Dự án “Kết hợp bảo vệ vùng ven biển và phục hồi đai rừng ngập mặn tại tỉnh Kiên Giang và Cà Mau” thời gian thực hiện từ năm 2019 đến 2022, với tổng vốn 24 triệu Euro (tương đương hơn 600 tỷ đồng); trong đó, vốn vay ưu đãi của Chính phủ Đức thông qua Ngân hàng Tái thiết Đức (KFW) 18 triệu Euro và vốn đối ứng của Chính phủ Việt Nam 6 triệu Euro, riêng phân bổ cho Kiên Giang 9,3 triệu Euro (tương đương 230 tỷ đồng). Nội dung thực hiện dự án gồm các hợp phần: Trồng rừng, khôi phục rừng ngập mặn ven biển các huyện An Biên, An Minh; nâng cấp đê biển từ kênh Tuần Thống đến kênh Bốn của huyện Hòn Đất và phát triển sinh kế dưới tán rừng. Đây là dự án đầu tiên trong khu vực sẽ áp dụng các giải pháp công trình và phi công trình nhằm đạt được các mục tiêu phòng, chống thiên tai, chống sạt lở, phục hồi và phát triển rừng ngập mặn, bảo vệ vùng ven biển, cải thiện mức sống của người dân vùng ven biển. Dự án sẽ góp phần thực hiện Nghị quyết số 120/NQ-CP của Chính phủ về phát triển bền vững đồng bằng sông Cửu Long thích ứng với biến đổi khí hậu.
Phát biểu tại hội nghị, đồng chí Lê Thị Minh Phụng nhấn mạnh: Kiên Giang là tỉnh ven biển Tây, có bờ biển dài trên 200km, là một trong những nơi chịu tác động trực tiếp của gió và sóng biển, nên hàng năm tỉnh xảy ra hiện tượng sạt lở bờ biển rất lớn như năm 2019 sạt lở nghiêm trọng 86km bờ biển; đầu năm 2020 đến nay có 14 vị trí sạt lở với tổng chiều dài trên 92km, chiếm 46% chiều dài bờ biển. Trước tác động của biến đổi khí hậu, nước biển dâng đã, đang và sẽ gây ra những hệ lụy nghiêm trọng như hàng ngàn người dân bị mất nhà, tình trạng mặn xâm nhập ở khu vực ven biển làm thu hẹp diện tích đất nông nghiệp, nhiệt độ tăng cao, hạn hán nghiêm trọng làm ảnh hưởng đến sự phân bố của cây trồng, nhất là làm giảm năng suất sản xuất nông nghiệp. Do đó, việc đầu tư thực hiện dự án hết sức cần thiết, là giải pháp toàn diện và có hiệu quả nhằm bảo vệ vùng ven biển, giảm thiểu tác động tiêu cực làm sạt lở bờ biển và các tác động do biến đổi khí hậu, bảo vệ vùng ven biển hiệu quả và bền vững cho các khu vực vùng dự án, xây dựng, củng cố đê biển hiện tại thành đê biển cấp 2 để ngăn mặn, nước biển dâng, phòng, chống, giảm nhẹ thiên tai, giảm cường độ sóng biển, để tạo ra các bãi bồi phục vụ trồng rừng nhằm nâng cao hiệu quả của hệ thống rừng phòng hộ ven biển và tăng cường giá trị đa dạng sinh học. Nâng cao năng lực, hiệu quả quản lý, sử dụng và bảo vệ rừng cho đội ngũ quản lý ở từng địa phương. Nâng cao nhận thức, trách nhiệm của người dân vùng ven biển đối với công tác bảo vệ và phát triển rừng trong bối cảnh biến đổi khí hậu hiện nay. Đảm bảo cuộc sống an toàn, cải thiện mức sống của người dân vùng ven biển thông qua cải thiện cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất và các mô hình sinh kế bền vững.
Dự án sau khi hoàn thành góp phần bảo vệ đê biển, giảm nhẹ thiên tai, bảo vệ đồng ruộng khoảng 298.500ha nuôi trồng thủy sản và 55.900ha đất trồng lúa tại 2 tỉnh Kiên Giang và Cà Mau, ứng phó với biến đổi khí hậu, nước biển dâng, khoảng 2.800ha diện tích rừng ngập mặn được phát triển và bảo vệ, khoảng 18.000 người dân của 6 huyện trên 14 xã được hưởng lợi, cùng 19km đê biển và kè chắn sóng được nâng cấp và cải tạo.
BÍCH LIÊN