07/07/2023 07:26
Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Hòn Đất (Kiên Giang) Đỗ Văn Tân phát biểu về vấn đề xử lý rác thải. Ảnh: THU OANH
“NÓNG” VẤN ĐỀ MÔI TRƯỜNG
Liên quan đến lĩnh vực môi trường, một số đại biểu cho rằng vấn đề thu gom rác thải đang là vấn đề cấp bách, cần được các cấp, sở, ngành quan tâm xử lý. Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Hòn Đất (Kiên Giang) Đỗ Văn Tân đánh giá hiện nay việc thu gom rác thải tập trung ở đô thị, cần phải mở rộng thu gom rác thải ở tuyến quốc lộ, tỉnh lộ và quan tâm xử lý rác thải ở nông thôn.
Các đại biểu đề nghị tỉnh Kiên Giang cần có kế hoạch cụ thể trong việc phân loại rác, trong đó cần tập trung tuyên truyền nâng cao ý thức của người dân trong việc bảo vệ môi trường. Đề nghị UBND tỉnh Kiên Giang phải có kế hoạch dài hơi, đề án cụ thể trong việc thu gom, xử lý rác, đầu tư lò xử lý rác, trong đó cần đánh giá năng lực nhà máy xử lý rác để đáp ứng với tốc độ đô thị hóa hiện nay.
Đại biểu lưu ý vấn đề ô nhiễm môi trường nước nghiêm trọng tại khu vực xã Giục Tượng, huyện Châu Thành (Kiên Giang), đề nghị UBND tỉnh Kiên Giang sớm có biện pháp xử lý.
Bí thư Huyện ủy An Minh (Kiên Giang) Bùi Thị Hiền đề nghị UBND tỉnh Kiên Giang quan tâm thúc đẩy việc đấu thầu vật tư y tế. Ảnh: THANH NHÃ
BÀN VỀ Y TẾ, GIÁO DỤC
Nhiều đại biểu ý kiến về khó khăn của ngành y tế hiện nay. Đại biểu cho rằng cần có những giải pháp phù hợp để đảm bảo công tác khám bệnh, chữa bệnh cho của người dân, đảm bảo thuốc ở bệnh viện, cơ sở y tế...
Bí thư Huyện ủy An Minh (Kiên Giang) Bùi Thị Hiền đề nghị UBND tỉnh Kiên Giang quan tâm thúc đẩy việc đấu thầu vật tư y tế, trong đó có vaccine tiêm ngừa cho trẻ em vì việc cung ứng vaccine trên địa bàn tỉnh đang thiếu.
6 tháng đầu năm 2023, các bệnh truyền nhiễm đều tăng so cùng kỳ, đại biểu đề nghị UBND tỉnh Kiên Giang có giải pháp khắc phục tình trạng này trong 6 tháng cuối năm 2023.
Bí thư Huyện đoàn Giồng Riềng (Kiên Giang) Phan Thị Ngọc Cẩm có ý kiến các vấn đề liên quan đến giáo dục và đào tạo. Ảnh: THỦY TIÊN
Về lĩnh vực giáo dục và đào tạo, Hiệu trưởng Trường Đại học Kiên Giang Nguyễn Tuấn Khanh cho rằng đối với giáo dục bậc phổ thông trong năm học 2022-2023, tỉnh Kiên Giang có nhiều chỉ tiêu đạt và vượt kế hoạch, trong đó kết quả học sinh tham gia cuộc thi khoa học kỹ thuật, thi học sinh giỏi cấp quốc gia đạt cao so cùng kỳ. Đặc biệt, các học sinh tham gia các dự án khoa học kỹ thuật quốc tế. Vì vậy, cần có chế độ tiền thưởng phù hợp.
Tại kỳ họp này, UBND tỉnh Kiên Giang có tờ trình dự thảo nghị quyết quy định việc hỗ trợ tiền thưởng, tiền thù lao cho chuyên gia, giảng viên, giáo viên, học sinh, học viên, sinh viên đạt thành tích cao trong giảng dạy và học tập trên địa bàn tỉnh Kiên Giang. Nếu dự thảo được thông qua, tỉnh Kiên Giang sẽ có sự hỗ trợ, khen thưởng kịp thời động viên đội ngũ giáo viên, học sinh, sinh viên có thành tích cao trong giảng dạy và học tập.
Bí thư Đảng ủy, Hiệu trưởng Trường Chính trị tỉnh Kiên Giang Lâm Phước Hải phát biểu thảo luận tổ. Ảnh: THANH NHÃ
Bí thư Đảng ủy, Hiệu trưởng Trường Chính trị tỉnh Kiên Giang Lâm Phước Hải đề nghị tỉnh Kiên Giang quan tâm, xem xét cho con em đồng bào Khmer huyện An Minh được học tại Trường Phổ thông Dân tộc nội trú Trung học cơ sở An Biên (Kiên Giang), đồng thời xem xét mở rộng số lớp, thêm giáo viên cho trường.
GỠ KHÓ ĐỂ PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
Ý kiến của các đại biểu tập trung thảo luận về giải quyết ý kiến, kiến nghị cử tri, tình hình thực hiện thu, chi ngân sách, xây dựng cơ bản, đầu tư công; thảo luận về kết quả và nguyên nhân tồn tại của tình hình thực hiện nhiệm vụ phát kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm, phương hướng nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2023 trên địa bàn tỉnh Kiên Giang.
Đại biểu phân tích sâu, thảo luận tìm ra những giải pháp để giải quyết các lĩnh vực còn khó khăn như khai thác thủy sản, quản lý và sử dụng đất rừng, việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, sự quan tâm và tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển.
Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang Lâm Minh Thành phát biểu về tình hình thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh Kiên Giang. Ảnh: THỦY TIÊN
Bên cạnh việc ghi nhận kết quả phát triển kinh tế - xã hội, đại biểu bày tỏ sự quan tâm khi khai thác và nuôi trồng thủy sản trên địa bàn tỉnh Kiên Giang vẫn chưa đạt cao, đề nghị UBND tỉnh Kiên Giang đẩy mạnh nuôi biển, đặc biệt là hỗ trợ cho các huyện đảo phát triển các dự án nuôi biển.
Đại biểu cho rằng tình hình giải ngân đầu tư công tuy có tăng so cùng kỳ nhưng vẫn còn thấp so yêu cầu, nhất là các dự án chuyển tiếp từ năm 2022 còn kéo dài, do vướng công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng; các dự án thực hiện các thủ tục lựa chọn nhà thầu thi công đối với các công trình triển khai khởi công mới năm 2023 còn chậm. Qua đó, đại biểu đề nghị UBND tỉnh Kiên Giang sớm giải quyết tình trạng này nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.
Phó Chánh Văn phòng Huyện ủy Châu Thành (Kiên Giang) Lý Mộng Trinh thảo luận về việc giải quyết ý kiến, kiến nghị của cử tri. Ảnh: THU OANH
Về lĩnh vực du lịch, Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy Phú Quốc (Kiên Giang) Đặng Thị Hồng Gấm bày tỏ sự phấn khởi du lịch của tỉnh đang phát triển mạnh, riêng 6 tháng đầu năm 2023, tổng lượt khách ước đạt 4,95 triệu lượt khách, tổng doanh thu ước đạt 10.184 tỷ đồng.
Đồng chí Đặng Thị Hồng Gấm đề xuất thời gian tới, UBND tỉnh Kiên Giang chỉ đạo các ngành, địa phương tiếp tục thực hiện có hiệu quả các đề án phát triển du lịch trên địa bàn, đặc biệt đẩy nhanh tiến độ phê duyệt “Đề án xây dựng Phú Quốc thành trung tâm dịch vụ, du lịch sinh thái chất lượng cao, du lịch biển, đảo tầm cỡ quốc gia và quốc tế”, đồng thời tiếp tục có đề án, dự án thúc đẩy phát triển các dịch vụ du lịch của tỉnh Kiên Giang.
THU OANH - THỦY TIÊN - THANH NHÃ
(KGO) - Đúng vào kỷ niệm 8 năm ngày Nam Kỳ khởi nghĩa, ngày 23-11-1948, Tỉnh ủy Rạch Giá (nay là Kiên Giang) quyết định thành lập Trường Mác-xít tỉnh Rạch Giá. Khóa học đầu tiên được khai giảng tại chùa Phật Ninh, Rạch Ngang Trâu, ấp Ninh Định, xã Ninh Hòa, quận Phước Long (nay thuộc huyện Hồng Dân, tỉnh Bạc Liêu).
Tổng số lượt truy cập: