm một số điểm sạt lở mới. Đồng chí Thái Văn Bích - Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Vân Khánh nói: “Do đã có gió nam thổi mạnh, sóng biển đánh dữ dội, nhất là khi triều cường dâng cao, làm sạt lở nhiều đoạn đê biển. Có những đoạn sạt lở tới chân đê, có nơi xâm lấn, cuốn trôi nhiều diện tích rừng phòng hộ. Hiện diện tích rừng chỉ còn chưa đến 50%. Đời sống người dân rất bấp bênh”.
Người dân sống bằng nghề đánh bắt gần bờ, một số hộ bám trụ lại để giữ rừng và canh tác trên đất giao khoán. Tuy nhiên, việc sản xuất, nuôi trồng thủy sản của các hộ nhận giao khoán cũng rất khó khăn, triều cường dâng cao, đê biển thấp, nước tràn, gây thiệt hại nhiều diện tích nuôi tôm dưới tán rừng. Để ổn định đời sống người dân sống ven biển, ủy ban nhân dân xã kiến nghị tỉnh sớm triển khai thực hiện dự án chống sạt lở bờ biển, khôi phục diện tích rừng phòng hộ, bảo vệ an toàn tính mạng, tài sản của người dân, nhất là trong mùa mưa bão.
CẤP BÁCH KHẮC PHỤC
Đồng chí Nguyễn Văn Tâm - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Kiên Giang cho biết: “Đoạn đê sạt lở thuộc vàm Tiểu Dừa, xã Vân Khánh Tây nằm trong dự án khắc phục sạt lở từ vàm Tiểu Dừa - Chủ Vàng (An Minh) với quy mô chiều dài kè 10km, giải pháp khắc phục là thi công xây dựng hai hàng cọc ống bê tông ly tâm đường kính D300, phía trong hai hàng cọc đổ đá hộc. Trên đầu cọc được liên kết với nhau bằng hệ thống các dầm, giằng bê tông cốt thép. Đây là dự án sử dụng nguồn vốn 200 tỷ đồng từ vốn vay Ngân hàng Thế giới. Thời gian thực hiện từ năm 2016-2022. Tỉnh đang chờ ý kiến không phản đối của Ngân hàng Thế giới về thiết kế chi tiết, sau đó phê duyệt thiết kế và tổ chức đấu thầu xây lắp, triển khai thi công trong quý III-2020 và hoàn thành trong vòng 12 tháng”.
Trước mắt do mùa mưa bão đã đến, nhiều đoạn đê tại khu vực này đã bị sạt lở rất nghiêm trọng, có thể không giữ được. Để khắc phục tạm thời các điểm sạt lở cho tới khi dự án được triển khai thi công, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Kiên Giang chỉ đạo Chi cục Thủy lợi tỉnh khảo sát, làm tờ trình gửi Ủy ban nhân dân tỉnh Kiên Giang bố trí kinh phí khắc phục tạm thời các điểm sạt lở mới; đồng thời thực hiện gia cố các điểm có nguy cơ sạt lở để bảo vệ đê biển trước mùa mưa bão, bảo vệ tài sản và tính mạng của người dân. Ban Quản lý Dự án đầu tư xây dựng các công trình nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh khảo sát, lên phương án khắc phục sớm nhất tình trạng này. Các đoạn sạt lở tới chân đê dự kiến sẽ xử lý bằng rọ đá, đắp đất lại thân đê.
Do hiện nay nguồn vốn chống sạt lở bờ biển cần kinh phí rất lớn, trong khi khả năng cân đối nguồn vốn của tỉnh còn hạn chế. Nhiều khu vực sạt lở đặc biệt nguy hiểm, cấp bách nhưng bố trí vốn chưa kịp thời. Có những đoạn kè vốn bố trí thành nhiều đợt, không liên tục, ảnh hưởng tiến độ hoàn thành để phát huy hiệu quả hơn trong đầu tư. Do đó, tỉnh rất cần sự hỗ trợ từ Trung ương và kêu gọi các tổ chức nước ngoài chung tay khắc phục hậu quả sạt lở, góp phần ổn định đời sống nhân dân các xã ven biển.
Bài và ảnh: THÙY TRANG
(KGO) - Chiều 25-11, đoàn công tác do Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang Giang Thanh Khoa làm trưởng đoàn có buổi làm việc với UBND huyện Kiên Lương về tình hình kinh tế - xã hội 10 tháng năm 2024, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trên địa bàn huyện Kiên Lương.
Tổng số lượt truy cập: