25/03/2024 14:07
Đồng chí Nguyễn Tấn Dũng (bìa phải) - nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Thủ tướng Chính phủ trao đổi với các đại biểu tại hội nghị tiếp thu ý kiến góp ý cho bản thảo lần 3 “Lịch sử Đảng bộ tỉnh Kiên Giang, giai đoạn 1975-2020”.
Sáng 25-3, Thường trực Tỉnh ủy Kiên Giang tổ chức hội nghị để tiếp thu ý kiến góp ý cho bản thảo lần 3 “Lịch sử Đảng bộ tỉnh Kiên Giang, giai đoạn 1975-2020”.
Các đồng chí: Đỗ Thanh Bình - Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội đơn vị tỉnh Kiên Giang; Mai Văn Huỳnh - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Kiên Giang chủ trì hội nghị.
Dự hội nghị có các đồng chí: Nguyễn Tấn Dũng - nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Thủ tướng Chính phủ; Đại tướng Lê Hồng Anh - nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Thường trực Ban Bí thư; các đồng chí nguyên thường trực Tỉnh ủy, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, nguyên Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy Kiên Giang...
Báo cáo kết quả sưu tầm, biên soạn “Lịch sử Đảng bộ tỉnh Kiên Giang, giai đoạn 1975-2020”, đồng chí Phạm Công Khâm - nguyên Ủy viên Ban Thường vụ, nguyên Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Kiên Giang, Trưởng Ban Biên soạn cho biết sau hội nghị lần 2, thực hiện ý kiến chỉ đạo của Bí thư Tỉnh ủy, Ban Biên soạn đã tiếp thu chỉnh sửa bố cục, nội dung, biên soạn, đánh giá thành tựu 45 năm và đúc kết bài học kinh nghiệm. Về bố cục vẫn chia thành 4 chương nhưng có phân kỳ lại, chỉnh sửa tên chương, tên các tiết mục.
Trong mỗi chương, Ban Biên soạn đã cố gắng thể hiện theo tiến trình lịch sử với 3 nội dung chính: Tình hình, chủ trương của Đảng bộ và kết quả thực hiện; biên soạn lại phần kết luận, bao gồm đánh giá tổng quát những kết quả trong 45 năm, bài học kinh nghiệm, lời hiệu triệu kêu gọi toàn Đảng bộ, nhân dân nỗ lực, cống hiến, tiếp tục đưa tỉnh nhà phát triển hơn trong thời gian tiếp theo.
Đồng chí Phạm Công Khâm - nguyên Ủy viên Ban Thường vụ, nguyên Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Kiên Giang, Trưởng Ban Biên soạn báo cáo kết quả sưu tầm, biên soạn “Lịch sử Đảng bộ tỉnh Kiên Giang, giai đoạn 1975-2020”.
Về đánh giá tổng quát là những khái quát từng giai đoạn tương ứng 4 chương. Sau đó khắc họa những thành tựu và hạn chế nổi bật cùng nguyên nhân. Trong mỗi bài học kinh nghiệm đều phân tích nhiều nội dung cụ thể phản ánh tiêu đề bài học, nhất là phân tích sâu nội dung thứ 5 về xây dựng Đảng.
Các ý kiến đóng góp cho rằng bản thảo lần này cơ bản hoàn chỉnh, cô đọng, súc tích được những kết quả đạt được sau 45 năm, thể hiện rõ vai trò lãnh đạo của Đảng bộ tỉnh đối với sự phát triển của tỉnh nhà trong suốt chiều dài lịch sử.
Tại hội nghị, đồng chí Nguyễn Tấn Dũng cho rằng mục đích của bản thảo là lịch sử Đảng bộ tỉnh Kiên Giang trong lãnh đạo xây dựng, bảo vệ và phát triển tỉnh Kiên Giang giai đoạn 1975-2020. “Đã là lịch sử phải phản ánh khách quan, trung thực, đúng với thực tiễn lịch sử, có tính chất tổng kết, khái quát cao”, đồng chí Nguyễn Tấn Dũng nêu quan điểm.
Đồng chí Nguyễn Tấn Dũng cho rằng cần khái quát, tổng kết trong từng thời gian, từng lĩnh vực, phải nêu rõ bối cảnh, chủ trương của Trung ương và của Đảng bộ tỉnh, những thành tựu, hạn chế, yếu kém, bài học kinh nghiệm của Đảng bộ tỉnh. Đồng chí cho rằng ý nghĩa lớn đầu tiên của Lịch sử Đảng bộ tỉnh Kiên Giang, giai đoạn 1975-2020 phải nhìn lại 45 năm qua để đưa ra bài học kinh nghiệm để thế hệ hiện tại ứng dụng vào lãnh đạo, quản lý.
“Có mặt thành tựu, có mặt được nhưng cũng phải đưa vào bản thảo mặt chưa được và hạn chế, nguyên nhân, bài học kinh nghiệm”, nguyên Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng ý kiến. Đồng chí đánh giá bản thảo lần thứ 3 công phu, cơ bản đã đạt được những yêu cầu đề ra, sau hội nghị cần tiếp thu để hoàn thiện bản thảo đảm bảo chất lượng đề ra.
Quang cảnh tại hội nghị.
Phát biểu tại hội nghị, Bí thư Tỉnh ủy Kiên Giang Đỗ Thanh Bình cho biết xác định ý nghĩa, tầm quan trọng của công tác nghiên cứu, biên soạn, tuyên truyền, giáo dục lịch sử Đảng, thời gian qua, Ban Thường vụ Tỉnh ủy quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo các cấp ủy, tổ chức Đảng, cơ quan, đơn vị trong tỉnh thực hiện công tác nghiên cứu, biên soạn lịch sử Đảng bộ, truyền thống của ngành và đạt nhiều kết quả quan trọng, góp phần giáo dục lịch sử truyền thống cách mạng, làm rõ thêm lịch sử của Đảng bộ tỉnh.
Đối với Đảng bộ tỉnh Kiên Giang, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã thành lập Ban Chỉ đạo và Ban Biên soạn Lịch sử Đảng bộ tỉnh, giao Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy là cơ quan trực tiếp tham mưu thực hiện việc sưu tầm, nghiên cứu, biên soạn Lịch sử Đảng bộ tỉnh giai đoạn 1975-2020. Qua thời gian thực hiện, đến nay tỉnh đã qua 2 lần tổ chức hội nghị góp ý kiến vào bản thảo Lịch sử Đảng bộ tỉnh giai đoạn 1975-2020 (lần 1 vào năm 2016, lần 2 vào năm 2020).
Nhìn chung, đa số đại biểu thống nhất về bố cục và nội dung 4 giai đoạn; đánh giá cao việc tiếp thu, chỉnh sửa, bổ sung của Ban Biên soạn. Nội dung bản thảo khái quát được quá trình lãnh đạo, điều hành của Đảng bộ tỉnh qua 45 năm qua, từ năm 1975 đến năm 2020. Đặc biệt, bản thảo lần 3 có điều chỉnh, bổ sung cơ bản đầy đủ theo 6 ý kiến tại hội nghị góp ý lần 2.
Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội đơn vị tỉnh Kiên Giang Đỗ Thanh Bình phát biểu tại hội nghị
Để đảm bảo chất lượng công trình lịch sử Đảng bộ tỉnh Kiên Giang, đồng chí Đỗ Thanh Bình yêu cầu Ban Biên soạn tiếp thu sâu sắc và bổ sung, hoàn chỉnh bản thảo "Lịch sử Đảng bộ tỉnh Kiên Giang, giai đoạn 1975-2020" theo các ý kiến góp ý của các đại biểu tại hội nghị. Sau khi hoàn chỉnh bản thảo lần 3, Ban Chỉ đạo tiếp tục gửi lấy ý kiến các đồng chí.
Lịch sử Đảng bộ tỉnh Kiên Giang đã xuất bản được 2 tập (giai đoạn 1930-1954 và giai đoạn 1954-1975); đối với giai đoạn 1975-2020 đã có bản thảo và tổ chức hội nghị lần 3. Toàn tỉnh có 22/43 sở, ban, ngành, đoàn thể tỉnh đã, đang thực hiện việc nghiên cứu, biên soạn, xuất bản lịch sử của đơn vị các giai đoạn 1930-1975 và giai đoạn 1975 đến nay. 14/15 huyện, thành phố đã xuất bản được lịch sử Đảng bộ (giai đoạn 1930-1975 và giai đoạn 1975 đến nay). 44 xã/phường/thị trấn được phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân; trong đó có 34/44 đơn vị thực hiện biên soạn lịch sử Đảng bộ cấp mình.
Tin và ảnh: TÂY HỒ
(KGO) - Đúng vào kỷ niệm 8 năm ngày Nam Kỳ khởi nghĩa, ngày 23-11-1948, Tỉnh ủy Rạch Giá (nay là Kiên Giang) quyết định thành lập Trường Mác-xít tỉnh Rạch Giá. Khóa học đầu tiên được khai giảng tại chùa Phật Ninh, Rạch Ngang Trâu, ấp Ninh Định, xã Ninh Hòa, quận Phước Long (nay thuộc huyện Hồng Dân, tỉnh Bạc Liêu).
Tổng số lượt truy cập: