07/03/2022 09:42
Các đồng chí: Phạm Minh Chính - Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ; Lê Hồng Anh - nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Thường trực Ban Bí thư Trung ương Đảng; Lê Minh Hoan - Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương; lãnh đạo các tỉnh, thành phố vùng đồng bằng sông Cửu Long dự lễ. Tỉnh Kiên Giang có sự tham dự của các đồng chí: Đỗ Thanh Bình - Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội đơn vị tỉnh Kiên Giang; Lâm Minh Thành - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh cùng các đồng chí trong Ban Thường vụ Tỉnh ủy và lãnh đạo các sở, ban, ngành tỉnh, các huyện trong vùng dự án.
Đồng chí Phạm Minh Chính (bên phải) - Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ gặp gỡ các đại biểu về dự lễ khánh thành dự án hệ thống thủy lợi Cái Lớn - Cái Bé giai đoạn 1, ngày 5-3-2022. Ảnh: QUỐC TRINH
Phát biểu tại lễ khánh thành, đồng chí Lê Minh Hoan nhấn mạnh dự án hệ thống thủy lợi Cái Lớn - Cái Bé là công trình mang ý nghĩa đặc biệt quan trọng, giúp kiểm soát nguồn nước, tạo điều kiện sản xuất ổn định, bền vững đối với các mô hình sản xuất theo hệ sinh thái ngọt, mặn - lợ, ngọt - lợ luân phiên cho 384.000ha đất sản xuất nông nghiệp, thủy sản thuộc các tỉnh Kiên Giang, Hậu Giang, Bạc Liêu và Cà Mau. Cùng các dự án trọng điểm trong vùng, hệ thống thủy lợi Cái Lớn - Cái Bé đóng góp quan trọng vào việc thúc đẩy quá trình cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng phát triển bền vững tại vùng bán đảo Cà Mau nói riêng và đồng bằng sông Cửu Long nói chung.
Đồng chí Phạm Minh Chính - Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ phát biểu chỉ đạo tại lễ khánh thành dự án hệ thống thủy lợi Cái Lớn - Cái Bé giai đoạn 1, ngày 5-3-2022. Ảnh: QUỐC TRINH
Hệ thống thủy lợi Cái Lớn - Cái Bé là dự án lớn, kỹ thuật đặc biệt phức tạp, vùng hưởng lợi lớn. Toàn bộ công tác từ thiết kế, thi công, quản lý dự án đều do người Việt Nam thực hiện. Dù có biến động lớn về giá vật tư trong thời gian thi công nhưng tổng mức đầu tư dự án không tăng, nhất là tối ưu thiết kế và tiết kiệm qua đấu thầu được trên 400 tỷ đồng để đầu tư xây dựng cống Xẻo Rô, 8 cống trên tuyến đê biển An Minh - An Biên. Công tác bồi hoàn giải phóng mặt bằng có khối lượng tương đối lớn (với gần 300 hộ bị ảnh hưởng, hơn 100 hộ hiến đất để xây dựng tuyến đê) nhưng được sự đồng thuận rất cao của người dân, thời gian thực hiện được rút ngắn tối đa.
Các đại biểu dự lễ khánh thành dự án hệ thống thủy lợi Cái Lớn - Cái Bé giai đoạn 1, ngày 5-3-2022. Ảnh: QUỐC TRINH
Quá trình triển khai thi công hệ thống thủy lợi Cái Lớn - Cái Bé gặp nhiều khó khăn, trong đó có 3 khó khăn chính đó là đại dịch COVID-19 với thời gian hơn 8 tháng trên tổng số 24 tháng thực hiện; ảnh hưởng của hạn, mặn lịch sử năm 2019-2020 địa phương đắp các đập tạm tại kênh Ông Hiển đã ảnh hưởng đến tuyến đường thủy vận chuyển vật liệu đến công trình; từ cuối năm 2020 giá vật liệu tăng đột biến, nhất là thép và cát xây dựng. Tuy nhiên, với sự chỉ đạo sát sao của các cấp lãnh đạo, sự nỗ lực cao độ của các đơn vị, cá nhân tham gia thực hiện, toàn bộ dự án hoàn thành, nhiều công trình thuộc dự án hoàn thành vượt tiến độ, đảm bảo chất lượng, mỹ thuật.
Việc đưa cống Cái Bé vào vận hành tạm thời ngày 5-2-2021 vượt tiến độ sớm hơn 1 mùa khô đã kiểm soát mặn, ngọt cho khoảng 20.000ha đất sản xuất nông nghiệp trong mùa khô 2020-2021, không phải đắp trên 100 đập tạm ngăn mặn đầu các kênh cấp nước, không ảnh hưởng đến giao thông thủy, giúp vận chuyển hàng hóa được thuận lợi, giảm ô nhiễm môi trường, tiết kiệm chi phí hàng chục tỷ đồng đắp đập.
Các đồng chí: Phạm Minh Chính (giữa) - Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ; Đại tướng Lê Hồng Anh (thứ tư, từ trái qua) - nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Thường trực Ban Bí thư; Đỗ Thanh Bình (thứ ba, từ trái qua) - Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội đơn vị tỉnh Kiên Giang cùng lãnh đạo các bộ, ngành và các tỉnh vùng đồng bằng sông Cửu Long thực hiện nghi thức khánh thành dự án hệ thống thủy lợi Cái Lớn - Cái Bé giai đoạn 1.Ảnh: TRƯƠNG VŨ
Theo đồng chí Lê Minh Hoan, để hệ thống thủy lợi phát huy tối đa hiệu quả, phục vụ đa mục tiêu, thời gian tới, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tiếp tục nghiên cứu đầu tư giai đoạn 2, mở rộng vùng hưởng lợi của dự án, hoàn thiện quy trình vận hành hệ thống, đồng thời xây dựng mô hình tổ chức quản lý các công trình thủy lợi liên tỉnh trong vùng đồng bằng sông Cửu Long đảm bảo thống nhất, an toàn. Song song đó, các giải pháp phi công trình, nâng cao năng lực cộng đồng, cải thiện sinh kế cho người dân cũng sẽ được quan tâm thực hiện đồng bộ.
Phát biểu tại buổi lễ, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh công trình hệ thống thủy lợi Cái Lớn - Cái Bé là công trình thủy lợi của ý Đảng, lòng dân, của trí tuệ, bản lĩnh của người Việt Nam, phục vụ mục tiêu phát triển nhanh và bền vững của đất nước. Công trình góp phần làm thay đổi tư duy từ sản xuất nông nghiệp sang tư duy phát triển kinh tế nông nghiệp, thay đổi từ tư duy nhận thức đối với công tác thủy lợi chuyển từ chống đỡ sang tư duy chủ động thích ứng có kiểm soát để thuận thiên, thích ứng với biến đổi khí hậu và điều kiện tự nhiên của vùng đồng bằng sông Cửu Long. “Tôi muốn nhấn mạnh điều này để thấy được sự quan tâm rất lớn của Đảng và Nhà nước, Chính phủ qua các thời kỳ đều rất trăn trở về đồng bằng sông Cửu Long”, đồng chí Phạm Minh Chính nói.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chuẩn bị thủ tục thanh quyết toán đảm bảo mạch lạc, rõ ràng, tránh tiêu cực; xây dựng quy trình vận hành phù hợp, khoa học, tránh lãng phí xảy ra không đáng có; tiếp tục đầu tư thêm, tích lũy cơ sở dữ liệu để có cơ sở phân tích, đánh giá điều tiết được nguồn nước; đưa vào khai thác công trình đảm bảo công suất, hiệu quả.
Cống Cái Lớn thuộc dự án hệ thống thủy lợi Cái Lớn - Cái Bé. Ảnh: QUỐC TRINH
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nghiên cứu giai đoạn 2 của dự án xem cần hỗ trợ gì để sớm báo cáo Chính phủ. Cấp ủy, chính quyền địa phương tiếp tục chăm lo đời sống người dân đã nhường nơi ở, đất đai của mình cho vùng dự án, với tinh thần người dân tái định cư phải có cuộc sống bằng hoặc tốt hơn cuộc sống ở nơi ở cũ.
Dịp này, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tặng bằng khen 3 tập thể gồm UBND huyện An Biên, UBND huyện Châu Thành, Ban Quản lý đầu tư và xây dựng thủy lợi 10, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn vì có thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua thực hiện dự án hệ thống thủy lợi Cái Lớn - Cái Bé giai đoạn 1. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tặng bằng khen 16 tập thể, 29 cá nhân có thành tích xuất sắc trong thực hiện dự án hệ thống thủy lợi Cái Lớn - Cái Bé giai đoạn 1. Chủ tịch UBND tỉnh tặng bằng khen 3 tập thể, 8 cá nhân có thành tích đột xuất xuất sắc trong thực hiện dự án hệ thống thủy lợi Cái Lớn - Cái Bé giai đoạn 1.
THÙY TRANG
(KGO) - Đúng vào kỷ niệm 8 năm ngày Nam Kỳ khởi nghĩa, ngày 23-11-1948, Tỉnh ủy Rạch Giá (nay là Kiên Giang) quyết định thành lập Trường Mác-xít tỉnh Rạch Giá. Khóa học đầu tiên được khai giảng tại chùa Phật Ninh, Rạch Ngang Trâu, ấp Ninh Định, xã Ninh Hòa, quận Phước Long (nay thuộc huyện Hồng Dân, tỉnh Bạc Liêu).
Tổng số lượt truy cập: