20/06/2023 14:30
TRUYỀN THỐNG ĐOÀN KẾT, SÁNG TẠO
Báo chí Kiên Giang nói chung trải qua nhiều giai đoạn hình thành và phát triển với nhiều tên gọi. Từ đầu năm 1947 đến ngày 30-5-1950, tờ báo có tên là Rạch Giá - Thông tin quân - dân - chánh. Từ ngày 5-9-1954 đến giữa năm 1959 là Hòa Bình Thống Nhất. Từ ngày 7-12-1960 đến ngày 6-3-1961 là Thống Nhất. Từ ngày 6-3-1961 đến trước năm 1965 là Giải Phóng. Trước năm 1965 đến đầu năm 1976 là Chiến Thắng. Từ đầu năm 1976 đến tháng 5-1976 là Rạch Giá và từ tháng 5-1976 là Kiên Giang cho đến nay.
Trong điều kiện chiến tranh gặp muôn vàn khó khăn, thiếu thốn từ lấy thông tin đến xử lý kỹ thuật, giấy, mực, phát hành… đội ngũ người làm báo đồng cam cộng khổ, chia sẻ công việc bài bản, kịp thời và không ngừng sáng tạo, đổi mới để khắc phục, vượt qua khó khăn như từ in bằng bột nếp đến chuyển sang in bằng chữ chì, dùng khói đèn trộn với sáp chải tóc để tạo ra mực in…
“Việc phát hành tờ báo lúc bấy giờ gặp nhiều khó khăn, vừa theo đường dây bí mật của giao liên bất hợp pháp, vừa nghi trang… nhưng số lượng phát hành ngày càng tăng, từ 500 tờ đến 1.500 tờ rồi 2.000 tờ/kỳ”, đồng chí Trương Thanh Nhã - nguyên Tổng Biên tập Báo Kiên Giang chia sẻ trong cuốn Báo Kiên Giang 75 năm - chặng đường vẻ vang.
Lãnh đạo Hội Nhà báo Việt Nam tỉnh Kiên Giang trao giải cho các tác giả, nhóm tác giả đoạt giải ba giải báo chí tỉnh năm 2022. Ảnh: TÚ ANH
Chia sẻ những khó khăn trong cuộc sống hàng ngày của người làm báo thời điểm đó, đồng chí Trương Thanh Nhã cho biết: “Năm 1969, 1970 là những năm chiến tranh khốc liệt chưa từng có. Địch tập trung càn quét, chia cắt cơ quan với bên ngoài, không còn một hạt gạo. Tiểu ban hết phân công người này đến người khác “đột” ra xóm nhưng không ai có thể mang gạo về được vì địch bao vây tứ phía. Anh chị em phải ăn bồn bồn, đọt choại thay cơm...”.
Nhân kỷ niệm ngày báo chí cách mạng Việt Nam năm nay nhắc lại để chúng ta thấy một phần rất nhỏ những khó khăn mà các thế hệ người làm báo Kiên Giang trải qua trong những giai đoạn lịch sử. Người làm báo của tỉnh Kiên Giang qua các thời kỳ luôn phát huy truyền thống đoàn kết, bản lĩnh, không ngừng sáng tạo, trưởng thành và phát triển dù trong điều kiện, hoàn cảnh nào cũng đáp ứng cơ bản nhu cầu thông tin, đưa tiếng nói của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh qua từng thời kỳ cách mạng nói chung đến đảng viên, cán bộ, chiến sĩ, các lực lượng cách mạng và nhân dân kịp thời, xuyên suốt... Qua nội dung tuyên truyền của người làm báo củng cố lòng tin của nhân dân vào Đảng, chế độ, cách mạng cũng như niềm tin tất thắng của sự nghiệp cách mạng của Đảng ta.
Từ tổng quan lịch sử báo chí cách mạng Việt Nam cũng cho thấy cùng thăng trầm của lịch sử, mỗi chặng đường mà báo chí cách mạng Việt Nam đi qua đều gắn với những mốc son sáng chói của lịch sử cách mạng mà trong đó người làm báo Kiên Giang góp phần không nhỏ trong sự thành công chung của dân tộc trong quá trình xây dựng, bảo vệ và phát triển quê hương, đất nước…
NGƯỜI LÀM BÁO KHÔNG NGỪNG PHÁT TRIỂN
Hiện Kiên Giang có 3 cơ quan báo chí gồm Báo Kiên Giang, Đài Phát thanh và Truyền hình Kiên Giang, Tạp chí Chiêu Anh Các, với 4 loại hình theo Luật Báo chí là báo in, phát thanh, truyền hình và báo điện tử của Báo Kiên Giang vận hành từ ngày 21-6-2022.
Toàn tỉnh Kiên Giang có 73 nhà báo, 208 hội viên sinh hoạt tại 10 chi hội cơ sở và 56 hội viên sinh hoạt tại câu lạc bộ ảnh báo chí Kiên Giang; hàng trăm người làm báo đang công tác hoặc cộng tác với 3 cơ quan báo chí, 15 đơn vị truyền thanh cấp huyện, trên 140 trạm truyền thanh cấp xã và cơ sở, 2 cổng thông tin điện tử của Tỉnh ủy và Ủy ban nhân dân tỉnh, hàng chục trang, cổng thông tin điện tử của sở, ban, ngành, đoàn thể cấp tỉnh, huyện... Trên địa bàn tỉnh hiện có 5 văn phòng đại diện và 28 phóng viên thường trú, 15 phóng viên phụ trách địa bàn đến từ cơ quan báo chí Trung ương.
Hội Nhà báo tỉnh Kiên Giang thường xuyên phối hợp chặt chẽ với Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Kiên Giang, các cơ quan báo chí tạo điều kiện cho hội viên được tham gia học tập chủ trương, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước cũng như về công tác báo chí trong tình hình mới. Các cơ quan, ban, ngành tỉnh tạo điều kiện tốt nhất để người làm báo được tự do tác nghiệp theo quy định của Luật Báo chí.
Hội Nhà báo tỉnh Kiên Giang còn tổ chức nhiều hoạt động để người làm báo hôm nay tìm hiểu, tri ân những khó khăn, hy sinh trong hoạt động tác nghiệp báo chí của các thế hệ trước; bình quân hàng năm tổ chức cho trên 500 lượt hội viên tham gia hoạt động giao lưu, hội thao, họp mặt… Qua hoạt động đó người làm báo Kiên Giang trải nghiệm, nắm tư liệu, hình ảnh, sáng tạo tác phẩm báo chí phục vụ nhiệm vụ chính trị của địa phương, đơn vị…
Phóng viên Báo Kiên Giang và các cơ quan báo chí tác nghiệp tại lễ công bố báo Kiên Giang điện tử, sáng 21-6-2022. Ảnh: AN LÂM
Người làm báo Kiên Giang hưởng ứng, tham gia và đoạt nhiều giải báo chí do tỉnh, Trung ương phát động như giải báo chí về xây dựng Đảng - Búa liềm vàng; giải báo chí về học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; giải báo chí tỉnh năm 2023 có số lượng tác phẩm tham gia tăng hơn 150% so với bình quân trong 10 năm qua... Đó là động lực tạo ra cảm hứng sáng tác, sáng tạo trong tác nghiệp của người làm báo chuẩn bị tham gia các cuộc thi do tỉnh phát động hiện nay như hưởng ứng giải báo chí toàn quốc về xây dựng Đảng lần thứ VIII; cuộc thi viết và phóng sự truyền hình về phong trào thi đua yêu nước tỉnh Kiên Giang...
Trong bối cảnh chung, hoạt động báo chí của tỉnh cũng đối mặt với nhiều khó khăn do cạnh tranh gay gắt từ các phương tiện truyền thông mới, do sự thay đổi về hành vi tiếp nhận thông tin của người dân… Tuy nhiên, với tinh thần và sứ mệnh cống hiến cao cả, với truyền thống vẻ vang của người làm báo chí cách mạng, đội ngũ người làm báo Kiên Giang bám sát chỉ đạo của tỉnh để thực hiện tốt công tác thông tin, tuyên truyền góp phần vào sự nghiệp cách mạng của Đảng, của nhân dân.
Thông qua các bài viết, thông tin nhanh nhạy, toàn diện về mọi diễn biến của đời sống xã hội; kịp thời phát hiện, thông tin gương người tốt, việc tốt, điển hình tiên tiến trong học tập và làm theo Bác, các phong trào thi đua yêu nước, những thành tựu trong xây dựng nông thôn mới… Người làm báo kịp thời đưa chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đi vào cuộc sống; tích cực phản ánh công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; phản bác luận điệu sai trái, thù địch...
Nhiều bài viết có tính phát hiện, góp sức tổng kết thực tiễn, cảnh báo nguy cơ hiện hữu, kiến nghị giải pháp thiết thực trên các lĩnh vực, góp phần định hướng dư luận, tạo sự đồng thuận xã hội, tăng cường niềm tin của nhân dân với Đảng, Nhà nước, thực hiện tốt vai trò cầu nối giữa Đảng, Nhà nước với nhân dân, góp phần thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị của địa phương.
Phóng viên báo, đài địa phương, Trung ương tác nghiệp tại Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp An Minh Bắc, huyện U Minh Thượng (Kiên Giang). Ảnh: TÂY HỒ
Hiện báo chí và người làm báo nói chung trở thành lực lượng quan trọng không thể thiếu trong đời sống tinh thần và văn hóa của xã hội; trong tham gia quản lý đất nước, quản lý xã hội. Phát huy truyền thống đoàn kết, sáng tạo của các thế hệ trước, các cơ quan báo chí, người làm báo trên địa bàn tỉnh tiếp tục thực hiện tốt vai trò quan trọng của mình trong công cuộc đổi mới và phát triển của địa phương, đất nước. “Đoàn kết, sáng tạo, phát triển” vừa là kết quả vừa là mục tiêu để người làm báo trên địa bàn tỉnh đạt được những kết quả mới nhất, tốt nhất hướng đến chào mừng đại hội Đảng các cấp và 100 năm ngày báo chí cách mạng Việt Nam (21/6/1925 - 21/6/2025).
Tiếp tục phát huy sứ mệnh của báo chí cách mạng Việt Nam, người làm báo Kiên Giang tiếp tục nâng cao bản lĩnh chính trị, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, nêu cao, lan tỏa đạo đức nghề nghiệp, xây dựng hình ảnh người làm báo Việt Nam mắt sáng, lòng trong, bút sắc. Đồng thời xác định việc xem xét lựa chọn giữa thực tiễn diễn ra và cái nên phản ánh, phản biện, nêu ý kiến, kiến nghị chính là thể hiện bản lĩnh, tinh thần trách nhiệm xã hội của người làm báo. Người làm báo kịp thời phản ánh vấn đề xã hội, kinh tế, chính trị, định hướng dư luận xã hội theo hướng làm cho xã hội trở nên tốt đẹp hơn, góp phần ổn định chính trị, phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, đất nước.
Nhận thức đầy đủ sứ mệnh, nêu cao vai trò của báo chí trong việc gìn giữ, phát huy giá trị văn hóa dân tộc, đẩy mạnh việc lan tỏa hệ giá trị Việt Nam vào đời sống xã hội, người làm báo Kiên Giang nỗ lực góp phần hoàn thành mục tiêu mà văn kiện Đại hội XIII của Đảng đã khẳng định “Xây dựng nền báo chí, truyền thông chuyên nghiệp, nhân văn và hiện đại”. Đồng thời, tiếp tục phát huy tính tư tưởng, tính chân thực, tính chiến đấu, tính quần chúng của báo chí như lời Bác Hồ dạy: “Báo chí ta không phải để cho một số ít người xem mà để phục vụ nhân dân, tuyên truyền, giải thích đường lối, chính sách của Đảng và Chính phủ cho nên phải có tính chất quần chúng và tinh thần chiến đấu”.
NGUYỄN THANH PHONG
(Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Kiên Giang)
(KGO) - Đúng vào kỷ niệm 8 năm ngày Nam Kỳ khởi nghĩa, ngày 23-11-1948, Tỉnh ủy Rạch Giá (nay là Kiên Giang) quyết định thành lập Trường Mác-xít tỉnh Rạch Giá. Khóa học đầu tiên được khai giảng tại chùa Phật Ninh, Rạch Ngang Trâu, ấp Ninh Định, xã Ninh Hòa, quận Phước Long (nay thuộc huyện Hồng Dân, tỉnh Bạc Liêu).
Tổng số lượt truy cập: