19/08/2023 08:24
Những năm 1942-1945 là giai đoạn đẩy mạnh xây dựng lực lượng để khởi nghĩa giành chính quyền khi thời cơ đến. Liên Tỉnh ủy Hậu Giang chỉ đạo phổ biến các tài liệu của Trung ương đến các chi bộ trong hai tỉnh Rạch Giá và Hà Tiên, tổ chức cho cán bộ, đảng viên học tập về tình hình, nhiệm vụ mới, chấn chỉnh và mở rộng hoạt động của các tổ chức Đảng, tổ chức quần chúng cách mạng.
Các chi bộ, cơ sở Đảng được phát triển, thành lập thêm chi bộ ghép Vĩnh Viễn (quận Long Mỹ), Vĩnh Hòa Hưng (quận Gò Quao) và các chi bộ ở tỉnh Hà Tiên, khu vực Rạch Vượt, thuộc làng Thuận Yên và ở Cờ Trắng (dọc theo kênh Rạch Giá - Hà Tiên)...
Cán bộ của Liên Tỉnh ủy tiếp tục được tăng cường cho Hà Tiên, thành lập Quận ủy lâm thời Châu Thành (Hà Tiên). Hệ thống tổ chức cơ sở Đảng ở Hà Tiên, Rạch Giá từng bước được củng cố. Các quận Hòn Chông, Giang Thành và Phú Quốc tuy chưa tổ chức được chi bộ đảng, nhưng cũng có nhiều cơ sở quần chúng tốt.
Các chi bộ đảng hoạt động tích cực, phong trào đấu tranh của nhân dân trong tỉnh phát triển mạnh. Nổi bật nhất là phong trào công nhân ở tỉnh lỵ Rạch Giá, đấu tranh đòi tăng lương, giảm giờ làm... giành được thắng lợi. Ở quận Long Mỹ, chi bộ đảng lãnh đạo nông dân chống sưu cao, thuế nặng, chống lại cường hào gian ác.
Ngày 9-3-1945, Nhật đảo chính Pháp trên toàn cõi Đông Dương, Trung ương Đảng ra chỉ thị: “Nhật, Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta”. Ở tỉnh Rạch Giá, lực lượng quân Nhật chỉ có khoảng một tiểu đội canh giữ kho gạo, nhưng khi Nhật nổ súng làm cuộc đảo chính thì quân Pháp ở đây hoảng sợ, bỏ trốn.
Sau khi thiết lập bộ máy cai trị mới, phát xít Nhật ra sức đàn áp, bóc lột nhân dân. Chúng dùng lúa, gạo thay nhiên liệu, trong khi đó người dân thiếu đói hàng ngày, áo quần không đủ mặc. Thực tế đau xót đó làm cho nhân dân Rạch Giá và Hà Tiên thấy rõ bộ mặt thật tàn ác của phát xít Nhật.
Duyệt đội quân danh dự trong lễ kỷ niệm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2-9-1948 ở vùng giải phóng tỉnh Rạch Giá (Kiên Giang). Ảnh tư liệu.
Tháng 5-1945, Liên Tỉnh ủy Hậu Giang tổ chức hội nghị ở Cái Muồng (Cần Thơ) quán triệt các chủ trương của Trung ương cũng như của Xứ ủy Nam Kỳ, thống nhất nhận định: “Trước sau Đức, Nhật cũng đến hồi thua trận”. Liên Tỉnh ủy củng cố Tỉnh ủy lâm thời Rạch Giá gồm 5 thành viên, do đồng chí Nguyễn Văn Tiễn làm bí thư và phân công tỉnh ủy viên phụ trách các quận, đưa cán bộ về các làng để củng cố lực lượng, phát động nhân dân chuẩn bị khởi nghĩa giành chính quyền.
Khắp nơi trong tỉnh Rạch Giá việc chuẩn bị khởi nghĩa diễn ra sôi nổi. Các đội tự vệ được thành lập và tổ chức luyện tập thường xuyên. Công tác xây dựng các đoàn thể quần chúng cách mạng và Mặt trận Việt Minh được chú trọng.
Tháng 7-1945, Mặt trận Việt Minh tỉnh Rạch Giá thành lập. Ở Hà Tiên, không khí chuẩn bị khởi nghĩa cũng rất sôi nổi. Các tổ chức Đảng ở hai tỉnh Rạch Giá và Hà Tiên tập trung xây dựng và phát triển lực lượng thanh niên cứu quốc, thanh niên tiền phong để chuẩn bị tổng khởi nghĩa.
Tháng 8-1945, sau khi chiến thắng phát xít Đức, Liên Xô tuyên chiến với phát xít Nhật và tiêu diệt được đội quân tinh nhuệ nhất của Nhật, buộc Nhật đầu hàng vô điều kiện. Ngày 13-8-1945, hội nghị toàn quốc của Đảng họp tại Tân Trào, quyết định phát động toàn dân khởi nghĩa giành chính quyền.
Nhận được lệnh tổng khởi nghĩa của Liên Tỉnh ủy Hậu Giang. Tỉnh ủy lâm thời Rạch Giá họp, thành lập Ủy ban khởi nghĩa; phân công cán bộ chịu trách nhiệm từng mặt công tác và địa bàn cụ thể, đi trực tiếp vào phong trào. Đêm 25-8-1945, Tỉnh ủy lâm thời Rạch Giá họp, quyết định phát động toàn dân nổi dậy giành chính quyền trong toàn tỉnh.
Sáng 27-8-1945, dưới sự chỉ đạo của Ủy ban khởi nghĩa, các tổ chức, đoàn thể lãnh đạo đông đảo quần chúng vũ trang cách mạng với tầm vông vạt nhọn, giáo, mác, gậy gộc... cùng với băng cờ, khẩu hiệu, từ các làng ở quận Châu Thành, An Biên, Giồng Riềng, Gò Quao... rầm rập kéo về tỉnh lỵ Rạch Giá. Trước sự áp đảo của quần chúng nhân dân, tên tỉnh trưởng Trịnh Tấn Truyện phải đầu hàng vô điều kiện, chính quyền về tay nhân dân.
Trưa cùng ngày, tại sân vận động Rạch Giá, trước gần 60.000 quần chúng có mặt trong buổi mít tinh, Ủy ban khởi nghĩa tỉnh Rạch Giá long trọng tuyên bố chính quyền của phát xít Nhật và tay sai bị lật đổ. Ủy ban nhân dân cách mạng tỉnh Rạch Giá do dược sĩ Trần Văn Luân làm chủ tịch lâm thời ra mắt nhân dân.
Ở Hà Tiên, sáng 28-8-1945, dưới sự lãnh đạo của Quận ủy Châu Thành, nhân dân được vũ trang bằng giáo, mác, gậy gộc, tầm vông vạt nhọn... từ Hòn Chông, Ba Hòn, Dương Hòa, Thuận Yên... kéo về thị xã Hà Tiên phối hợp với lực lượng tại chỗ giành chính quyền thắng lợi. Trước 3.500 quần chúng, Ủy ban nhân cách mạng tỉnh Hà Tiên do nhà giáo Nguyễn Ngọc Lầu làm chủ tịch lâm thời ra mắt nhân dân.
Cuộc tổng khởi nghĩa Cách mạng Tháng Tám năm 1945 ở hai tỉnh Rạch Giá và Hà Tiên cùng với cả nước đã giành được thắng lợi hoàn toàn, đập tan xiềng xích nô lệ của thực dân Pháp và phát xít Nhật, chấm dứt hơn 80 năm cai trị của chúng và lật đổ ách thống trị của chế độ phong kiến tồn tại hàng ngàn năm trên đất nước Việt Nam.
Thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám năm 1945 đã mở ra bước ngoặt lớn của cách mạng, đưa dân tộc Việt Nam bước sang kỷ nguyên mới - kỷ nguyên độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội; nhân dân ta từ thân phận nô lệ, mất nước trở thành người làm chủ đất nước, làm chủ vận mệnh của dân tộc mình.
NGUYỄN HOA
(KGO) - Khoảng 6 giờ 30 phút ngày 22-11, một người dân sống tại đường Mạc Cửu, khu phố Nguyễn Thái Bình, phường Vĩnh Quang, TP. Rạch Giá (Kiên Giang) phát hiện một thi thể nam giới nổi trên mặt nước tại khu vực kênh gần nhà nên báo cơ quan chức năng.
Tổng số lượt truy cập: