30/06/2023 16:53
Đại diện Công ty Invincix Solutions (Ấn Độ) và Trường Đại học Kiên Giang ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác lĩnh vực giáo dục và đào tạo.
Sáng 30-6, UBND tỉnh Kiên Giang phối hợp Tổng Lãnh sự quán Ấn Độ tại TP. Hồ Chí Minh tổ chức hội nghị quốc tế xúc tiến thương mại - du lịch - đầu tư giữa Ấn Độ và tỉnh Kiên Giang năm 2023. Sự kiện thu hút hơn 100 doanh nhân Ấn Độ và khoảng 50 doanh nghiệp Kiên Giang tham dự.
Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang Nguyễn Thanh Nhàn, thời gian qua Kiên Giang đón tiếp và làm việc với 12 đoàn công tác của Đại Sứ quán, Tổng Lãnh sự quán Ấn Độ đến chào xã giao lãnh đạo tỉnh; tham dự họp mặt, hội nghị để tìm hiểu cơ hội hợp tác kinh tế, thương mại, du lịch, đầu tư, thúc đẩy giao lưu văn hóa, đối ngoại.
Kiên Giang cũng có 1 đoàn công tác do Chủ tịch UBND tỉnh làm trưởng đoàn đi xúc tiến thương mại và du lịch tại Ấn Độ, để quảng bá, xúc tiến du lịch cho đảo Phú Quốc và tìm kiếm nguồn nguyên liệu chế biến thủy sản của tỉnh.
Công ty Công nghệ Du lịch WebCRS và Hội đồng Kinh doanh quốc tế Dhronacharya (Ấn Độ) và Hiệp hội Du lịch tỉnh Kiên Giang ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác lĩnh vực du lịch.
Tỉnh Kiên Giang đã tiếp nhận 3 khoản viện trợ từ Ấn Độ với trị giá 102.800 USD. Năm 2022, Kiên Giang đón 12.744 lượt khách du lịch Ấn Độ đến Phú Quốc, xếp thứ 5 về khách du lịch quốc tế đến Kiên Giang. Ấn Độ là thị trường xuất khẩu giày da của tỉnh Kiên Giang với kim ngạch 2,41 triệu USD (tăng 48,7% so cùng kỳ); Kiên Giang nhập khẩu mực đông từ Ấn Độ với kim ngạch 1,99 triệu USD (tăng 100,9% so cùng kỳ).
Kiên Giang có 20 khu, cụm công nghiệp; 54 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) từ 19 quốc gia và vùng lãnh thổ với tổng vốn đăng ký đầu tư hơn 2,76 tỷ USD nhưng chưa có dự án đầu tư từ Ấn Độ. Kiên Giang có 17 sản phẩm chủ lực và 176 sản phẩm OCOP, trong đó có 6 sản phẩm 5 sao. Các mặt hàng xuất khẩu chủ lực như gạo, thủy sản, giày da… xuất khẩu qua khoảng 50 thị trường quốc gia và vùng lãnh thổ (vào cuối năm 2022)…
Doanh nhân Ấn Độ tìm hiểu thông tin du lịch Kiên Giang bên lề hội nghị.
Với kết cấu hạ tầng thuận lợi trong giao thông đường bộ, đường thủy, đường hàng không, cảng biển…; tỷ lệ dân số trong độ tuổi lao động được học nghề là 67% và tỷ lệ hoàn thành chương trình đạo tạo nghề trên 50%; cùng 1 trường đại học và 4 trường cao đẳng, Kiên Giang có thể đáp ứng khá tốt nhu cầu về nguồn lao động cho các dự án đầu tư.
Tại hội nghị, lãnh đạo tỉnh Kiên Giang kêu gọi các doanh nghiệp Ấn Độ đầu tư vào 5 lĩnh vực trụ cột: Công nghệ cao; năng lượng tái tạo, năng lượng sạch; du lịch; thương mại dịch vụ, giáo dục đào tạo, y tế chất lượng cao; kinh tế biển.
“Kiên Giang luôn đồng hành và tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất cho nhà đầu tư, nhất quán trong thực thi chính sách, đảm bảo hạ tầng, cung cấp nguồn nhân lực, dịch vụ thiết yếu và tăng cường đối thoại giữa chính quyền với doanh nghiệp, nhà đầu tư để cùng đi đến thắng lợi”, Phó Chủ tịch UBND Nguyễn Thanh Nhàn khẳng định.
Doanh nhân Ấn Độ tìm hiểu sản phẩm OCOP Kiên Giang.
Ông Madan Mohan Sethi - Tổng ãnh sự quán Ấn Độ ở TP. Hồ Chí Minh cho rằng, các thành phố Mumbai, Bangolare, Delhi, Kolkata, Chennai, Pune (Ấn Độ) sẽ là thị trường nhộn nhịp để Việt Nam đầu tư phát triển nhiều lĩnh vực. Qua cuộc gặp này, ông Madan Mohan Sethi mong các doanh nghiệp của hai nước trao đổi và tìm hiểu, liên kết hợp tác kinh doanh phát triển song phương hai nước.
Ông Kamal Kathiat - Giám đốc Công ty Indian Railway Catering and Tourism Corporation cho biết: “Kiên Giang có lợi biển, đảo đẹp nhất là Phú Quốc được đầu tư các khu nghỉ dưỡng cao cấp phục vụ tốt cho khách du lịch. Chúng tôi đến đây đều mong muốn hợp tác phát triển du lịch và hơn nữa là mối quan hệ kinh doanh giữa các doanh nhân hai nước”.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang Nguyễn Thanh Nhàn (bên phải) tặng quà lưu niệm ông Madan Mohan Sethi - Tổng Lãnh sự quán Ấn Độ ở TP Hồ Chí Minh.
Dịp này, đoàn doanh nhân Ấn Độ và các hiệp hội, doanh nghiệp Kiên Giang ký kết 4 biên bản ghi nhớ về việc hợp tác, phát triển các lĩnh vực: Giày da, du lịch, giáo dục và thủy sản.
Chiều cùng ngày, đoàn doanh nhân Ấn Độ tham quan thực tế tại một số công trình, dự án, khu công nghiệp và khu đô thị trên địa bàn tỉnh Kiên Giang.
Tin và ảnh: TRUNG HIẾU
(KGO) - Đúng vào kỷ niệm 8 năm ngày Nam Kỳ khởi nghĩa, ngày 23-11-1948, Tỉnh ủy Rạch Giá (nay là Kiên Giang) quyết định thành lập Trường Mác-xít tỉnh Rạch Giá. Khóa học đầu tiên được khai giảng tại chùa Phật Ninh, Rạch Ngang Trâu, ấp Ninh Định, xã Ninh Hòa, quận Phước Long (nay thuộc huyện Hồng Dân, tỉnh Bạc Liêu).
Tổng số lượt truy cập: