15/03/2024 10:45
Trường hợp chị P.N.N, ngụ đường Nguyễn Trung Trực, TP. Rạch Giá (Kiên Giang) bị lừa 31 triệu đồng vì làm nhiệm vụ qua mạng. Chị N kể: “Tôi là mẹ đơn thân, cần tiền nuôi con nhỏ. Tôi thấy quảng cáo trên mạng là có việc làm tại nhà. Dù có e dè, cảnh giác, nhưng tôi vẫn thử với mong muốn vừa ở nhà chăm con vừa có thêm thu nhập. Sau vài lần, tôi hoàn thành nhiệm vụ chốt đơn trên mạng cùng với nhóm kín và được trả công là có tiền vào tài khoản thật. Tôi tin tưởng và thực hiện tiếp nhiệm vụ nhiều tiền hơn. Rồi sự cố xảy ra khi các thành viên trong nhóm kín lần lượt chưa hoàn thành nhiệm vụ (các thành viên là người của nhóm lừa đảo), tôi bị buộc phải nạp thêm tiền nhiều lần vào thì mới lấy được số tiền bị mất trước đó. Khi tôi nhận ra bị lừa thì đã quá muộn. Tôi bị lừa mất 31 triệu đồng”.
Bà T.T.T, ngụ đường Phan Đăng Lưu, TP. Rạch Giá (Kiên Giang) thường xem và mua hàng trên mạng xã hội Facebook.
Bà T.T.T, ngụ đường Phan Đăng Lưu, TP. Rạch Giá nhiều lần bị lừa đảo khi mua hàng qua mạng xã hội Facebook. Sản phẩm bà T nhận được có chất lượng kém, khác luôn cả mẫu mã so với khi xem quảng cáo trên Facebook. Có lần người nhà bà T nhận giúp và trả tiền thay nên không kiểm tra hàng, đến khi mở hàng mới biết không phải sản phẩm đã đặt mua, nhưng không trả lại được vì đơn hàng không cho xem và đã thanh toán tiền.
Bà Dương Mộng Thu - Chủ tịch Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng tỉnh Kiên Giang cảnh báo người tiêu dùng nên thận trọng khi mua hàng qua mạng xã hội, chỉ mua ở những website có uy tín, được cấp phép, có địa chỉ cụ thể. Trước khi mua hàng, hãy đọc kỹ nguồn gốc, xuất xứ sản phẩm. Người tiêu dùng nên chú ý so sánh giá sản phẩm cùng loại ở nhiều nơi bán khác nhau. Người mua phải được kiểm tra sản phẩm và hiểu rõ chính sách bảo hành, đổi trả trước khi thanh toán.
Bà Thu cho biết: “Ví dụ như hệ thống Co.opmart, cửa hàng tiện ích, các shop thời trang… đều có các trang mua sắm trực tuyến. Để hạn chế lừa đảo, người tiêu dùng nên ưu tiên chọn các shop online, trang web có địa chỉ cửa hàng rõ ràng, địa chỉ thực để liên hệ sau mua hàng khi cần thiết”.
Vừa qua, Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang gửi thư kêu gọi toàn dân tích cực tham gia phòng, chống tội phạm lừa đảo trên không gian mạng trên địa bàn tỉnh. Theo nội dung thư, các đối tượng lợi dụng lòng tin của nhân dân để thực hiện hành vi phạm tội, tập trung vào một số thủ đoạn phổ biến như giả danh các cơ quan tư pháp, tuyển cộng tác viên trên các sàn giao dịch điện tử; vay online, chiếm quyền các tài khoản mạng xã hội để mạo danh vay tiền bạn bè, người thân; kết bạn làm quen hứa hẹn tặng quà có giá trị… Người dân thường bị các đối tượng dẫn dụ, thao túng tâm lý, gài bẫy yêu cầu nộp tiền, chuyển tiền để chiếm đoạt.
Với quyết tâm góp phần đẩy lùi tội phạm trên không gian mạng, đặc biệt là tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản, UBND tỉnh Kiên Giang đề nghị toàn thể cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, người lao động và người dân trên địa bàn tỉnh khi tham gia các hoạt động trên môi trường mạng phải nâng cao cảnh giác, thường xuyên tìm hiểu các phương thức, thủ đoạn hoạt động của tội phạm này trên các phương tiện thông tin đại chúng, trang thông tin chính thống của địa phương và lực lượng công an.
Người dân cần chia sẻ, tuyên truyền cộng đồng, người thân, bạn bè để chủ động phòng tránh, tố giác tội phạm và cung cấp thông tin cho lực lượng công an nơi gần nhất khi phát hiện các dấu hiệu đáng ngờ hoặc qua đường dây nóng 02973.910.505.
Bài và ảnh: TRƯƠNG LAM
(KGO) - Khoảng 6 giờ 30 phút ngày 22-11, một người dân sống tại đường Mạc Cửu, khu phố Nguyễn Thái Bình, phường Vĩnh Quang, TP. Rạch Giá (Kiên Giang) phát hiện một thi thể nam giới nổi trên mặt nước tại khu vực kênh gần nhà nên báo cơ quan chức năng.
Tổng số lượt truy cập: