25/01/2021 18:14
Một góc phường An Thới (TP. Phú Quốc).
NHIỀU TIỀM NĂNG, LỢI THẾ
Hiện Kiên Giang quy hoạch 4 vùng du lịch trọng điểm gồm Phú Quốc; Hà Tiên - Kiên Lương và phụ cận; Rạch Giá - Hòn Đất - Kiên Hải và phụ cận; U Minh Thượng và phụ cận. Phú Quốc được quy hoạch đầu tư phát triển thành khu du lịch cao cấp của cả nước, khu vực Đông Nam Á và thế giới. Vùng Hà Tiên - Kiên Lương nổi tiếng với nhiều cảnh đẹp, hệ thống các hang động, quần đảo Hải Tặc, Bà Lụa… thu hút đông khách đến tham quan, giải trí.
Vùng Rạch Giá - Hòn Đất - Kiên Hải và phụ cận hình thành nên tam giác du lịch hấp dẫn, với điểm nhấn là công trình lấn biển tại TP. Rạch Giá, quần đảo Nam Du, Hòn Sơn (Kiên Hải), khu di tích lịch sử Hòn Đất (Hòn Đất)… Riêng Vườn quốc gia U Minh Thượng có hệ sinh thái đa dạng, với hệ động, thực vật phong phú, trong đó có nhiều loài trong Sách đỏ Việt Nam và thế giới.
Du khách tham quan di tích lịch sử quốc gia đặc biệt trại giam tù binh cộng sản Việt Nam/Phú Quốc.
Kiên Giang còn có 143 hòn đảo, với 105 hòn đảo nổi lớn, nhỏ; hệ thống đảo, quần đảo của tỉnh có tiềm năng rất lớn về phát triển các loại hình du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng và những bãi tắm đẹp cùng với rạn san hô, thảm cỏ biển, rừng nguyên sinh... Hệ thống di sản văn hóa, lịch sử, danh lam, thắng cảnh của Kiên Giang cũng góp phần định vị hình ảnh, xây dựng thương hiệu du lịch tỉnh nhà trên bản đồ du lịch quốc gia và thế giới.
Theo Sở Du lịch Kiên Giang, phát huy tiềm năng, lợi thế, thời gian qua du lịch Kiên Giang có bước phát triển khá. Cụ thể năm 2017, Kiên Giang đón trên 6 triệu lượt khách du lịch; năm 2018 đón 7,7 triệu lượt khách; năm 2019 có hơn 8,7 triệu lượt khách. Riêng năm 2020, dù dịch COVID-19 ảnh hưởng lớn đến hoạt động du lịch trên toàn thế giới và Việt Nam, tỉnh ta vẫn đạt lượng khách ước trên 5,2 triệu lượt; tổng thu từ du lịch ước đạt trên 7.867 tỷ đồng.
Đồng chí Trần Chí Dũng - Giám đốc Sở Du lịch Kiên Giang cho biết hiện tỉnh đang tập trung khai thác các loại hình dịch vụ du lịch, dịch vụ gắn với tài nguyên du lịch biển, đảo; sản phẩm du lịch (SPDL) sinh thái và du lịch cộng đồng; SPDL gắn liền với các di tích lịch sử, danh lam, thắng cảnh, các lễ hội và tín ngưỡng; SPDL MICE (hội nghị, gặp gỡ)…
HUY ĐỘNG CÁC NGUỒN LỰC
Trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Kiên Giang giai đoạn 2020-2025 và định hướng đến năm 2030, tỉnh xác định tiếp tục đẩy mạnh phát triển du lịch và dịch vụ biển, nhất là các vùng du lịch trọng điểm, du lịch biển, đảo, ven biển; tập trung xây dựng phát triển Phú Quốc thành trung tâm dịch vụ, du lịch sinh thái biển mạnh mang tầm quốc tế. Kiên Giang sẽ đa dạng hóa các sản phẩm, chuỗi sản phẩm, thương hiệu du lịch biển, kết nối các tuyến du lịch trong nước và quốc tế để Kiên Giang trở thành điểm đến hấp dẫn của khu vực và thế giới.
Du khách đến tham quan Bãi Trường (TP. Phú Quốc) - một trong những bãi biển đẹp của TP. Phú Quốc.
Theo đồng chí Trần Chí Dũng, tỉnh xác định rõ danh mục dự án kêu gọi đầu tư các dịch vụ vui chơi, giải trí, nhất là giải trí về đêm, các khu mua sắm và ẩm thực quy mô lớn ở Phú Quốc, khu vực trung tâm TP. Rạch Giá, TP. Hà Tiên, huyện Kiên Lương. Tỉnh hỗ trợ cho doanh nghiệp, cộng đồng và cá nhân làm du lịch xây dựng các SPDL gắn với làng nghề truyền thống, thủ công mỹ nghệ, vùng chuyên canh nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản công nghệ cao… nhằm đưa du lịch tỉnh nhà phát triển toàn diện, bền vững.
Theo Ủy ban nhân dân tỉnh Kiên Giang, đến nay Kiên Giang thu hút 323 dự án đầu tư vào lĩnh vực du lịch với tổng diện tích 10.448ha, tổng vốn đầu tư 355.677 tỷ đồng. Tỉnh tiếp tục đẩy mạnh kêu gọi, thu hút đầu tư, nhất là tạo môi trường đầu tư thông thoáng, thuận lợi cho doanh nghiệp...
Kiên Giang khuyến khích doanh nghiệp đầu tư hạ tầng du lịch; xây dựng cảng biển du lịch tại các địa bàn trọng điểm du lịch biển và một số sân bay nhỏ dạng “air-taxi” nhằm tăng cường kết nối các địa bàn TP. Rạch Giá - TP. Hà Tiên và Phú Quốc. Song song đó, tỉnh chú trọng đào tạo phát triển nguồn nhân lực du lịch; xã hội hóa đầu tư phát triển SPDL có sức hấp dẫn, khả năng cạnh tranh cao…
Mục tiêu đến năm 2030, tỉnh Kiên Giang thu hút 1,667 triệu lượt khách quốc tế và 22 triệu lượt khách nội địa, tăng bình quân 10%/năm; doanh thu đạt 4.900 triệu đô la Mỹ, tăng bình quân 18,4%/năm, đóng góp trên 17,5% GRDP của tỉnh.
Bài và ảnh: TRUNG HIẾU
(KGO) - Chiều 25-11, đoàn công tác do Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang Giang Thanh Khoa làm trưởng đoàn có buổi làm việc với UBND huyện Kiên Lương về tình hình kinh tế - xã hội 10 tháng năm 2024, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trên địa bàn huyện Kiên Lương.
Tổng số lượt truy cập: