23/03/2021 17:27
CHỦ ĐỘNG ỨNG PHÓ HẠN, MẶN
Trước những dự báo sớm về tình hình hạn hán, mặn xâm nhập ngay đầu mùa khô 2020-2021 sẽ diễn ra gay gắt tương đương đợt hạn, mặn lịch sử năm 2015-2016, Ủy ban nhân dân tỉnh Kiên Giang chủ động xây dựng kế hoạch ứng phó từ tháng 10-2020.
Chi cục Thủy lợi tỉnh vận hành có hiệu quả hệ thống cống tuyến đê biển trên địa bàn các huyện Hòn Đất, Kiên Lương, Giang Thành, TP. Rạch Giá và ven sông Cái Bé, huyện Châu Thành, vùng U Minh Thượng và dự án thủy lợi Ô Môn - Xà No để ngăn mặn giữ ngọt phục vụ sản xuất vụ đông xuân 2020-2021.
Đặc biệt, hai công trình thủy lợi cống Kênh Nhánh, cống Tà Niên được tỉnh đưa vào sử dụng sớm phục vụ ngăn mặn, giữ ngọt, đảm bảo nước sinh hoạt cho nhân dân trên địa bàn TP. Rạch Giá, huyện Châu Thành và các địa phương lân cận.
Chi cục Thủy lợi tỉnh Kiên Giang vận hành tốt hệ thống cống trên địa bàn tỉnh giúp ngăn mặn, giữ ngọt hiệu quả trong mùa khô 2020-2021.
Ban Quản lý Đầu tư và Xây dựng thủy lợi 10 thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp Chi cục Thủy lợi tỉnh vận hành tạm thời 2 cửa van và 1 âu thuyền cống Cái Bé từ đầu tháng 2-2021, giúp bảo vệ hàng ngàn hecta lúa và hoa màu của người dân Châu Thành khỏi nguy cơ ảnh hưởng hạn, mặn.
Các địa phương cũng nêu cao tinh thần chủ động ứng phó hạn, mặn, triển khai gia cố, đắp mới 206 đập ngăn mặn. Để tránh thiếu nước vào cuối vụ sản xuất, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành khung lịch thời vụ sản xuất lúa đông xuân 2020-2021 sớm, yêu cầu các địa phương thực hiện đúng lịch thời vụ, vận động nhân dân không xuống giống vụ xuân hè 2021 để tránh thiếu nước cuối vụ.
Với sự chủ động ứng phó kịp thời hạn, mặn của tỉnh và các địa phương đã mang lại hiệu quả tích cực, góp phần bảo vệ sản xuất và nước sinh hoạt ổn định cho nhân dân cho tới thời điểm này. Đến ngày 17-3, toàn tỉnh thu hoạch hơn 90.051ha lúa đông xuân, dự kiến các huyện thu hoạch dứt điểm vào cuối tháng 3.
Tại huyện An Biên, địa phương có nguy cơ lớn ảnh hưởng bởi hạn, mặn do không chủ động được nguồn nước, nhưng nhờ huyện thực hiện tốt các biện pháp ứng phó hạn, mặn, nạo vét các kênh thủy lợi, đắp 26 đập tạm ngăn mặn, vụ đông xuân 2020-2021, nông dân An Biên có vụ lúa được mùa trúng giá.
Ông Nguyễn Văn Tiền, ngụ khu phố 2, thị trấn Thứ Ba, huyện An Biên cho biết: “Nhờ địa phương chủ động đắp đập ngăn mặn sớm, triển khai sớm lịch thời vụ, do đó vụ đông xuân này tôi né nước hạn, mặn, lúa đạt năng suất cao, bán được giá”.
KHÔNG CHỦ QUAN
Theo đồng chí Lê Xuân Hiền - Giám đốc Đài Khí tượng và Thủy văn Kiên Giang, mực nước các trạm nội đồng trong tỉnh có xu thế xuống nhanh từ giữa tháng 3 đến cuối tháng 4-2021, từ tháng 5 đến tháng 8-2021 mực nước nội đồng tăng dần. Các đợt mặn xâm nhập tiếp theo trong các khoảng thời gian sau từ ngày 19 đến 27-3, 31-3 đến 7-4, 15 đến 23-4.
Khả năng độ mặn cao nhất xuất hiện vào đợt triều cuối tháng 3 hoặc đầu tháng 4-2021, độ mặn cao nhất mùa khô 2020-2021 sẽ ở mức cao hơn so thời điểm trung bình nhiều năm và tương đương mùa khô 2014-2015. Nhiều thời điểm trong tháng 3-2021, độ mặn cao hơn so mùa khô năm 2015. Có khả năng trong các đợt mặn xâm nhập nói trên, độ mặn 1g/l xâm nhập vào kênh Rạch Giá - Long Xuyên tại cửa lấy nước của nhà máy nước Rạch Giá.
Đồng chí Nguyễn Huỳnh Trung - Chánh Văn phòng Ban chỉ huy phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn và phòng thủ dân sự (gọi tắt là Ban chỉ huy) tỉnh, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi tỉnh cho biết căn cứ vào những dự báo về xu thế nguồn nước và mặn xâm nhập trong thời gian sắp tới, các địa phương không chủ quan, tiếp tục thực hiện tốt kế hoạch ứng phó hạn, mặn mùa khô 2020-2021.
Văn phòng Thường trực Ban chỉ huy tỉnh trình Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ban chỉ huy huyện Châu Thành triển khai đắp đập bằng cừ thép Larsen trên kênh Ông Hiển thuộc xã Vĩnh Hòa Phú (Châu Thành) để đảm bảo nước ngọt cho sinh hoạt của TP. Rạch Giá và các vùng phụ cận cho đến hết mùa khô năm 2021.
Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố tiếp tục theo dõi tình hình hạn, mặn để kịp thời triển khai các biện pháp ứng phó: Tuyên truyền, vận động người dân kiểm tra chất lượng nguồn nước trước khi bơm tưới, tích trữ, sử dụng nguồn nước một cách khoa học, tiết kiệm, hợp lý. Khuyến cáo người dân không nên xuống giống vụ xuân hè 2021 để đảm bảo nước tưới cho các vùng bị hạn chế nguồn nước, tránh bị thiệt hại vào cuối vụ.
Các huyện trong vùng bị ảnh hưởng mặn thường xuyên kiểm tra các cống, đập đất đã đắp nhằm phát hiện sớm các sự cố rò rỉ mặn để có biện pháp khắc phục kịp thời…
Bài và ảnh: THÙY TRANG
(KGO) - Chiều 25-11, đoàn công tác do Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang Giang Thanh Khoa làm trưởng đoàn có buổi làm việc với UBND huyện Kiên Lương về tình hình kinh tế - xã hội 10 tháng năm 2024, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trên địa bàn huyện Kiên Lương.
Tổng số lượt truy cập: