27/06/2022 09:50
Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh không chỉ trong nội bộ Đảng, hệ thống chính trị mà còn lan tỏa rộng rãi trong nhân dân tỉnh Kiên Giang. Thời gian qua, nhiều điển hình học tập và làm theo Bác tiên tiến trong cần cù lao động, sản xuất, cống hiến sức mình cho công tác an sinh xã hội, có nhiều đóng góp cho địa phương... được các cấp, ngành biểu dương, khen thưởng.
Nhớ lời Bác Hồ dạy “lá lành đùm lá rách”, anh Kiều Thiện Phú, ngụ ấp Phước Tiền, xã Thủy Liễu (huyện Gò Quao) dành công sức, tiền của giúp đỡ những hộ dân có hoàn cảnh khó khăn, mua xe cứu thương để chở người bệnh.
Anh Phú cho biết anh rất tâm đắc và thán phục trước tấm lòng nhân ái của Bác. “Bác dành cả đời mình cho đất nước, chăm lo cho nhân dân được ấm no, hạnh phúc. Học tập ở Người, tôi chỉ muốn đóng góp một chút công sức cho quê hương”, anh Phú nói.
Khoảng 5 năm nay, anh biết nhiều hoàn cảnh khó khăn ở địa phương. Hàng tháng, anh tặng từ 35-37 hộ dân có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn huyện Gò Quao 10kg gạo/hộ. “Tôi dùng gạo nào để ăn hàng ngày sẽ mua gạo đó tặng bà con. Loại gạo nào ăn ngon, tôi mới mua tặng bà con chứ không tùy tiện muốn tặng loại gạo nào cũng được, của cho không bằng cách cho mà”, anh Phú chia sẻ.
Anh Kiều Thiện Phú (bên phải) đến thăm hỏi, tặng gạo cho các gia đình mà anh nhận giúp đỡ hàng tháng.
Chị Nguyễn Thị Út Quao (sinh năm 1984), ngụ ấp Phước Tiền bị bại liệt bẩm sinh, sống với mẹ già nhiều năm nay. “Gia đình tôi nghèo khó lắm, nếu như không được anh Phú tặng gạo hàng tháng, gia đình tôi sẽ túng quẫn hơn. Mẹ tôi lớn tuổi đã mất cách đây vài tháng, giờ chỉ còn lại một mình tôi, chân không đi lại được nên càng thêm khó khăn”, chị Quao tâm sự. Cùng với số tiền trợ cấp hàng tháng cho người khuyết tật và số gạo mà anh Phú tặng, chị Quao bớt lo cái ăn mỗi ngày. “Tôi cảm ơn anh Phú không biết bao nhiêu cho đủ”, chị Quao chia sẻ.
Với anh Phú, học tập Bác là việc làm hàng ngày và “không phải có nhiều tiền thì mới giúp đỡ người khác”. Theo anh, mỗi ngày làm một việc tốt thì đó là việc học Bác ý nghĩa nhất. “Mỗi ngày tôi làm ra mười đồng thì cho đi một, hai đồng, có ít cho ít, có nhiều cho nhiều. Cha mẹ tôi dạy tôi phải làm từ thiện, học tính nhân ái như Bác. Tôi cũng dạy con tôi như thế và con tôi cũng bắt đầu làm từ thiện giống như tôi”, anh Phú chia sẻ.
Anh Kiều Thiện Phú (giữa) kiểm tra nước làm mát xe cứu thương do mình mua phục vụ nhân dân, đảm bảo sẵn sàng cấp cứu mọi người.
Năm 2021, thời điểm dịch COVID-19 bùng phát lần thứ tư, anh Phú quyết định bỏ tiền cá nhân mua một xe cứu thương. Anh kêu gọi tài xế xe dịch vụ trên địa bàn xã Thủy Liễu cùng tham gia chạy xe cấp cứu cùng với anh. Tất cả chi phí xăng, dầu, duy tu, bảo dưỡng xe... anh Phú đều đảm bảo.
"Xã có 8 người tham gia trực xe cấp cứu được anh Phú hỗ trợ mỗi người 100.000 đồng/ngày trực. Anh không nhận tiền hỗ trợ của người bệnh và kiên quyết không cho tài xế nhận tiền hay bất cứ thù lao của người bệnh và thân nhân”, đồng chí Trần Minh Quân - Đảng ủy viên, Trưởng Khối vận, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc xã Thủy Liễu cho biết.
Năm 2021, xe cứu thương của anh Phú phối hợp với các lực lượng chức năng của xã Thủy Liễu đón người dân từ TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh khác về địa phương tránh dịch. Gia đình của anh Phú hỗ trợ nước uống, bánh mì, để người dân ăn uống trên đường đi. Từ khi có xe cứu thương đến nay, các tài xế cùng anh Phú đưa đón khoảng 30 bệnh nhân mỗi tháng. “Không kể giàu hay nghèo, ai có nhu cầu đi xe cứu thương miễn phí cứ gọi chúng tôi”, anh Phú nói.
Để xe cứu thương được duy trì hoạt động tốt, anh Phú nhận một lao động làm công việc trực xe cứu thương được hưởng nguyên lương để khi ai có nhu cầu cấp cứu là có sẵn xe. “Noi gương Bác, học theo anh Phú sống nhân ái với cộng đồng, chúng tôi cùng tham gia trực và chạy xe cấp cứu. Mỗi tháng tôi trực 4 ngày. Thấy tài xế có hoàn cảnh khó khăn, anh Phú hỗ trợ mỗi người 100.000 đồng/ngày trực. Một số anh em khá hơn không nhận”, anh Trần An Bài (sinh năm 1982), ngụ xã Thủy Liễu cho biết.
Anh Phú cho biết thời điểm mua xe cứu thương vì chưa có tiền nhiều nên anh đầu tư xe cũ nhưng hiện anh đã có kế hoạch mua xe cứu thương mới. “Tôi kêu gọi cha mẹ, người thân trong gia đình được 300 triệu đồng. Thời gian tới, tôi sẽ vay thêm ngân hàng cho đủ tiền mua xe cứu thương mới phục vụ bà con”, anh Phú nói. Đối với những việc làm của mình, anh Phú bộc bạch đây là cách làm thiết thực nhất để học tập và làm theo Bác. “Học Bác tính nhân ái để bản thân ngày càng tốt hơn”, anh Phú nói.
Anh Trần Văn Nhân, ngụ ấp Đập Đá, xã Vĩnh Thuận (huyện Vĩnh Thuận) luôn tâm nguyện phải học tập và làm theo Bác Hồ về ý chí tự lực, tự cường và xây dựng quê hương ngày càng khang trang, giúp người dân địa phương ấm no, hạnh phúc.
Học tập và làm theo Bác, ý chí tự lực trong anh Nhân ngày càng thể hiện rõ khi không trông chờ, ỷ lại vào bất cứ điều gì từ Nhà nước hay người khác. Từ năm 2016 đến nay, anh thường xuyên đi trên những con đường, ngõ hẻm ở xã Vĩnh Thuận để sửa chữa đường.
“Hễ thấy đường nào có ổ gà, dốc cầu nào bị sụt, lún, tôi gom góp tiền mua cát, đá, sau đó sửa chữa, lấp ổ gà, làm dốc cầu dễ đi hơn. 2 năm 2016 và 2017, một mình tôi tự đi làm. Bị bại liệt một chân từ nhỏ nên đi lại hơi khó khăn, nhưng bằng quyết tâm của mình, tôi sửa chữa các tuyến đường có ổ gà, sửa chữa dốc cầu trở nên ngon lành”, anh Nhân tâm sự.
Ban đầu làm công việc vá đường, nhiều người dân ở xã cho rằng anh “bị bệnh thần kinh”, nhưng sau một thời gian họ thấy được tấm lòng của anh nên cùng anh làm công việc thiện nguyện trên. Từ vài ba người, đến nay có khoảng 30 người gồm cả nam lẫn nữ. Đồng chí Trần Thu Sương - Huyện ủy viên, Bí thư Đảng ủy xã Vĩnh Thuận đánh giá anh Nhân là một trong những tấm gương tiêu biểu trong học tập và làm theo Bác ở địa phương.
Anh Trần Văn Nhân (bên phải) sửa chữa dốc cầu ở xã Vĩnh Thuận, huyện Vĩnh Thuận.
“Nhiều công việc anh Nhân chủ động bàn bạc với xã để làm. Công việc của anh Nhân giúp nhiều tuyến đường của xã khang trang, sạch, đẹp. Người dân và học sinh đi lại dễ dàng hơn, không còn phải vướng ổ gà hay bị sốc khi chạy xe qua cầu”, đồng chí Trần Thu Sương cho biết.
Để thuận lợi cho công việc, anh Nhân thường xuyên mua cát, đá để sẵn ở nhà. Ai cho cát, đá, xi măng anh cũng nhận để khi tuyến đường nào xuất hiện ổ gà, dốc cầu nào bị hư hỏng, anh cùng với thành viên trong nhóm đến sửa chữa.
Khi có nhiều người cùng tham gia, anh cùng mọi người góp tiền mua cây đóng 6 cây cầu ván, góp ngày công lao động và tiền tham gia xây dựng 2 cây cầu bê tông khác ở xã. Nhiều năm qua, mặc dù làm nhiều nhưng chưa bao giờ anh thống kê đã lấp được bao nhiêu ổ gà, dốc cầu, số tiền, ngày công đã bỏ ra...
Thời gian qua, xã Vĩnh Thuận vẫn còn nhiều gia đình có hoàn cảnh khó khăn, nhà dột nát, xiêu vẹo. Để ý chí tự lực, tự cường của Bác được lan tỏa rộng rãi, từ năm 2018 đến nay, anh Nhân đã giúp người dân khó khăn ở xã xây dựng nhà, an cư để lao động, sản xuất, tự vươn lên trong cuộc sống.
“Chúng ta không thể trông chờ vào Nhà nước hỗ trợ, giúp đỡ. Nguồn lực đầu tư có giới hạn, vì vậy chính mỗi người dân cần phải tự vươn lên trong cuộc sống, xây dựng xã Vĩnh Thuận ngày càng giàu đẹp. Theo tôi, để làm được điều đó, trước tiên phải được an cư mới tính đến chuyện lạc nghiệp”, anh Nhân bày tỏ quan điểm.
Anh Nhân và thành viên trong nhóm tự đầu tư máy móc, trang thiết bị xây nhà. “Tôi và các anh em trong nhóm đều có hoàn cảnh gia đình không khá giả nên chỉ có thể góp công sức. Nhà nước hỗ trợ kinh phí xây dựng nhà đại đoàn kết, tôi và mọi người bỏ công xây dựng. Anh em tự nấu cơm mang theo ăn để làm nhà cho người dân”, anh Phạm Vũ Tuân, ngụ ấp Đập Đá cho biết.
Ban đầu chỉ có 4-5 người đi xây dựng nhà nhưng xây dựng xong nhà nào, chủ nhà đó thấy việc làm của anh Nhân có ý nghĩa nên đi theo xây dựng nhà cho người khác, hiện tại có đến vài chục người cùng tham gia. Ông Nguyễn Văn Xù, ngụ ấp Ranh Hạt, xã Vĩnh Thuận cho biết ông sống một mình, trước đây nhà ông xiêu vẹo, mưa là dột, nền nhà ngập nước vào ngày mưa.
Ông không có đất sản xuất, phải làm thuê kiếm sống qua ngày. “Khi được Nhà nước hỗ trợ kinh phí, anh Nhân và mọi người giúp ngày công xây dựng nhà đại đoàn kết. Hiện có nhà ở kiên cố, tôi chuyên tâm lao động để vươn lên trong cuộc sống”, ông Xù nói.
Anh Trần Văn Nhân (thứ 2 từ phải qua) và các thành viên đi theo anh cất nhà đến thăm hỏi gia đình ông Nguyễn Văn Xù, ngụ ấp Ranh Hạt, xã Vĩnh Thuận, huyện Vĩnh Thuận vừa được anh Nhân bỏ công cất tặng.
Từ năm 2018 đến nay, anh Nhân và thành viên trong nhóm đã hỗ trợ ngày công xây dựng 51 căn nhà cho người dân. Chi phí nhân công và ăn uống do anh Nhân và mọi người tự lo. “Chúng tôi hùn tiền túi để đưa cho chị em phụ nữ nấu ăn mang theo khi đi xây dựng nhà. Chúng tôi đi làm nhà từ 6 giờ sáng có khi đến 7-8 giờ tối mới về đến nhà. Chúng tôi cảm thấy vui và hạnh phúc khi được chia sẻ những khó khăn với mọi người và truyền cho họ ý chí tự vươn lên trong cuộc sống”, anh Nhân chia sẻ.
Đáng trân trọng hơn, nhóm của anh Nhân góp tiền xây dựng 4 căn nhà ở huyện U Minh Thượng, 1 căn nhà ở tỉnh Cà Mau và một phần căn nhà ở xã Vĩnh Phong (huyện Vĩnh Thuận), với số tiền từ 20-35 triệu đồng/căn. Các nhà đại đoàn kết còn lại, Nhà nước hỗ trợ kinh phí nhưng căn nhà nào, nhóm của anh Nhân cũng góp tiền tặng gia chủ tivi, đồ dùng gia đình từ vài trăm ngàn đến vài triệu đồng.
Mỗi tháng anh Nhân đặt ra mục tiêu cùng với nhóm xây dựng từ 4-5 căn nhà cho người dân. Riêng anh dành hơn 10 ngày để đi làm công việc thiện nguyện và truyền cảm hứng về ý chí tự lực, tự cường cho người khác. “Học tập và làm theo Bác về ý chí tự lực, tự cường mới có thể vươn lên mạnh mẽ trong cuộc sống, xây dựng gia đình ngày càng khấm khá hơn. Có như vậy chúng ta mới có thể xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp được”, anh Nhân nói.
Từ dân “tay ngang”, anh Trương Phúc Nghĩa, ngụ ấp Phước Chung, xã Mong Thọ A (huyện Châu Thành) đã tự học, tự nghiên cứu cách xây dựng cầu. Khi có đủ năng lực, kinh nghiệm, anh dùng kiến thức và kinh nghiệm của mình đi xây cầu từ thiện trong huyện.
Anh Nghĩa chia sẻ anh thường xuyên tìm hiểu về cuộc đời của Bác Hồ và rất nể phục, kính trọng Người ở tinh thần tự học, tự tìm hiểu kiến thức. “Từ nhỏ tôi đã đam mê xây dựng cầu nhưng không có điều kiện học tập, nên khi lớn lên tự học, tự mày mò, nghiên cứu cách xây dựng cầu từ sách vở, bạn bè, học hỏi kinh nghiệm của người khác và tìm hiểu kiến thức trên sách, internet. Tôi muốn học theo Bác về cách tự học và dùng chính kiến thức của mình để làm những việc ý nghĩa cho bà con trong ấp”, anh Nghĩa nói.
Đầu tiên để dùng kiến thức của mình vào việc xây dựng cầu, anh Nghĩa tham gia vào một dự án xây dựng cầu thiện nguyện do một nhóm từ thiện ở tỉnh An Giang thực hiện. Anh quan sát, học hỏi thực tế xây dựng cầu ở rất nhiều cây cầu trên địa bàn tỉnh. Anh dành thời gian đọc sách, xem thông tin trên internet để tìm hiểu kiến thức. Kiến thức nào còn thắc mắc, chưa hiểu rõ, anh tìm gặp thợ, kỹ sư để hỏi, lý giải cho bằng được mới thôi.
Khi đã chắc chắn kiến thức và kinh nghiệm có đủ khả năng đóng góp cho địa phương, anh vận động mọi người xây dựng những cây cầu nhỏ trong xã. “Mỗi cây cầu xây dựng xong, tôi tích lũy rất nhiều kinh nghiệm và kiến thức. Cây cầu sau phải luôn tốt hơn, tiết kiệm chi phí và công sức hơn so với cây cầu trước”, anh Nghĩa chia sẻ.
Mỗi buổi sáng, anh đi bán bắp để lấy tiền nuôi sống gia đình, buổi chiều anh dành thời gian đi xây dựng cầu và làm từ thiện. Từ năm 2017 đến nay, nhờ vào uy tín và sự ham học hỏi của mình, anh vận động nhà hảo tâm và người dân trong ấp xây dựng được 24 cây cầu. Cây cầu có trị giá thấp nhất 75 triệu đồng, cao nhất 350 triệu đồng. Để đảm bảo kiến thức mình học được có thể ứng dụng tốt vào thực tế, ban đầu anh chỉ vận động xây dựng cầu trên những trục đường nhỏ, đến khi có đủ tự tin, anh vận động xây dựng những cầu lớn nối đôi bờ kênh.
Ông Huỳnh Văn Sang, ngụ ấp Phước Chung tâm sự: “Lúc trước, chúng tôi cũng muốn vận động, góp phần cùng với Nhà nước xây dựng cầu, đường khang trang, giúp người dân đi lại dễ dàng hơn nhưng không có người đủ kinh nghiệm, kiến thức để vận động và đứng ra xây dựng. Nhờ chú Nghĩa chịu tìm tòi, học hỏi nên mấy năm nay chúng tôi tham gia cùng với chú ấy đi xây dựng cầu khắp nơi trên địa bàn huyện. Số tiền vận động được đều được công khai, minh bạch nên anh em rất yên tâm và tin tưởng khi xây dựng cầu cùng với chú Nghĩa”.
Anh Nghĩa (thứ hai, từ phải qua) khởi công cầu bấc qua kênh Lộ Mới, xã Giục Tượng, huyện Châu Thành.
“Đi nhiều nơi thấy hoàn cảnh của bà con nghèo, khó khăn khi lâm chung, không có chi phí mai táng, tôi nảy sinh ý định cùng với anh em lập đội mai táng miễn phí cho bà con, vận động hỗ trợ quan tài, mai táng phí, giúp bà con lo đám tang được chu đáo”, anh Nghĩa chia sẻ.
Gia đình chị Trần Thị Kim Lợi (sinh năm 1973), ngụ ấp Phước Chung thuộc diện hộ cận nghèo của ấp, chồng chị mất cách đây không lâu. Chị Lợi nói: “Chồng tôi mất để lại 2 con, hoàn cảnh gia đình hết sức khó khăn, không có đủ tiền để lo đám tang cho chồng. Cũng nhờ anh Nghĩa và đội mai táng lo mai táng phí, quan tài, giúp mua bàn thờ, lợp lại mái nhà dột, hỗ trợ gạo… gia đình tôi vượt qua thời điểm khó khăn. Tôi cảm ơn anh Nghĩa rất nhiều”.
Anh Nghĩa cho biết đội mai táng không chỉ giúp người nghèo có hoàn cảnh khó khăn mà ai có nhu cầu tìm đến anh đều được hỗ trợ, giúp đỡ. Anh Nghĩa và các anh em trong đội tổ chức khâm liệm, di quan, an táng, tặng quan tài miễn phí cho gia đình có người thân bị mất. Từ trước đến nay, anh và đội mai táng đã hỗ trợ hơn 200 gia đình có tang. Trung bình mỗi gia đình được giúp quan tài và mai táng phí khoảng 5 triệu đồng.
Anh Nghĩa cùng đội mai táng hỗ trợ, giúp đỡ an táng một người dân ở xã Mong thọ B, huyện Châu Thành.
Để các thành viên tham gia xây dựng cầu và giúp việc tang gia được an tâm, anh Nghĩa vận động mua bảo hiểm tai nạn và bảo hiểm y tế liên tục 2 năm cho các thành viên trong đội. Anh Nghĩa còn vận động gạo để tặng cho người dân có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn xã, đến nay anh vận động hơn 20 tấn gạo, riêng năm 2021 trên 10 tấn gạo tặng người dân có hoàn cảnh khó khăn. Ngoài ra, anh còn vận động nhà hảo tâm xây dựng 5 căn nhà tình thương có kinh phí hàng chục triệu đồng mỗi căn cho người dân nghèo huyện Châu Thành.
Anh Nghĩa chia sẻ: “Ngoài thời gian kiếm tiền nuôi gia đình, tôi muốn dùng những kiến thức tự học về xây dựng cầu và học theo Bác về lòng nhân ái để giúp đỡ cho người dân. Khả năng của tôi có bao nhiêu, tôi đóng góp bấy nhiêu để xây dựng quê hương ngày càng phát triển. Tôi chỉ mong có nhiều người giống như tôi cùng chung tay xây dựng địa phương ngày càng giàu, đẹp”.
2 giờ sáng, chuông điện thoại anh tài xế xe cứu thương reo lên. Ở đầu dây bên kia người phụ nữ nói: “Nhờ anh chuyển chồng tôi đi cấp cứu”. Sau khi hỏi địa chỉ, anh tài xế vội vàng ra khỏi phòng ngủ, nhanh nhẹn lên xe cứu thương đậu sẵn trước hiên nhà để làm công việc từ thiện của mình…
Tài xế ấy tên Nguyễn Văn Ngọ, ngụ ấp Kinh Làng Đông, xã Đông Thái (huyện An Biên) đã kịp thời đưa đi cấp cứu một trường hợp thập tử nhất sinh gần nhà mình ngay giữa đêm khuya. Câu chuyện xảy ra đầu tháng 5-2022 và đây không phải lần đầu tiên anh Ngọ cứu người…
5 năm nay, một nhà hảo tâm ở địa phương đã vận động kinh phí mua một xe cứu thương để chở người cấp cứu miễn phí, giao cho anh Ngọ và 2 người khác điều khiển chở người bệnh. “Ai cần chuyển bệnh cấp cứu chúng tôi đều hỗ trợ miễn phí, không kể ngày hay đêm khuya, cần là chúng tôi đi”, anh Ngọ chia sẻ. Nhiều năm nay, anh Ngọ và một số người bạn, người thân trong gia đình thành lập nên nhóm từ thiện để làm nhiều công việc giúp ích cho người dân, trong đó có việc ủng hộ xăng, dầu, chi phí duy tu, bảo dưỡng xe cấp cứu để giúp người bệnh.
Anh Nguyễn Văn Ngọ phơi thuốc để cung cấp các phòng khám, phát thuốc miễn phí cho nhân dân.
Hàng tháng, anh Ngọ và bạn bè chuyển khoảng 10 người bệnh đi cấp cứu và chuyển viện, có thời điểm mỗi ngày 2-3 ca bệnh. “Tất cả những việc tôi làm đều xuất phát từ việc học tập và làm theo Bác Hồ. Tấm lòng của Bác cao cả, mỗi người chúng ta cần học ở Bác tình yêu thương đồng bào, tấm lòng chia sẻ khó khăn với người gặp hoạn nạn”, anh Ngọ nói.
Hàng trăm người bệnh được anh Ngọ và thành viên trong nhóm giúp đỡ tận tình, đưa đến cơ sở y tế để cấp cứu, điều trị. Nhiều hoàn cảnh khó khăn không có điều kiện chở người thân tử vong từ bệnh viện về gia đình, anh và những thành viên trong nhóm cũng giúp đỡ. “Nhiều trường hợp khi chuyển cấp cứu xong, xe hư hỏng máy, chúng tôi phải ngủ dọc đường suốt đêm chờ trời sáng. Có trường hợp trên đường đi về nhà gặp tai nạn giao thông, chúng tôi quay đầu xe, kịp thời chở nạn nhân đi cấp cứu”, anh Ngọ chia sẻ.
Cách đây hơn một tháng, bà Thái Kim Tiên, ngụ ấp Minh Trung, xã An Minh Bắc (huyện U Minh Thượng) đến nhờ anh Ngọ giúp gia đình bà chở chồng đi cấp cứu. Sau khi hoàn thành công việc, anh Ngọ lái xe trở về nhà. Bệnh của chồng bà Tiên trở nặng nên 2 ngày sau tiếp tục nhờ anh Ngọ chở chồng bà từ TP. Rạch Giá về nhà lo hậu sự.
“Hoàn cảnh quá khó khăn nên tôi nhờ anh Ngọ và bạn bè trong nhóm của anh giúp đỡ. Gia đình tôi được anh Ngọ giúp đỡ tận tình, chở cấp cứu miễn phí, cho mượn tiền đóng viện phí. Khi chồng tôi mất không có tiền lo hậu sự, anh Ngọ và mọi người quyên góp được 23 triệu đồng giúp gia đình tôi lo mai táng, tặng quan tài, vật dụng khâm liệm, xây dựng mộ… Tôi rất biết ơn mọi người”, bà Tiên cho biết.
Trước khi làm công việc lái xe cứu thương miễn phí, 8 năm qua, anh Ngọ đứng ra lập trại hòm từ thiện. Để có kinh phí hoạt động, anh và thành viên trong nhóm từ thiện tự góp tiền, vật chất, đồng thời vận động nhà hảo tâm mua quan tài để hỗ trợ người dân ở địa phương khi có tang gia.
Khi có ai đến xin quan tài, anh còn hỗ trợ những vật dụng để tẩm liệm kèm theo 10-20kg gạo. Trung bình mỗi tháng trại hòm từ thiện của anh giúp 4-5 gia đình, 8 năm qua, hàng trăm quan tài từ thiện được anh giúp đỡ cho người dân trong tỉnh.
Gần 1 năm nay, anh Ngọ và các thành viên trong nhóm từ thiện đi hái các loại thuốc nam để cung cấp miễn phí cho các phòng khám, phát thuốc từ thiện ở trong và ngoài tỉnh. Anh Nguyễn Thanh Giang, ngụ ấp Minh Trung kể 2 năm nay anh tham gia vào nhóm từ thiện của anh Ngọ, cùng với anh Ngọ đi chuyển viện cấp cứu, tìm thuốc nam, phơi khô, cung cấp cho các phòng thuốc miễn phí. “Anh Ngọ thường xuyên kể chuyện về tấm lòng của Bác Hồ cho chúng tôi nghe, chính bản thân anh cũng học tập và làm theo Bác mỗi ngày, vì vậy chúng tôi cảm mến và đi làm theo anh ấy”, anh Giang cho biết.
Anh Nguyễn Văn Ngọ đang sửa chữa bộ phận ôxy trên xe cứu thương, đảm bảo xe kịp thời cấp cứu cho người dân.
Khi có thời gian rảnh, anh Ngọ và những người trong nhóm đi khắp nơi trong huyện tìm những cây thuốc nam đem về phơi khô. Hàng tháng, anh và nhóm từ thiện của mình cung cấp cho các phòng thuốc miễn phí khoảng 1 tấn thuốc khô. “Có khi chúng tôi đi hái suốt từ 5 giờ sáng đến 7-8 giờ tối mới về đến nhà. Mọi người làm việc vui vẻ, say sưa, không kể công, lấy niềm vui được giúp người làm động lực cho công việc của mình”, anh Ngọ tâm sự.
2 năm nay, anh Ngọ tổ chức shop quần áo 0 đồng với tiêu chí “ai có thì cho, ai thiếu thì nhận”. Mỗi ngày shop quần áo 0 đồng của anh có từ 4-5 người đến lấy quần áo miễn phí để sử dụng, mỗi tháng có từ 200-300 bộ quần áo được người dân nhận miễn phí. Khi dịch COVID-19 cao điểm vào năm 2021, anh tạm dừng shop quần áo 0 đồng để đảm bảo công tác phòng, chống dịch.
Ông Nhan Hiền An (sinh năm 1946), ngụ khu phố 1, phường Pháo Đài (TP. Hà Tiên) học tập và làm theo Bác Hồ với mong muốn trở thành một công dân có ích cho xã hội và vận động người khác trở thành công dân tốt như ông.
Ở khu phố 1, phường Pháo Đài, nhắc đến ông An hầu như ai cũng biết. Bởi lẽ ông là một người rất có uy tín ở khu phố, luôn là tấm gương sáng để người dân trong khu phố học tập và noi theo. Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, ông An chỉ mong muốn là một công dân tốt.
“Ai cũng là một công dân tốt thì xã hội này sẽ tốt hơn biết chừng nào. Chính Bác Hồ cũng có mong muốn như vậy, vì vậy chúng ta nên học Bác từ những điều nhỏ nhoi như thế...”, ông An nói. Ở khu phố 1, tiếng nói của ông An được mọi người lắng nghe, từ trẻ cho đến già đều rất quý mến ông.
Vì vậy, các công việc của địa phương, ban lãnh đạo khu phố 1 đều mời ông tham gia tuyên truyền, vận động người dân thực hiện các phần việc như mua bảo hiểm y tế, đóng góp kinh phí nâng cấp đường, hẻm, hòa giải trong cộng đồng, giáo dục gia đình có con em thường xuyên tụ tập đêm khuya, nhậu nhẹt, gây rối trật tự công cộng...
Ảnh trên: Ông Nhan Hiền An (bìa trái) trao đổi với cán bộ khu phố 1, phường Pháo Đài (TP. Hà Tiên) và người dân hẻm 148 đường Mạc Thiên Tích về quá trình nâng cấp hẻm.
Ảnh dưới: Người dân hẻm 148 đường Mạc Thiên Tích đi lại thuận tiện nhờ hẻm được nâng cấp
Trước đây, hẻm 148 đường Mạc Thiên Tích trên địa bàn khu phố 1 xuống cấp trầm trọng. Địa phương có chủ trương Nhà nước và nhân dân cùng làm để nâng cấp hẻm nhưng nhiều năm không thực hiện được. Ông An trực tiếp đến nhiều gia đình để tuyên truyền, vận động, thuyết phục người dân, giải thích để người dân hiểu ý nghĩa, mục đích của việc nâng cấp hẻm chính là phục vụ cho người dân trong hẻm. Chính sự vào cuộc quyết liệt của ban lãnh đạo khu phố cùng với uy tín của ông An, hẻm 148 đường Mạc Thiên Tích hoàn thành trong 10 ngày.
Chị Huỳnh Thị Ngọc Kiều - người dân sinh sống ở hẻm 148 đường Mạc Thiên Tích cho biết, điều khó khăn nhất khi khu phố và ông An đi vận động người dân là nhiều hộ gia đình khó khăn không có tiền đóng góp nâng cấp hẻm. “Bác An đã vận động những gia đình khá giả hỗ trợ những người có hoàn cảnh khó khăn đóng tiền nâng cấp hẻm.
Nhờ vào uy tín của bác An nên bác nói người dân trong khu phố nghe theo”, chị Kiều chia sẻ. Theo chị Kiều, dù tuổi đã cao nhưng khi địa phương phát động bất cứ phong trào nào, nhất là vệ sinh ngõ hẻm xanh, sạch, đẹp, ông An luôn là người thực hiện đầu tiên để người dân trong khu phố thực hiện theo.
Không chỉ riêng hẻm 148 đường Mạc Thiên Tích, nhiều hẻm khác ở khu phố cũng được ông An trực tiếp đi tuyên truyền, vận động người dân cùng làm với Nhà nước. Đồng chí Võ Thành Ngô - Bí thư Chi bộ, Trưởng khu phố 1 cho biết: “Bác An là một công dân tiêu biểu trong khu phố. Khi khu phố phát động bất cứ phong trào nào, bác ấy đều làm tốt và làm đầu tiên để mọi người noi theo. Gia đình bác sống rất mẫu mực nên khi nói và làm việc gì đều được người khác kính trọng”.
Ông An cho biết hàng ngày vào sáng sớm, ông đạp xe đạp vòng quanh khu phố. Thấy người nào vứt rác bừa bãi, gia đình nào xảy ra mâu thuẫn hoặc làm việc gì ảnh hưởng đến đời sống văn hóa, vi phạm pháp luật... là ông gặp trực tiếp nói chuyện, tuyên truyền để họ hiểu.
Cách đây không lâu, anh P - người dân ở khu phố được khu phố dành nhiều thời gian tập trung tuyên truyền, giáo dục vì thường xuyên tụ tập đêm khuya, gây rối trật tự công cộng, không chịu làm căn cước công dân, không chịu tiêm vaccine phòng COVID-19...
Ban lãnh đạo khu phố cùng với ông An nhiều lần đến nhà giải thích, tìm cách tạo việc làm cho anh P, giáo dục con anh P đến trường học tập. Không lâu sau anh P có chuyển biến tốt, chịu khó làm ăn, không còn tụ tập đêm khuya, không tham gia tệ nạn xã hội nữa. “Tôi rất biết ơn bác An vì đã tuyên truyền, giải thích cho tôi hiểu và giúp đỡ tôi trong lúc lầm đường, lạc lối”, anh P chia sẻ.
Ở khu phố 1, gia đình nào xảy ra mâu thuẫn, ông An đều có mặt hòa giải. Ngay thời điểm dịch COVID-19 diễn biến phức tạp năm 2021, ông cùng với ban lãnh đạo khu phố đến từng hộ gia đình động viên người dân không được ra khỏi nhà, khai báo y tế và chấp hành quy định về phòng, chống dịch COVID-19. Ông còn tham gia truy vết các trường hợp tiếp xúc với người mắc COVID-19, vận động người dân tiêm vaccine phòng COVID-19, nắm tình hình trong nhân dân, phát hiện người lạ không khai báo y tế...
Với uy tín của mình, ông An được nhân dân tín nhiệm bầu làm tổ trưởng tổ nhân dân tự quản 30 năm nay. “Từ khi học tập và làm theo Bác đến nay, tôi chỉ mong muốn mọi người trở thành công dân tốt”, ông An chia sẻ.
(KGO) - Đúng vào kỷ niệm 8 năm ngày Nam Kỳ khởi nghĩa, ngày 23-11-1948, Tỉnh ủy Rạch Giá (nay là Kiên Giang) quyết định thành lập Trường Mác-xít tỉnh Rạch Giá. Khóa học đầu tiên được khai giảng tại chùa Phật Ninh, Rạch Ngang Trâu, ấp Ninh Định, xã Ninh Hòa, quận Phước Long (nay thuộc huyện Hồng Dân, tỉnh Bạc Liêu).
Tổng số lượt truy cập: