25/06/2020 15:48
Kế hoạch vốn đầu tư công năm 2020 của tỉnh Kiên Giang theo nghị quyết Hội đồng nhân dân tỉnh trên 6.108 tỷ đồng, Ủy ban nhân dân tỉnh Kiên Giang triển khai giao chi tiết 5.969,5 tỷ đồng, đạt gần 98% so nghị quyết. Đến ngày 31-5, Kiên Giang thực hiện giá trị khối lượng hoàn thành 1.371,6 tỷ đồng, đạt 22,5% kế hoạch. Riêng nguồn vốn chuyển tiếp năm 2019 là 662,2 tỷ đồng, nhưng chỉ mới giải ngân gần 17%.
Theo đánh giá của Ủy ban nhân dân tỉnh, một trong những nguyên nhân khiến kết quả đầu tư công từ đầu năm 2020 đến nay đạt thấp do một số chủ đầu tư, ban quản lý dự án xem nhẹ công tác chuẩn bị đầu tư, tư vấn thiết kế năng lực yếu làm ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện, giải ngân. Ngoài ra, công tác bồi thường giải phóng mặt bằng còn nhiều bất cập, quy trình, thủ tục kéo dài, chưa được quan tâm, giải quyết triệt để, thiếu sự phối hợp giữa chủ đầu tư và ủy ban nhân dân huyện, thành phố…
Đồng chí Nguyễn Văn Dũng - Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Giao thông Vận tải tỉnh Kiên Giang cho biết: “Để ứng phó với hạn, mặn, Kiên Giang triển khai đắp các đập tạm trên một số tuyến sông, kênh, rạch, từ đó ảnh hưởng đến việc vận chuyển vật liệu xây dựng. Vật tư xây dựng hiện khan hiếm, nhất là đá do năm nay đẩy nhanh tiến độ xây dựng tuyến Lộ Tẻ - Rạch Sỏi mỗi ngày tiêu thụ khoảng 3.000m3 đá từ các doanh nghiệp sản xuất đá tại Hòn Sóc (Hòn Đất), nhiều sà lan đậu 5 - 10 ngày vẫn không mua được đá… Tình trạng này ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện các công trình đầu tư xây dựng cơ bản”.
Đường tỉnh 963B đoạn từ xã Long Thạnh về thị trấn Giồng Riềng (Giồng Riềng) đang được nâng cấp, mở rộng từ nguồn ngân sách tỉnh.
Cũng theo đồng chí Nguyễn Văn Dũng, việc ban hành Nghị định 68/2019/NĐ-CP, ngày 14-8-2019 của Chính phủ về quản lý chi phí đầu tư xây dựng kèm theo một loạt thông tư của Bộ Xây dựng liên quan đến đầu tư công khiến việc áp dụng theo một số văn bản mới còn vướng mắc trong quá trình thực hiện. Bên cạnh đó, công tác giải phóng mặt bằng còn chậm, quy trình, thủ tục kéo dài, khiếu nại trong công tác giải phóng mặt bằng vẫn thường xảy ra làm ảnh hưởng tiến độ nhiều công trình.
Là đơn vị được tỉnh giao thi công một số dự án, trong đó có dự án Bệnh viện Đa khoa Kiên Giang quy mô 1.020 giường, hiện Công ty Cổ phần Xây lắp Thành An 96 đang gặp vướng mắc trong thi công gói thầu xây lắp thiết bị trị giá hơn 20 tỷ đồng. Ông Phạm Hữu Trung - Phó Giám đốc Công ty Cổ phần Xây lắp Thành An 96 nói: “Toàn bộ thiết bị nhập từ nước ngoài nên nếu được phê duyệt dự toán và ký hợp đồng thì mất 3 tháng thiết bị mới về, cộng thêm thời gian lắp đặt 1 tháng nữa là 4 tháng. Chúng tôi rất lo, bởi theo chỉ đạo của Ủy ban nhân dân tỉnh Kiên Giang chậm nhất ngày 30-9 phải đưa Bệnh viện Đa khoa Kiên Giang vào khai thác, nhưng nguồn điện vận hành thiết bị chưa có nên không bảo đảm cho các thiết bị hoạt động. Công ty kiến nghị các sở, ngành hướng dẫn các thủ tục để công ty được thuận lợi trong thanh toán khối lượng hoàn thành. Đồng thời, cho phép công ty được gia hạn hiệu lực hợp đồng, không phải gia hạn để thi công mà gia hạn để làm các thủ tục thanh toán”.
Vốn đầu tư công năm 2020 của huyện Kiên Lương quản lý 24,4 tỷ đồng, bố trí cho 27 danh mục công trình. Đến đầu tháng 6-2020, tổng giá trị khối lượng hoàn thành 9,5 tỷ đồng, đạt gần 39,3% kế hoạch, giá trị giải ngân đạt trên 24,4%, cao hơn mức giải ngân trung bình của tỉnh 6%. Đồng chí Lê Thanh Hưởng - Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Kiên Lương cho biết: “Thời gian tới, huyện đề ra một số giải pháp đã thực hiện từ đầu năm 2020, đó là chỉ đạo thực hiện nghiêm Chỉ thị 03/CT-UBND của Ủy ban nhân dân tỉnh về thực hiện kế hoạch đầu tư công. Hàng tháng, định kỳ ngày 15, Ủy ban nhân dân huyện làm việc với các ban, ngành, xã, thị trấn để tháo gỡ khó khăn về đầu tư công”.
Theo đồng chí Lê Thanh Hưởng, huyện Kiên Lương thành lập tổ giúp Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện giải quyết những khó khăn, vướng mắc về đầu tư xây dựng cơ bản trên địa bàn. Đồng thời, huyện xây dựng kế hoạch thực hiện từng dự án về tiến độ, thời gian, kế hoạch giải ngân, kế hoạch hoàn thành. Kế hoạch này làm cơ sở để Ủy ban nhân dân huyện theo dõi sát từng công trình để có chỉ đạo sâu sát hơn.
Kết quả thực hiện đầu tư công năm 2020 có ý nghĩa quan trọng bởi đây là năm cuối thực hiện kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020. Để hoàn thành tốt kế hoạch đầu tư công năm 2020 và phấn đấu giá trị giải ngân đạt 100% theo nghị quyết của Chính phủ, Ủy ban nhân dân tỉnh Kiên Giang đề ra một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm. Ủy ban nhân dân tỉnh giao thủ trưởng các sở, ban, ngành cấp tỉnh, chủ tịch ủy ban nhân dân các huyện, thành phố tập trung đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân 100% vốn đầu tư công năm 2020 (kể cả số vốn các năm trước được chuyển nguồn sang); ban hành kế hoạch và giải pháp cụ thể tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong đền bù, giải phóng mặt bằng, đấu thầu... đẩy nhanh tiến độ thi công công trình, dự án. Bên cạnh đó, kiên quyết xử lý nghiêm và kịp thời các tổ chức, cá nhân, lãnh đạo, cán bộ, công chức vi phạm quy định pháp luật và cố tình cản trở, gây khó khăn, làm chậm tiến độ giao, thực hiện và giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công…
Bài và ảnh: ĐẶNG LINH
(KGO) - Chiều 25-11, đoàn công tác do Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang Giang Thanh Khoa làm trưởng đoàn có buổi làm việc với UBND huyện Kiên Lương về tình hình kinh tế - xã hội 10 tháng năm 2024, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trên địa bàn huyện Kiên Lương.
Tổng số lượt truy cập: