09/04/2024 09:27
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang Nguyễn Lưu Trung (bàn chủ tọa) phát biểu chỉ đạo tại hội nghị trực tuyến.
Chiều 8-4, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang Nguyễn Lưu Trung chủ trì hội nghị trực tuyến toàn tỉnh triển khai công tác phòng, chống bệnh truyền nhiễm năm 2024 trên địa bàn tỉnh.
Báo cáo tình hình bệnh truyền nhiễm trên địa bàn tỉnh, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Kiên Giang Trần Thế Vinh cho biết, từ đầu năm đến nay, Kiên Giang ghi nhận 1 trường hợp bé trai tại huyện Hòn Đất tử vong nghi do bệnh dại. Khi bị chó cắn, người nhà đưa trẻ đi lấy nọc, điều trị theo phương pháp dân gian, không đi tiêm phòng vaccine.
Hiện tỉnh chưa ghi nhận ca mắc cúm A(H5N1) nhưng có nguy cơ cao, do tỉnh tiếp giáp với Campuchia, quốc gia ghi nhận liên tiếp các ca bệnh A(H5N1) trong năm 2023-2024. Bệnh đậu mùa khỉ ghi nhận 4 trường hợp, trong đó 1 trường hợp tại huyện An Biên tử vong.
Năm 2023, bệnh tay chân miệng ghi nhận 3.866 ca, trong đó tử vong 6 trường hợp, số ca mắc cao nhất trong các năm gần đây. Tính đến tuần 12 năm 2024, toàn tỉnh ghi nhận 182 ca tay chân miệng, tăng 150 ca so cùng kỳ năm 2023.
Đầu năm 2024 đến nay, bệnh sốt xuất huyết ghi nhận 270 ca, giảm 51,8% so cùng kỳ năm 2023 (560 ca) trong đó, có 4 ca nặng. Tuy nhiên, bắt đầu vào mùa mưa tình hình bệnh sốt xuất huyết có thể gia tăng trong những tuần tiếp theo.
Người dân đến Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Kiên Giang tiêm phòng bệnh dại.
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Phó chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang Nguyễn Lưu Trung cho rằng công tác chủ động phòng, chống dịch bệnh truyền nhiễm hết sức cần thiết, đòi hỏi có sự tập trung, nỗ lực của toàn hệ thống chính trị. Vì vậy các ngành, địa phương tập trung chỉ đạo, triển khai kế hoạch phòng, chống bệnh truyền nhiễm năm 2024 đã được UBND tỉnh phê duyệt, xem đây là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên của năm 2024.
Đối với phòng, chống bệnh dại, các ngành liên quan, địa phương triển khai đầy đủ, hiệu quả chương trình quốc gia về phòng, chống bệnh dại giai đoạn 2022-2030 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; lưu ý chủ động giám sát chặt chẽ các trường hợp bị chó, mèo nghi dại cắn để hướng dẫn tiêm phòng theo quy định của Bộ Y tế và xử lý ổ dịch kịp thời.
Ngành y tế tỉnh Kiên Giang và ngành thú y tăng cường công tác phối hợp để giám sát, phát hiện sớm các trường hợp bị động vật nghi dại cắn. Đồng thời, phối hợp các đơn vị đẩy mạnh công tác truyền thông về các nguy cơ các dịch bệnh trên địa bàn tỉnh.
Các địa phương, đơn vị chủ động tham mưu kịp thời công tác đấu thầu mua sắm trang thiết bị, vật tư, hóa chất, sinh phẩm, thuốc đặc trị tay chân miệng, vaccine trong chương trình tiêm chủng mở rộng để đảm bảo sẵn sàng đầy đủ thuốc, vật tư, hóa chất trong phòng, chống dịch bệnh.
Sở Y tế tỉnh Kiên Giang theo dõi, giám sát chặt chẽ tình hình diễn biến của dịch bệnh, dự đoán xu hướng dịch bệnh có thể xảy ra để chủ động phương án phòng, chống kịp thời nhằm hạn chế dịch bệnh xảy ra và lây lan trong cộng đồng, góp phần bảo vệ, chăm sóc sức khỏe cho người dân.
Tin và ảnh: MI NI
(KGO) - Đúng vào kỷ niệm 8 năm ngày Nam Kỳ khởi nghĩa, ngày 23-11-1948, Tỉnh ủy Rạch Giá (nay là Kiên Giang) quyết định thành lập Trường Mác-xít tỉnh Rạch Giá. Khóa học đầu tiên được khai giảng tại chùa Phật Ninh, Rạch Ngang Trâu, ấp Ninh Định, xã Ninh Hòa, quận Phước Long (nay thuộc huyện Hồng Dân, tỉnh Bạc Liêu).
Tổng số lượt truy cập: