26/07/2022 15:05
Cha hy sinh trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp, có hai người anh hy sinh thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, đồng chí Đặng Văn Triều, ngụ ấp Kênh 14, xã Vĩnh Thuận, huyện Vĩnh Thuận sớm nung nấu lòng căm thù giặc sâu sắc.
Năm 1971, khi 17 tuổi, đồng chí Triều tham gia du kích địa phương. Đến năm 1975, trong trận đánh bao vây đồn địch, đồng chí bị thương nặng, thủng 7 đoạn ruột, được đồng đội đưa về căn cứ điều trị. Vết thương chưa lành hẳn, đồng chí trở lại đơn vị tiếp tục chiến đấu đến ngày hòa bình.
“Sau khi cha hy sinh, hai anh tôi cũng tham gia cách mạng và hy sinh một ngày. Nỗi đau nối tiếp nỗi đau, tôi xin mẹ đi chiến đấu để trả thù nhà, góp phần giải phóng quê hương và nối tiếp truyền thống cách mạng của cha anh. Bị thương, tôi may mắn vượt qua, từ đó tôi nguyện đem sức mình tiếp tục góp sức xây dựng quê hương”, đồng chí Triều chia sẻ.
Sau ngày đất nước giải phóng, đồng chí Triều là thương binh 3/4, năm 1980, đồng chí được đứng vào hàng ngũ của Đảng, tiếp tục cống hiến sức mình để góp phần xây dựng quê hương ngày càng phát triển. Đồng chí giữ nhiều chức vụ tại địa phương như bí thư xã đoàn, phó chủ tịch ủy ban nhân dân xã, trưởng công an xã, phó bí thư thường trực xã, chủ nhiệm ủy ban kiểm tra xã, chủ tịch hội đồng nhân dân xã, kiêm trưởng khối dân vận.
Ở mỗi chức vụ, đồng chí Triều đều nỗ lực làm hết sức mình, giúp người dân cải thiện cuộc sống, chăm lo gia đình chính sách để xoa dịu nỗi đau chiến tranh. Gia đình đồng chí Triều có 4 đảng viên, trong đó có 2 người con giữ chức phó chủ tịch ủy ban nhân dân xã và phó chủ tịch hội đồng nhân dân xã.
Đồng chí Đào Tấn Cường (giữa), ngụ ấp Cạn Ngọn, xã Thạnh Yên, huyện U Minh Thượng (Kiên Giang) nhớ lại thời kỳ chiến đấu gian khổ.
Cũng là thương binh 3/4, đồng chí Đào Tấn Cường, ngụ ấp Cạn Ngọn, xã Thạnh Yên, huyện U Minh Thượng tham gia cách mạng từ tháng 6-1970, làm chiến sĩ du kích xã Đông Yên, đơn vị quân giới hậu cần tỉnh Rạch Giá. Quá trình tham gia cách mạng, đồng chí bị thương 3 lần, hư một mắt, gãy chân.
Năm 1971, đồng chí Cường bị giặc bắt, giam tại Khám lớn Cần Thơ, sau đó chuyển về Nhà tù Phú Quốc, bị giặc tra tấn dã man nhưng đồng chí vẫn giữ khí tiết của người cộng sản. “Đã tham gia cách mạng là không sợ chết, thà hy sinh mà vinh quang còn hơn được sống mà nhục hèn. Giặc dùng mọi biện pháp tra tấn, dụ hàng nhưng tôi vẫn kiên cường vượt qua”, đồng chí Cường nói.
Năm 1973, đồng chí Cường được thả, tiếp tục tham gia chiến đấu đến ngày hòa bình và giữ nhiều chức vụ tại địa phương. Đến năm 1997, đồng chí được bầu giữ chức Bí thư Đảng ủy xã Thạnh Yên. Đến năm 2015, đồng chí nghỉ hưu.
Ở chức vụ nào đồng chí Cường cũng phát huy tinh thần trách nhiệm của người cộng sản, cống hiến hết sức mình để phục vụ nhân dân. Phát huy truyền thống cách mạng của gia đình, đồng chí Cường nuôi dạy các con ăn học để xây dựng quê hương. Gia đình đồng chí có 10 người kể cả dâu rể, trong đó có 8 người là đảng viên.
Đồng chí Cường chia sẻ: “Sau giải phóng, cuộc sống gia đình tôi rất khó khăn, nhưng tôi cố gắng lo cho các con ăn học vì có cái chữ mới giúp gia đình vươn lên trong cuộc sống, làm giàu quê hương”. Hiện trong 5 người con của đồng chí Cường có 1 người làm việc tại huyện, 2 người công tác tại xã Thạnh Yên.
Bài và ảnh: VĨ AN
(KGO) - Ngày 25-11, UBND tỉnh Kiên Giang tổ chức hội thảo khoa học “Liên kết thúc đẩy khởi nghiệp đổi mới sáng tạo hiệu quả”.
Tổng số lượt truy cập: