20/06/2022 11:25
Lịch sử 75 năm của Báo Kiên Giang gắn liền với lịch sử đấu tranh và xây dựng của Đảng bộ tỉnh. Báo Kiên Giang thể hiện vai trò xung kích trên mặt trận văn hóa, tư tưởng, góp phần phục vụ tốt nhiệm vụ chính trị của Đảng bộ tỉnh.
Đầu năm 1947, sau khi thành lập Ty Thông tin Tuyên truyền, Tỉnh ủy quyết định xuất bản tờ báo lấy tên “Rạch Giá - Thông tin quân - dân - chánh”. Nội dung tờ báo tập trung đưa tin chiến thắng của quân dân ta trên khắp các chiến trường, đồng thời phản ánh về tình hình sản xuất, xây dựng nếp sống mới, đẩy mạnh các phong trào bình dân học vụ, văn hóa, văn nghệ...
Lúc đầu tờ báo Rạch Giá 10 ngày ra một số, mỗi số từ 50 đến 100 bản, trên một tờ giấy manh, xếp thành 4 trang, in bằng bột nếp. Tờ báo “Rạch Giá - Thông tin dân - quân - chánh” đã từng bước trưởng thành từ in bằng bột nếp đến chuyển sang in bằng chữ chì, số lượng phát hành ngày càng tăng. Trong suốt 4 năm (từ năm 1947 đến ngày 30-5-1950), tờ Rạch Giá đã phát hành đến số 89. Và đó cũng là tờ báo sau cùng của tỉnh Rạch Giá trong những năm kháng chiến chống thực dân Pháp, trước khi có chủ trương sáp nhập tỉnh Rạch Giá vào các tỉnh Cần Thơ (nay là TP. Cần Thơ), Sóc Trăng và Bạc Liêu.
Đồng chí Trương Thanh Nhã - nguyên Tổng Biên tập Báo Kiên Giang vẫn còn giữ vẹn nguyên nhiều tờ báo “Rạch Giá - Thông tin quân - dân - chánh”, “Hòa Bình Thống Nhất”, “Thống Nhất” “Giải Phóng”, “Chiến Thắng”.
Ngày 5-9-1954, Bộ Chính trị Trung ương Đảng ra nghị quyết thành lập lại tỉnh Rạch Giá và tỉnh Hà Tiên. Tỉnh ủy Rạch Giá chủ trương cho ra đời tờ báo Đảng vào dịp kỷ niệm 25 năm ngày thành lập Đảng Lao động Việt Nam (3/2/1930-3/2/1955) và quyết định lấy tên tờ báo là “Hòa Bình Thống Nhất” do đồng chí Nguyễn Văn Đức (Đức Thành Thang) phụ trách. Sự ra đời của tờ báo Hòa Bình Thống Nhất là sự nối tiếp tờ Rạch Giá - Thông tin quân - dân - chánh trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp.
Việc phát hành tờ báo lúc bấy giờ cũng gặp nhiều khó khăn, vừa theo đường dây bí mật của giao liên bất hợp pháp, vừa nghi trang, chuyển tay nhau theo các ghe, xuồng chở hàng bông của giao liên công khai, từ tỉnh đến các huyện, thị xã. Mặc dù khó khăn nhưng số lượng phát hành tờ báo ngày càng tăng, từ 500 tờ đến 1.500 tờ rồi 2.000 tờ/kỳ.
Ngày 6-5-1959, Ngô Đình Diệm ra đạo luật phát xít - Luật 10/59, đẩy mạnh chính sách “tố cộng, diệt cộng” một cách tàn bạo hơn, tuyên bố “thà giết lầm còn hơn bỏ sót”. Đứng trước tình hình khó khăn ấy, giữa năm 1959, Tỉnh ủy quyết định tạm ngừng tờ báo Hòa Bình Thống Nhất một thời gian ngắn.
Gần 2 năm tạm vắng, tờ báo của tỉnh được tiếp tục phát hành trở lại. Nhân kỷ niệm 20 năm ngày Nam kỳ khởi nghĩa, tiếp tục phát huy truyền thống báo chí của tỉnh và khí thế cách mạng trong cao trào Đồng Khởi, Tỉnh ủy chủ trương cho Ban Tuyên huấn đổi tên tờ báo của tỉnh thành Thống Nhất, bỏ bớt 2 chữ Hòa Bình. Phía trên tờ báo có dòng chữ tiêu đề “Giải phóng miền Nam, bảo vệ miền Bắc, thống nhất đất nước”. Phía dưới tên Thống Nhất là dòng chữ “Cơ quan chiến đấu của Đảng bộ tỉnh Rạch Giá". Tờ báo Thống Nhất số 1 ra ngày 7-12-1960, được đánh máy chữ trên giấy sáp, in bằng máy in hiệu Ê-vơ-rết. Tên chữ Thống Nhất được khắc bằng gỗ, màu đỏ; 8 trang, khổ giấy 30 x 45cm, số lượng in 500 bản.
Trong thời gian này dù có nhiều thuận lợi hơn trong việc biên tập và in ấn nhưng vấn đề khó khăn nhất là giấy và mực in bởi địch phong tỏa và kiểm tra gắt gao song song với việc phong tỏa lúa gạo về vùng U Minh Thượng. Với quyết tâm cao, các đồng chí không ngại hiểm nguy đến tính mạng đã xây dựng cơ sở, len lỏi qua mắt địch mua giấy in để phục vụ cho tờ báo và tờ tin tức. Các đồng chí in ấn đã có sáng kiến dùng khói đèn trộn với sáp chải tóc bri-dăng-tin tạo ra mực in tạm dùng trong lúc thiếu thốn. Một thành tích đáng kể là các đồng chí đã ngày đêm vượt qua đồn bót địch để phát hành tờ báo và tờ tin đến các cơ sở cách mạng, đến tay đồng bào trong ấp chiến lược, khu trù mật.
Ngày 6-3-1961, tại ngọn Xẻo Cạn, xã Đông Yên (An Biên), Đại hội đại biểu Ủy ban Mặt trận Dân tộc Giải phóng tỉnh Rạch Giá được thành lập và ra mắt đồng bào trong tỉnh. Với yêu cầu về tình hình và nhiệm vụ cách mạng, theo chủ trương của Ban Tuyên huấn Trung ương Cục miền Nam, tờ báo các tỉnh thống nhất lấy tên chung là “Giải Phóng” cho phù hợp với tình hình lúc bấy giờ. Do đó, tờ báo Thống Nhất được đổi tên là báo Giải Phóng - cơ quan chiến đấu của Ủy ban Mặt trận Dân tộc Giải phóng tỉnh Rạch Giá.
Nhằm tập hợp lực lượng cách mạng rộng rãi trong các tầng lớp nhân dân, về cơ cấu thành phần Mặt trận, bà Nguyễn Hồng Châu, một nhà báo đã hoạt động công khai dưới chế độ Mỹ - Diệm được bầu làm Ủy viên Ủy ban Mặt trận Dân tộc Giải phóng tỉnh Rạch Giá, làm Chủ bút tờ báo Giải Phóng trên danh nghĩa Mặt trận nhưng thực chất về nội dung, hình thức và Ban Biên tập tờ báo vẫn là Ban Biên tập tờ báo Thống Nhất.
Các đồng chí từng công tác ở Tiểu ban Thông tấn báo chí tỉnh Rạch Giá (B43, nay là Báo Kiên Giang) gặp gỡ tại buổi họp mặt kỷ niệm 60 năm ngày thành lập (1961-2021), ngày 31-1-2021.
Tờ báo Giải Phóng được ra đều đặn. Ngoài xã luận, bình luận, tin tức, mẩu chuyện còn có bút ký văn học, thơ, truyện ngắn, tranh ký họa, tranh châm biếm... được chuyển tải trên mặt báo. Tờ báo đã kịp thời phản ánh nhiều khía cạnh khác nhau của đời sống xã hội, về cuộc chiến đấu kiên cường và sự hy sinh anh dũng của quân dân ta, đồng thời cũng vạch trần tội ác dã man của Mỹ - Diệm.
Trước khí thế cách mạng ngày càng lên cao, vùng giải phóng ngày càng được mở rộng, cơ sở cách mạng ngày càng phát triển, để khẳng định niềm tin thắng lợi của cách mạng, Tỉnh ủy quyết định đổi tên tờ Giải Phóng thành báo Chiến Thắng cho phù hợp với tình hình lúc bấy giờ.
Từ những tháng cuối năm 1965 đến đầu năm 1967, tờ Chiến Thắng ra định kỳ mỗi tháng 1 số, phát hành mỗi kỳ 5.000 bản. Tờ Chiến Thắng đã thông tin về những chiến thắng lớn của quân, dân ta ở An Biên, Vĩnh Thuận, Lục Phi, Rạch Rùa, Kinh Xuôi, Cò Tuất... Tờ báo được phát hành rộng rãi đến cán bộ, chiến sĩ và nhân dân, góp phần thực hiện nhiệm vụ chính trị của Đảng bộ tỉnh.
Năm 1969, 1970 là những năm chiến tranh khốc liệt chưa từng có. Địch tập trung càn quét, chia cắt cơ quan với bên ngoài, không còn một hạt gạo. Tiểu ban hết phân công người này đến người khác “đột” ra xóm nhưng không ai có thể mang gạo về được vì địch bao vây tứ phía. Anh chị em phải ăn bồn bồn, đọt choại thay cơm.
Lãnh đạo Báo Kiên Giang chụp hình cùng với các đồng chí từng công tác ở Tiểu ban Thông tấn báo chí tỉnh Rạch Giá (B43, nay là Báo Kiên Giang) tại buổi họp mặt kỷ niệm 60 năm Ngày thành lập (1961-2021), ngày 31-1-2021.
Sau Đại thắng mùa Xuân năm 1975, tờ báo Chiến Thắng - tiếng nói của Đảng, quân, dân tỉnh Rạch Giá lần đầu tiên được phát hành công khai tại thị xã Rạch Giá. Tờ báo số 400 ra ngày 12-6-1975, 8 trang, khổ giấy 40x55cm; in tại Nhà in Chiến Thắng tỉnh Rạch Giá; giá bán 50 đồng. Trên trang nhất đóng khung, in trang trọng ảnh Bác Hồ và lời Di chúc: “Tôi chỉ có một ham muốn tột bậc là làm sao cho nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do”... Nổi bật khẩu hiệu “Nhiệt liệt chào mừng tỉnh Rạch Giá hoàn toàn giải phóng”.
Trước tình hình và nhiệm vụ mới, Tỉnh ủy thấy rằng tên tờ báo Chiến Thắng không còn thích hợp, cần thay đổi cho phù hợp với thực tế tình hình. Đầu năm 1976, tờ báo Chiến Thắng được đổi tên là “Rạch Giá” - cơ quan thông tin, nghị luận của tỉnh Rạch Giá, ra mắt bạn đọc, với khổ 30x45cm, 8 trang, in 2 màu, có lít-xê ảnh và phát hành số lượng 5.000 bản, in tại Nhà in Chiến Thắng, giá bán 6 xu/tờ (sau khi đổi tiền). Báo ra định kỳ mỗi tuần 1 số. Từ đây, tờ báo là tiếng nói công khai của Đảng bộ tỉnh, đồng thời là diễn đàn của nhân dân. Tôn chỉ, mục đích và nhiệm vụ của tờ báo là nhằm phục vụ 2 nhiệm vụ chiến lược: Xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
Trang 1 tờ báo Chiến Thắng kỷ niệm ngày thành lập Đảng 3-2-1966.
Trang 1 tờ báo Rạch Giá số ra ngày 1-1-1950.
Tháng 5-1976, Trung ương quyết định sáp nhập hai huyện Hà Tiên và Phú Quốc của Long Châu Hà vào tỉnh Rạch Giá, tỉnh Rạch Giá được đổi tên thành tỉnh Kiên Giang. Tờ báo “Rạch Giá” cũng được đổi tên thành tờ “Kiên Giang”, cơ quan của Đảng bộ Đảng Cộng sản Việt Nam tỉnh Kiên Giang. Tờ báo Kiên Giang bộ mới, số 1, ra ngày 8-5-1976, 8 trang, khổ 30x40cm, phát hành 5.000 bản, kỷ niệm ngày Quốc tế Lao động (ngày 1-5) và chào mừng 1 năm ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng.
Từ sau ngày miền Nam giải phóng đến cuối năm 1976, tờ báo Kiên Giang đã dần ổn định, đi vào nề nếp; mỗi tuần ra 1 số, 8 trang, số lượng phát hành 5.000 bản. Nội dung tuyên truyền của tờ báo luôn bám sát, phục vụ nhiệm vụ chính trị của Đảng bộ tỉnh. Tờ báo thông tin, phản ánh tình hình trong nước, trong tỉnh; tuyên truyền để khơi dậy truyền thống yêu nước, nêu cao quyền làm chủ của nhân dân, phát huy nội lực, gắn sức mạnh dân tộc với sức mạnh của thời đại, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, kiên trì mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội.
Tờ báo Kiên Giang số ra ngày 3-5-1991 và phụ trương Kiên Giang chủ nhật.
Đầu tiên có thể kể đến là tờ báo xuân Chiến Thắng hàng năm. Tờ báo xuân được chuẩn bị kỹ càng, chăm chút cả về nội dung và hình thức. Ban Biên tập dự thảo và thông qua kế hoạch, phân công chủ đề cụ thể cho mỗi phóng viên thực hiện. Sau đó, mỗi phóng viên thông qua bài viết của mình để tập thể góp ý và sửa chữa. Đó cũng chính là hình thức học tập kinh nghiệm, nâng cao nghiệp vụ. Mặc dù hình ảnh trên tờ báo còn hạn chế, bù lại những minh họa, ký họa của các họa sĩ được trình bày khắc gỗ công phu, in nhiều màu, làm tăng thêm sự hấp dẫn của tờ báo.
Đặc biệt có thể kể đến tờ báo Xuân Kỷ Dậu năm 1969. Chủ đề tuyên truyền của tờ báo nhằm phát huy thắng lợi tổng tấn công mùa Xuân Mậu Thân 1968; đồng thời, tuyên truyền sâu rộng trong nhân dân lời dạy của Bác Hồ: “Không có gì quý hơn độc lập tự do”, kết hợp giáo dục lòng yêu nước, căm thù giặc, đoàn kết toàn dân, bám đất sản xuất, sẵn sàng chiến đấu bảo vệ quê hương.
Ban Biên tập phân công từng chủ đề cho phóng viên và triển khai kế hoạch, thời gian thực hiện. Tờ báo Chiến Thắng Xuân Kỷ Dậu năm 1969 được hoàn thành đúng thời gian quy định, có 16 trang, khổ 35 x 47cm, phát hành 5.000 bản phục vụ cán bộ, chiến sĩ và nhân dân trong dịp xuân về, tết đến.
Hiện nay, dịp Tết Nguyên đán hàng năm, báo Kiên Giang phát hành đặc san Kiên Giang xuân trung bình 15.000 bản đến bạn đọc trong và ngoài tỉnh. Nội dung bám sát vào nhiệm vụ chính trị hàng năm của Đảng bộ tỉnh, đưa nhiều thông tin độc đáo, hấp dẫn đến với bạn đọc.
Nhân kỷ niệm 40 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, báo Kiên Giang xuất bản tập sách ảnh, góp phần thông tin, tuyên truyền, quảng bá thành tựu 40 năm qua của tỉnh Kiên Giang trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Với 128 trang, có trên 100 ảnh được tuyển chọn đăng trong tập sách ảnh này để giới thiệu, phản ảnh khá toàn diện sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc 40 năm qua của Đảng bộ, quân và dân Kiên Giang. Tập sách ảnh trang trọng dành phần đầu giới thiệu ảnh Chủ tịch Hồ Chí Minh - Người sáng lập và rèn luyện Đảng ta, Anh hùng giải phóng dân tộc, danh nhân văn hóa thế giới, người cha thân yêu của các lực lượng vũ trang nhân dân. Một số hình ảnh tư liệu phản ảnh cuộc chiến đấu oanh liệt của quân và dân ta trong 2 cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược.
Bìa tập sách ảnh "Kiên Giang - 40 năm xây dựng, đổi mới, hội nhập và phát triển".
Trong sự nghiệp đổi mới, báo chí nói chung, báo Kiên Giang nói riêng luôn được Tỉnh ủy quan tâm lãnh đạo, là một lực lượng xung kích trên mặt trận tư tưởng của Đảng. Báo Kiên Giang là tiếng nói của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Kiên Giang. Với tinh thần đổi mới báo chí nhằm đáp ứng nhu cầu bạn đọc, báo Kiên Giang tăng kỳ mỗi tuần 2 số, số ra ngày thứ sáu và chủ nhật. Số chủ nhật có nội dung và hình thức “thoáng” hơn, trình bày hấp dẫn và có màu sắc riêng hợp với tâm lý và nhu cầu của bạn đọc trong ngày nghỉ cuối tuần là được thư giãn, nhẹ nhàng. Báo dành nhiều diện tích cho các vấn đề văn hóa, văn nghệ, khoa học, giải trí, thể thao, vụ án, trang viết học trò. Báo in 2 màu, lúc đầu in khổ 22x29cm, sau in khổ 30x42cm, sắp chữ bằng máy vi tính (không còn sắp chữ chì). Số lượng phát hành ngày càng tăng.
Từ năm 1988 đến tháng 2-1992, báo Kiên Giang phát hành rộng rãi trong và ngoài tỉnh. Số lượng phát hành ngày càng tăng, từ 15.000 tờ/kỳ năm 1988 đến 40.000-50.000 tờ/kỳ năm 1990 và 60.000-70.000 tờ/kỳ năm 1991, có số tăng gần 80.000 tờ/kỳ.
Ngoài công tác xuất bản báo, Báo Kiên Giang còn thành lập quỹ để trao học bổng và thực hiện công tác từ thiện xã hội hưởng ứng tích cực phong trào thi đua chung tay vì người nghèo và công tác xã hội từ thiện hàng năm. Mỗi năm, Báo Kiên Giang vận động công chức, viên chức, người lao động cơ quan và các tổ chức, cá nhân ngoài cơ quan giúp đỡ gia đình có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn tỉnh, gần đây nhất năm 2019 trên 240 triệu đồng, năm 2020 trên 214 triệu đồng, năm 2021 hơn 286 triệu đồng.
Thông qua chuyên mục “Nhịp cầu nhân ái”, Báo Kiên Giang đã vận động công chức, viên chức, người lao động cơ quan và các tổ chức, cá nhân ngoài cơ quan giúp đỡ các hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn tỉnh mỗi năm hàng trăm triệu đồng. Riêng từ đầu năm 2022 đến nay báo đã vận động trên 152 triệu đồng, 1,5 tấn gạo, 1.000 thùng mì…
Ngoài ra, Báo Kiên Giang còn nhận phụng dưỡng đến cuối đời nhiều Bà mẹ Việt Nam Anh hùng ở các huyện Giồng Riềng, U Minh Thượng. Số tiền phụng dưỡng đều từ quỹ từ thiện Học tập và làm theo Bác do công chức, viên chức và người lao động cơ quan đóng góp hàng tháng.
Sau Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ VI (tháng 4-1996), Báo Kiên Giang đã có nhiều cố gắng trong việc tiếp tục cải tiến tờ báo, xây dựng chương trình hành động nhằm nâng cao chất lượng tuyên truyền, góp phần đưa nghị quyết của Đảng vào cuộc sống. Tháng 7-1999, được sự chỉ đạo của Tỉnh ủy và Bộ Văn hóa Thông tin cấp giấy phép xuất bản, Báo Kiên Giang tăng kỳ, một tuần 2 số, 8 trang, khổ 28x41cm, in 4 màu, phát hành bình quân 6.000 tờ/kỳ.
Nhân kỷ niệm 80 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam (21-6-2005), Báo Kiên Giang tổ chức trọng thể kỷ niệm 50 năm ngày thành lập Báo Kiên Giang và đón nhận Huân chương Lao động hạng III do Chủ tịch nước tặng vì đã có thành tích xuất sắc trong công tác từ năm 2000 đến 2004, góp phần vào sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc. Đây là phần thưởng cao quý, một vinh dự lớn cho cán bộ, biên tập, phóng viên, nhân viên Báo Kiên Giang.
Từ ngày 1-7-2006, được sự chỉ đạo của Tỉnh ủy, Báo Kiên Giang có sự thay đổi về nội dung và hình thức nhằm phục vụ tốt hơn nhiệm vụ chính trị của Đảng bộ tỉnh và đáp ứng nhu cầu bạn đọc, tăng trang từ 8 trang lên 12 trang. Về nội dung ngoài các chuyên trang được bạn đọc quan tâm như kinh tế, nông nghiệp - nông thôn, xây dựng Đảng, bạn đọc - pháp luật, quốc phòng - an ninh, báo Kiên Giang mở thêm các mục mới: Văn hóa - đời sống, thể thao, trang viết học trò, thế giới. Nhiều thể loại ký, phóng sự điều tra, thông tin trên báo Kiên Giang được cải tiến theo phương châm ngắn gọn, súc tích, đi vào cuộc sống đời thường. Ngày 23-2-2009, Bộ Thông tin và Truyền thông đồng ý cho Báo Kiên Giang ra 5 kỳ/tuần (trừ thứ bảy và chủ nhật).
Tờ Báo Kiên Giang ngày nay và tờ Báo Kiên Giang chủ nhật kỷ niệm 35 năm thành lập Báo Kiên Giang.
Có thể nói, qua mỗi giai đoạn lịch sử cách mạng, Báo Kiên Giang ngày càng chứng tỏ vai trò là cơ quan tuyên truyền đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Đồng thời cổ động, tổ chức tập thể, là cầu nối giữa Đảng với nhân dân, xứng đáng là đội quân xung kích trên mặt trận tư tưởng, văn hóa của Đảng. Hơn 200 cán bộ của ngành tuyên huấn tỉnh, trong đó có trên 30 cán bộ biên tập, phóng viên đã hy sinh anh dũng vì sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Báo Kiên Giang phát hành tại Lễ hội truyền thống kỷ niệm 147 năm ngày hy sinh Anh hùng dân tộc Nguyễn Trung Trực năm 2015.
Báo Kiên Giang từng bước tự đổi mới mình và có bước phát triển đáng kể cả nội dung lẫn hình thức tờ báo, chất lượng và số lượng được nâng lên. Báo phát hành đến cơ sở, các chi bộ, trường học... Đội ngũ cán bộ, biên tập, phóng viên đều vững vàng về chính trị, trung thành với Đảng, với Tổ quốc và nhân dân, kiên định với đường lối đổi mới do Đảng lãnh đạo; cố gắng hoàn thành trách nhiệm và nghĩa vụ công dân, thực hiện tốt quy định về đạo đức nghề nghiệp của nhà báo, không ngừng học tập chính trị, nâng cao kiến thức chuyên môn, nghiệp vụ. Hầu hết các phóng viên trẻ được đào tạo qua trường lớp, có trình độ đại học, ngoại ngữ, tin học; có đạo đức tốt. Nhiều cây bút đã có tác phẩm đạt giải báo chí trong tỉnh, khu vực và toàn quốc đã khẳng định uy tín, chuyên môn nghề nghiệp…
Ngày 21-6-2022, Báo Kiên Giang điện tử chính thức được ra mắt, vận hành chính thức. Đây là sự kiện đánh dấu bước ngoặt mới của đội ngũ Báo Kiên Giang. Báo Kiên Giang điện tử hướng đến trở thành kênh truyền thông đa phương tiện, hấp dẫn bởi không chỉ thể hiện bằng văn bản, hình ảnh mà cả âm thanh, video và các chương trình tương tác trực tuyến khác. Không bị giới hạn bởi số trang, không bị phụ thuộc vào khoảng cách địa lý, Báo Kiên Giang điện tử sẽ truyền tải thông tin đi khắp toàn cầu với số lượng không giới hạn.
Mong rằng sự nỗ lực không ngừng nghỉ của đội ngũ người làm báo Báo Kiên Giang sẽ góp phần đưa những thông tin nóng hổi, đúng định hướng và mang đến sự mới lạ cho độc giả trong thời gian tới, thu hút người xem, người nghe nhiều hơn, góp phần cùng Đảng bộ tỉnh tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước ngày càng lan tỏa sâu rộng hơn trong nhân dân…
* Nội dung được biên soạn trên cơ sở tư liệu của đồng chí Trương Thanh Nhã - nguyên Tổng Biên tập Báo Kiên Giang.
(KGO) - Đúng vào kỷ niệm 8 năm ngày Nam Kỳ khởi nghĩa, ngày 23-11-1948, Tỉnh ủy Rạch Giá (nay là Kiên Giang) quyết định thành lập Trường Mác-xít tỉnh Rạch Giá. Khóa học đầu tiên được khai giảng tại chùa Phật Ninh, Rạch Ngang Trâu, ấp Ninh Định, xã Ninh Hòa, quận Phước Long (nay thuộc huyện Hồng Dân, tỉnh Bạc Liêu).
Tổng số lượt truy cập: