31/01/2021 13:44
TẠO THUẬN LỢI PHÁT TRIỂN DU LỊCH
Tháng 12-2019, TP. Hồ Chí Minh và 13 tỉnh, thành bằng sông Cửu Long ký kết thỏa thuận liên kết hợp tác phát triển du lịch giai đoạn 2020-2025. Mục tiêu nhằm phát huy thế mạnh cạnh tranh của từng địa phương trong việc xây dựng sản phẩm du lịch, thương hiệu du lịch; tạo thuận lợi về cơ chế để tăng cường khả năng cạnh tranh của du lịch địa phương trong liên kết, tăng sức hấp dẫn của du lịch vùng với các quốc gia trong khu vực.
Sau 1 năm thực hiện thỏa thuận, cộng đồng doanh nghiệp dễ kết nối, tháo gỡ khó khăn trong triển khai hoạt động. Các doanh nghiệp du lịch, công ty lữ hành xây dựng hơn 50 chương trình du lịch kích cầu từ TP. Hồ Chí Minh đến các tỉnh, thành vùng đồng bằng sông Cửu Long; trong đó 5 doanh nghiệp lớn của TP. Hồ Chí Minh khai thác thành công nhiều chương trình tour mới với hơn 152.000 khách đến đồng bằng sông Cửu Long.
Liên kết du lịch giữa TP. Hồ Chí Minh và 13 tỉnh, thành đồng bằng sông Cửu Long góp phần thu hút du khách từ miền Bắc và miền Trung đến vùng. Tại Kiên Giang, sau khi các đơn vị liên quan tổ chức khảo sát và xây dựng sản phẩm đã đưa Kiên Giang vào tuyến “Sắc màu vùng biên” với hành trình từ TP. Hồ Chí Minh - Long An - Đồng Tháp - An Giang - Kiên Giang trong 4 ngày. Tuy nhiên, do ảnh hưởng dịch bệnh COVID-19 nên chưa chính thức đưa vào khai thác, dự kiến chính thức khai thác năm 2021.
Đoàn khảo sát của Công ty Saigontourist khảo sát du lịch tại quần đảo Hải Tặc, TP. Hà Tiên (Kiên Giang) để đưa vào chương trình tour, tuyến mới trong chương trình liên kết, hợp tác phát triển du lịch giữa TP. Hồ Chí Minh và 13 tỉnh, thành vùng đồng bằng sông Cửu Long.
Bà Nguyễn Thị Ánh Hoa - Giám đốc Sở Du lịch TP. Hồ Chí Minh cho rằng, công tác phối hợp triển khai nội dung hợp tác phát triển du lịch giữa các địa phương thuận lợi, nhiều nội dung cụ thể trong thỏa thuận hợp tác được triển khai thực hiện, góp phần thúc đẩy du lịch vùng chuyển biến tích cực. Công tác truyền thông, tuyên truyền về các nội dung liên kết, hợp tác hiệu quả bằng nhiều hình thức; việc quảng bá sản phẩm du lịch mới, đào tạo nguồn nhân lực du lịch, kích cầu du lịch, xây dựng thương hiệu du lịch vùng… được đẩy mạnh, tạo hiệu ứng lan tỏa đến cộng đồng làm du lịch, giúp ngành du lịch vượt qua khó khăn trong đại dịch COVID-19 và tạo tiền đề cho du lịch 14 địa phương phát triển.
ĐÒN BẨY CHO KINH TẾ ĐỊA PHƯƠNG
Theo lãnh đạo các tỉnh, thành, chương trình liên kết phát triển du lịch giữa các địa phương có ý nghĩa quan trọng trong phát triển du lịch. Đây là đòn bẩy phát triển kinh tế - xã hội địa phương, nhất là trong giai đoạn ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 và tập trung kích cầu du lịch nội địa.
Đồng chí Cao Xuân Thu Vân - Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Bạc Liêu cho rằng, việc TP. Hồ Chí Minh ký kết liên kết phát triển du lịch với vùng ĐBSCL có giá trị với ngành du lịch khi kết nối 2 vùng thị trường lớn với khoảng 80 triệu khách mỗi năm. Thời gian tới, các địa phương cần đảm bảo phát huy thế mạnh từng địa phương trong liên kết. Đặc biệt, trước thực trạng thị trường du khách quốc tế “đóng băng” chính là thời điểm “vàng” cho sự đầu tư, phát triển thị trường du khách nội địa.
“Để phát triển du lịch TP. Hồ Chí Minh và đồng bằng sông Cửu Long, các địa phương cần liên kết chặt chẽ, tạo sản phẩm chất lượng, đáp ứng nhu cầu của du khách; tiếp tục đào tạo nguồn nhân lực chất lượng. Ngoài ra, các hoạt động xúc tiến, quảng bá du lịch cần điều chỉnh, không chỉ giữa TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành đồng bằng sông Cửu Long mà phải vươn xa hơn ở những thị trường như Hà Nội, Quảng Ninh, Hải Phòng, Đà Nẵng, Nha Trang…”, đồng chí Nguyễn Thị Thanh Hương - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch nói. |
Theo đồng chí Trần Chí Dũng - Giám đốc Sở Du lịch Kiên Giang, chương trình liên kết, hợp tác du lịch giữa TP. Hồ Chí Minh và đồng bằng sông Cửu Long thời gian qua góp phần thu hút đông khách du lịch đến Kiên Giang, nhất là Phú Quốc. Thời gian tới, ngành du lịch Kiên Giang tiếp tục nâng cao hiệu quả hợp tác, liên kết, xúc tiến, quảng bá du lịch, phát triển sản phẩm du lịch và hình thành, phát triển các tour du lịch mới kết nối Kiên Giang với các tỉnh, thành phố trong nước, quốc tế.
Đẩy mạnh việc phối hợp mở thêm các đường bay trong nước, đường bay quốc tế đến Kiên Giang và kết nối du lịch tàu biển quốc tế đến với Phú Quốc, Kiên Hải nhằm đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu của du khách và khôi phục ngành du lịch của tỉnh.
Lãnh đạo TP. Hồ Chí Minh và 13 tỉnh, thành đồng bằng sông Cửu Long cho rằng, với lợi thế thỏa thuận liên kết, cần thúc đẩy mạnh mẽ hơn dòng khách hai chiều để chương trình liên kết, hợp tác hiệu quả. Bên cạnh đó, TP. Hồ Chí Minh xác định là cửa ngõ du lịch, cần có các sản phẩm để thu hút khách từ các tỉnh, thành đến trải nghiệm tour du lịch liên kết từ thành phố về đồng bằng sông Cửu Long.
Bài và ảnh: THỦY TIÊN
(KGO) - Chiều 25-11, đoàn công tác do Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang Giang Thanh Khoa làm trưởng đoàn có buổi làm việc với UBND huyện Kiên Lương về tình hình kinh tế - xã hội 10 tháng năm 2024, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trên địa bàn huyện Kiên Lương.
Tổng số lượt truy cập: