25/01/2023 11:38
Tại huyện Giồng Riềng:
Ngày cận tết, chợ Giồng Riềng, thị trấn Giồng Riềng tấp nập người mua, người bán. Chợ họp cả ngày và đông hơn ngày thường 4-5 lần. Các tiểu thương bày bán nhiều mặt hàng thiết yếu với đủ loại rau, củ, quả, đồ trang trí tết phục vụ nhu cầu mua sắm dịp tết.
Chị Trần Kim Ngọc (bìa trái), ngụ xã Ngọc Chúc, huyện Giồng Riềng chọn hoa tươi. Ảnh: BÍCH THÙY.
Bà Nguyễn Thị Lộc, chủ cửa hàng bánh kẹo tại chợ Giồng Riềng cho biết: “Mặt hàng bánh kẹo năm nay phong phú hơn, sức mua của người dân tăng nhiều từ 28 tháng chạp. Mỗi ngày tôi bán được từ 5-10 triệu đồng, có khi 20 triệu đồng/ngày. Người dân chuộng các loại mứt truyền thống như dừa, gừng và các loại bánh kẹo sản xuất trong nước, giá không khác so với ngày thường”.
Người dân chọn hoa tết tại cửa hàng Cô Năm Liễu, chợ Giồng Riềng. Ảnh: BÍCH THÙY.
Đang học tại TP. Hồ Chí Minh, dịp cuối năm về quê ăn tết, em Phù Thanh Vân, ngụ thị trấn Giồng Riềng thích được ra chợ để mua vài chậu hoa vạn thọ, ít mứt, phụ kiện trang trí tết. “Hôm nay, em có dịp theo mẹ đi chợ, thấy chợ quê ấm áp, thân tình", em Thanh Vân chia sẻ.
Em Phù Thanh Vân, ngụ thị trấn Giồng Riềng chọn mua đồ trang trí đón xuân. Ảnh: BÍCH THÙY.
Được sự quan tâm chu đáo của các cấp chính quyền, hộ nghèo, cận nghèo và đặc biệt khó khăn ở huyện Giồng Riềng đón Tết Nguyên đán năm 2023 ấm cúng hơn. Bà Nguyễn Thị Sứ (75 tuổi), ngụ khu phố 7, thị trấn Giồng Riềng là một trong những hộ cận nghèo được nhận quà tết do huyện vận động doanh nghiệp hỗ trợ.
Ôm suất quà gồm chai dầu ăn, đường, nước tương, dưới chân là bao gạo 20kg, bà Sứ cho biết: “Được huyện hỗ trợ suất quà này tôi mừng lắm vì đầu năm không phải lo thiếu gạo ăn. Mong năm mới con trai có việc làm ổn định để nhà lúc nào cũng có đủ gạo, mắm, muối như suất quà này. Năm nay, tôi thấy không khí đón tết phấn khởi hơn mọi năm”.
Mai vàng khoe sắc rực rỡ khắp các tuyền đường nông thôn xã Hòa Hưng. Ảnh: ĐẶNG LINH.
Theo Trưởng Ban Dân vận Huyện ủy, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam huyện Giồng Riềng Trần Văn Vũ, đến mùng 1 tết, ngoài 983 suất quà tặng cho hộ nghèo được ngân sách tỉnh phân bổ, huyện đã vận động và trao quà tết tận tay 8.047 hộ cận nghèo và đặc biệt khó khăn với tổng trị giá gần 3,1 tỷ đồng.
Không khí háo hức đón chào tết cổ truyền của dân tộc lan tỏa khắp nơi trên địa bàn huyện Giồng Riềng. Dọc các tuyến đường từ thị trấn đến các xã, nhà nào cũng háo hức treo quốc kỳ với niềm tự hào, tự tôn dân tộc, đâu đâu cũng ngập tràn hương sắc mùa xuân.
Hai bên đường tại khu vực trung tâm hành chính huyện Giồng Riềng rực rỡ cờ hoa đón chào năm mới Quý Mão 2023. Ảnh: ĐẶNG LINH.
Mùng 1 tết, ông Trịnh Văn Lái, ngụ xã Bàn Tân Định lì xì cho 5 đứa cháu nội sau khi cả nhà cùng nhau chụp bức ảnh mùa xuân. Ông Lái cho biết: “Mấy năm trước do dịch COVID-19 nên mọi người ít được đi lại. Năm nay dịch bệnh bớt nên đón tết thấy ấm cúng, xôm tụ hơn. Tuy chưa thu hoạch lúa đông xuân nhưng gia đình đón tết tương đối đủ đầy vì trước tết bán được bầy cá”.
Vợ chồng anh Hồ Văn Hoài Phong, ngụ xã Ngọc Thuận chúc tết và được ba mẹ lì xì đầu năm mới. Ảnh: ĐẶNG LINH.
Tại TP. Hà Tiên:
Những ngày tết, các tuyến đường của TP. Hà Tiên được trang trí rực rỡ sắc đỏ của cờ và sắc vàng của hoa cúc, hoa mai. Thành phố nhộn nhịp hơn khi có nhiều khách đến tham quan, du lịch.
Đang cùng các thành viên gia đình tắm biển, chị Hoàng Thúy Hạnh, ngụ phường Đa Kao, quận 1 (TP. Hồ Chí Minh) cho biết: “Năm nay gia đình tôi chọn TP. Hà Tiên là điểm đến. Tôi đến đây vào chiều 30 tết để đón giao thường, ngắm pháo hoa và cùng gia đình thưởng thức các món ngon của thành phố biển. Tôi thật sự ấn tượng về cảnh vật và ẩm thực nơi đây”.
TP. Hà Tiên tạo nhiều tiểu cảnh để khách du lịch và người dân địa phương đến check-in vào dịp tết. Ảnh: DANH THÀNH.
Năm nay, tết đến sớm hơn với người dân TP. Hà Tiên bởi ngoài sự đổi thay của đất trời còn một sức xuân nông thôn mới tươi đẹp. Sau 10 năm xây dựng nông thôn mới, TP. Hà Tiên vươn mình mạnh mẽ. Những ngày vào xuân, thành phố rực rỡ cờ, hoa tạo nên một bức tranh đầy sức sống mới.
“Sau 3 năm mới có dịp trở lại TP. Hà Tiên, tôi khá bất ngờ với sự “thay da đổi thịt” của nơi đây. Sự thay đổi đã tạo cho thành phố biển một diện mạo mới với nhiều điểm du lịch, đường sá thuận tiện, các khu chợ, đặc biệt là ẩm thực nơi đây có sự giao thoa của các dân tộc”, anh Trịnh Hoàng Bảo Minh, ngụ xã An Thái Đông, huyện Cái Bè (Tiền Giang) cho biết.
Các em nhỏ chụp ảnh khi cùng gia đình đến du lịch tại TP. Hà Tiên. Ảnh: DANH THÀNH.
Không khí tại khu du lịch Mũi Nai, khu di tích thắng cảnh Đá Dựng, Thạch Động nhộn nhịp hơn hẳn với sắc đỏ, sắc vàng ngập tràn. Người qua lại, người mua bán nô nức, tấp nập. Những con hẻm luôn nô nức tiếng cười của những em nhỏ đang đón tết. Nhiều gia đình cùng nhau trang hoàng khu phố, con hẻm mình đang sinh sống để tạo thêm không khí tết.
“Gia đình tôi không chỉ trang trí trong nhà mà còn cùng nhau trang trí dọc con hẻm những chậu hoa mai, hoa vạn thọ để tạo thêm không khí tết. Các em nhỏ háo hức nhận lì xì và chúc tết. Tết năm nay vui hơn so với năm trước”, anh Trương Văn Minh, ngụ tổ 1, khu phố Thạch Động, phường Mỹ Đức chia sẻ.
Tại TP. Rạch Giá:
Không khí tết trên địa bàn TP. Rạch Giá rộn ràng, rực rỡ cờ hoa. Hòa chung không khí ấy, thành phố tổ chức các hoạt động nghệ thuật đặc sắc, trang trí nhiều điểm check-in hấp dẫn đáp ứng nhu cầu vui chơi, giải trí, du xuân của người dân.
Trong những ngày đầu năm mới tại TP. Rạch Giá, người dân đều chung tâm trạng vui tươi, phấn khởi. Không khí xuân rộn ràng hiện hữu trên từng con đường, góc phố và len lỏi trong các gia đình, mang theo bao hy vọng về một năm mới hạnh phúc, an vui. Trước nhà mỗi hộ dân, hoa mai, hoa cúc, hoa vạn thọ… rực rỡ khoe sắc vàng trong nắng sớm.
Anh Phạm Vũ Hoàng, ngụ phường Vĩnh Quang chia sẻ: “Sau hai năm trầm lắng do ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, không khí tết năm nay sôi động hơn hẳn, đường phố Rạch Giá trang hoàng lộng lẫy, tôi rất phấn khởi. Những ngày tết, nhà ai cũng sum vầy, rộn rã tiếng cười vui, tết cổ truyền vì thế thêm phần ý nghĩa”.
Đường phố TP. Rạch Giá rực rỡ cờ hoa khắp các nẻo đường chào đón năm mới. Ảnh: CẨM TÚ.
Mùng 1 tết nắng đẹp, người dân nô nức xuống phố du xuân, đi lễ chùa, chúc tết ông bà, ba mẹ, người thân, bạn bè. Bao lì xì đỏ trao tay như chứa đựng tấm lòng, mang ý nghĩa cầu chúc may mắn, tài lộc gửi đến người nhận. Nhiều nét văn hoá trong ngày tết được người dân TP. Rạch Giá duy trì thực hiện qua nhiều thế hệ như bày mâm ngũ quả, làm lễ cúng tổ tiên, gói bánh tét…
Chị Lâm Ngọc Bích, ngụ TP. Rạch Giá mừng tuổi ba mẹ ngày tết. Ảnh: CẨM TÚ.
Ông Tô Thanh Long (67 tuổi), ngụ phường An Hòa nói: “Tết vui nhất là gia đình, con cháu tề tụ đông đủ, dành cho nhau lời chúc tốt đẹp trong năm mới. Gia đình tôi luôn giáo dục con cháu biết giữ gìn và phát huy nét đẹp văn hóa tết cổ truyền của dân tộc”.
Chị Nguyễn Thuỳ Dương, ngụ phường An Bình du xuân chụp ảnh lưu niệm tại khu đô thị Phú Cường. Ảnh: CẨM TÚ.
Những ngày qua, tại các địa điểm như khu đô thị Phú Cường, khu đô thị mới lấn biển Tây Bắc, công viên ven đường Tôn Đức Thắng, khu vực siêu thị Vincom thu hút nhiều người dân, khách du lịch đến tham quan, chụp ảnh lưu niệm.
Mùng 3 Tết Quý Mão 2023, nhiều người dân đến cung đường mùa xuân tại khu đô thị mới lấn biển Tây Bắc TP. Rạch Giá để chụp ảnh. Ảnh: AN LÂM.
NHÓM PHÓNG VIÊN, CỘNG TÁC VIÊN
(KGO) - Khoảng 6 giờ 30 phút ngày 22-11, một người dân sống tại đường Mạc Cửu, khu phố Nguyễn Thái Bình, phường Vĩnh Quang, TP. Rạch Giá (Kiên Giang) phát hiện một thi thể nam giới nổi trên mặt nước tại khu vực kênh gần nhà nên báo cơ quan chức năng.
Tổng số lượt truy cập: