07/10/2020 14:30
Theo Đài Khí tượng Thủy văn Kiên Giang, tổng lượng dòng chảy những tháng mùa khô 2020-2021 từ thượng nguồn sông Mê Kông về đồng bằng sông Cửu Long ở mức thiếu hụt từ 20-35% so trung bình nhiều năm, tỉnh ta sẽ tiếp tục đối mặt với tình hình hạn hán, xâm nhập mặn diễn ra gay gắt, đe dọa sản xuất vụ mùa, đông xuân 2020-2021 và nước sinh hoạt của nhân dân.
Vùng có khả năng chịu ảnh hưởng của hạn hán, xâm nhập mặn, thiếu nước sản xuất, nước sinh hoạt cụ thể: Đối với sản xuất nông nghiệp bao gồm vùng ven biển từ TP. Rạch Giá đến TP. Hà Tiên, vùng ven sông Cái Lớn, sông Cái Bé, các huyện vùng U Minh Thượng; đối với nước sinh hoạt gồm trung tâm TP. Rạch Giá, TP. Hà Tiên, trung tâm các huyện, các khu dân cư trong tỉnh và vùng hải đảo; đối với diện tích đất rừng gồm Vườn quốc gia Phú Quốc, Vườn quốc gia U Minh Thượng.
Đồng chí Đỗ Thanh Bình (đứng) - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Kiên Giang chủ trì hội nghị trực tuyến chủ động ứng phó với nguy cơ hạn hán, xâm nhập mặn mùa khô 2020-2021 trên địa bàn tỉnh.
Để ứng phó kịp thời với nguy cơ hạn hán, xâm nhập mặn mùa khô 2020-2021, Ủy ban nhân dân tỉnh triển khai các giải pháp công trình để đảm bảo nước sinh hoạt vùng nông thôn, trung tâm các huyện, thành phố, xã, phường, thị trấn trong tỉnh. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ đạo Chi cục Thủy lợi tỉnh vận hành hệ thống cống trên địa bàn TP. Rạch Giá, ven sông Cái Bé thuộc huyện Châu Thành; Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình Nông nghiệp và Phát triển nông thôn vận hành cửa van cống Kênh Nhánh để giữ ngọt, ngăn mặn xâm nhập sâu vào kênh Rạch Giá - Long Xuyên, đảm bảo có đủ nước ngọt cung cấp cho hồ Tà Tây (TP. Rạch Giá); đẩy nhanh tiến độ thi công, hoàn thành lắp đặt, kịp thời vận hành cửa van cống rạch Tà Niên trong tháng 1-2021.
Chi cục Thủy lợi tỉnh vận hành cống Ba Hòn, kết hợp đập ngăn mặn trên kênh Rạch Giá - Hà Tiên đảm bảo cung cấp nước ngọt cho nhà máy nước Kiên Lương; vận hành cống Hà Giang để ngăn mặn, đảm bảo nguồn nước cấp cho nhà máy nước Hà Tiên; chủ động tích nước an toàn vào các hồ chứa Dương Đông (Phú Quốc), Bãi Nhà (Kiên Hải) để cấp nước sinh hoạt cho nhân dân các huyện đảo. Có kế hoạch đảm bảo nước sinh hoạt vùng nông thôn, kể cả đất liền và hải đảo.
Các địa phương trong tỉnh tập trung rà soát, xác định các khu vực có nguy cơ thiếu nước, xâm nhập mặn để chủ động ứng phó, thực hiện nạo vét kênh, mương để tăng cường khả năng trữ nước ngọt, sử dụng trong mùa khô. Triển khai gia cố, đắp mới các đập ngăn mặn theo thời vụ để tăng cường bảo vệ lúa đông xuân 2020-2021, tiếp tục phòng, chống hạn, mặn cho vụ hè thu 2021.
Bên cạnh các giải pháp công trình, các địa phương cần tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn người dân, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất hiểu, chủ động triển khai các biện pháp phòng, chống hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xây dựng kế hoạch và điều chỉnh lịch thời vụ lúa đông xuân 2020-2021 sớm hơn, sử dụng giống lúa ngắn ngày để đảm bảo an toàn cho sản xuất, giảm áp lực thiếu nước trong giai đoạn từ giữa đến cuối vụ sản xuất khi xảy ra hạn, mặn kéo dài, gay gắt.
Các địa phương phối hợp ngành nông nghiệp hướng dẫn nông dân các biện pháp tưới tiên tiến, tiết kiệm nước, phòng trừ dịch hại trong điều kiện hạn chế nước tưới; khuyến cáo nông dân kiểm tra chất lượng nước trước khi bơm tưới. Trường hợp nước đầu nguồn đổ về đồng bằng thấp trong thời gian dài, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh An Giang thống nhất lịch thực hiện lấy nước luân phiên trong vùng tứ giác Long Xuyên để đảm bảo nguồn nước tưới tiêu bảo vệ sản xuất.
Phát biểu kết luận hội nghị, đồng chí Đỗ Thanh Bình cho biết dự kiến đến tháng 1-2021 sẽ vận hành cống Cái Bé, sang năm 2022 sẽ vận hành cống Cái Lớn, do đó huyện Gò Quao chủ động triển khai thực hiện các giải pháp ứng phó hạn, mặn theo kịch bản đã chuẩn bị. Đối với huyện An Minh, đề nghị Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp huyện khẩn trương khảo sát, đánh giá lại diện tích gieo sạ vụ mùa trên nền đất tôm, có biện pháp tháo gỡ khó khăn trong việc gieo sạ vụ mùa 2020.
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ đạo các đơn vị thi công đẩy nhanh tiến độ thực hiện giải pháp công trình; phối hợp huyện An Minh khảo sát lại các hộ thiếu nước trong mùa khô; Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì phối hợp các sở, ngành liên quan đề xuất phương án đầu tư hồ chứa nước ngọt cho cả vùng U Minh Thượng.
Trên cơ sở nắm tình hình, dự báo ảnh hưởng của hạn, mặn đối với sản xuất và dân sinh trên địa bàn huyện Kiên Lương, đề nghị huyện chủ động thực hiện các giải pháp ứng phó, giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn làm việc với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh An Giang thống nhất lịch sản xuất vụ đông xuân 2020-2021; đề nghị Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề xuất kế hoạch chuyển đổi sản xuất thích ứng với biến đổi khí hậu đối với các huyện Kiên Lương, Giang Thành, Hòn Đất, sớm triển khai cho nông dân các mô hình sản xuất hiệu quả nhất.
Để thực hiện tốt nhiệm vụ, kế hoạch ứng phó nguy cơ hạn hán, xâm nhập mặn, đồng chí Đỗ Thanh Bình đề nghị xác định đây là nhiệm vụ chính trị quan trọng của các ngành và địa phương, cả hệ thống chính trị phải vào cuộc. Đồng chí Đỗ Thanh Bình đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc, các hội, đoàn thể cùng vào cuộc tuyên truyền, vận động người dân tích cực chấp hành các chủ trương của Trung ương, tỉnh.
Đồng chí Đỗ Thanh Bình đề nghị Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chú ý điều chỉnh lịch thời vụ sản xuất, lịch đắp đập, vận hành các cống ngăn mặn phù hợp các kiến nghị của các địa phương. Ủy ban nhân dân huyện, thành phố hoàn thành kế hoạch ứng phó hạn, mặn trên cơ sở kế hoạch tỉnh, có khó khăn kiến nghị tỉnh giải quyết ngay. Sở Tài chính bố trí vốn đảm bảo chủ động thực hiện các giải pháp công trình…
Tin và ảnh: THÙY TRANG
Từ khóa: xâm nhập mặn
(KGO) - Đúng vào kỷ niệm 8 năm ngày Nam Kỳ khởi nghĩa, ngày 23-11-1948, Tỉnh ủy Rạch Giá (nay là Kiên Giang) quyết định thành lập Trường Mác-xít tỉnh Rạch Giá. Khóa học đầu tiên được khai giảng tại chùa Phật Ninh, Rạch Ngang Trâu, ấp Ninh Định, xã Ninh Hòa, quận Phước Long (nay thuộc huyện Hồng Dân, tỉnh Bạc Liêu).
Tổng số lượt truy cập: