05/08/2022 11:00
TRIỀU CƯỜNG GÂY NGẬP CỤC BỘ
Theo phản của người dân xã Bình An, huyện Châu Thành (Kiên Giang) vào thời điểm triều cường dâng, những khu vực vùng trũng hạ lưu cống Cái Bé, Cái Lớn xảy ra tình trạng ngập. Nước tràn qua đường giao thông nông thôn, ngập nhà, ruộng, vườn cây ăn trái của người dân.
Trao đổi với phóng viên, ông Lý Hồng Thủy, ngụ ấp An Ninh, xã Bình An chia sẻ: “Nhà tôi nằm cặp bờ sông Cái Bé, đợt triều cường ngày 10-7 đến 12-7, cống Cái Bé mở hoàn toàn nhưng nước sông vẫn lên cao làm ngập toàn bộ liếp khóm của gia đình. May mắn trong 2-3 giờ nước rút nên chưa ghi nhận thiệt hại gì lớn cho gia đình”.
Ông Thủy nói: “Biến đổi khí hậu ngày càng phức tạp, sau mấy chục năm rồi tôi mới thấy triều cường nước dâng cao như đợt này. Là vùng trũng thấp, bà con tại đây rất mong chờ nhà nước sớm đầu tư nâng cấp đường giao thông nông thôn kết hợp làm bờ bao để chống ngập vào mùa mưa, hạn chế ảnh hưởng của triều cường, nước biển dâng”.
Nước dâng gây ngập nhà dân tại ấp An Thành, xã Bình An, huyện Châu Thành (Kiên Giang) vào đợt triều cường ngày 10-7.
Nhà và vườn khóm của bà Nguyễn Ngọc Nga, ngụ ấp An Thành, xã Bình An, huyện Châu Thành (Kiên Giang) trong đợt triều cường đầu tháng 7 cũng bị ngập nặng. Nhà bà Nga ngập gần 50cm, nhiều diện tích khóm bị ngập nước gây thối rễ phải nhổ bỏ trồng lại. Một số diện tích khóm đang cho trái bị ngập nước, giảm chất lượng.
Bà Nga cho biết: “Không phải chỉ khi vận hành cống Cái Bé, Cái Lớn mới xảy ra tình trạng ngập úng. Những năm trước đây, vào mùa mưa, khi thủy triều lên, nước cũng tràn qua đường vào nhà, gây ngập úng cục bộ. Khu vực này chuyên sản xuất khóm, cau, dừa, người dân chủ yếu đặt ống bọng để lấy nước ra, vào mương phục vụ tưới tiêu, hầu hết không có đê bao để bảo vệ, nếu xảy ra ngập, cây trái trong vườn sẽ bị thiệt hại".
"Do đó, tôi mong ngành chức năng tỉnh Kiên Giang, huyện Châu Thành sớm khảo sát để đầu tư đê bao chống ngập cho khu vực này, giúp người dân an tâm sản xuất” - bà Nga mong muốn.
SỚM ĐẦU TƯ NÂNG CẤP HẠ TẦNG CHỐNG NGẬP
Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Châu Thành - Nguyễn Văn Nam cho biết, trước khi có hệ thống thủy lợi Cái Lớn - Cái Bé, những lúc thủy triều dâng kết hợp mưa sẽ gây ra tình trạng ngập cục bộ khu vực hạ lưu sông Cái Bé, Cái Lớn. Khi hệ thống thủy lợi Cái Lớn - Cái Bé được đầu tư xây dựng, đưa vào sử dụng cuối năm 2021, việc vận hành hệ thống cống kết hợp thủy triều dâng, lượng nước dâng cao hơn trước đây, nước tràn qua đường giao thông nông thôn gây tình trạng ngập úng cục bộ.
Theo rà soát của huyện Châu Thành, các khu vực bị ảnh hưởng nước dâng tính từ cống ra phía biển gồm các ấp An Ninh, An Thành thuộc xã Bình An; ấp Vĩnh Phú, Vĩnh Quới, Vĩnh Hòa 1, Vĩnh Hội thuộc xã Vĩnh Hòa Phú; ấp Vĩnh Thành thuộc xã Vĩnh Hòa Hiệp.
Để bảo vệ sản xuất của người dân trong khu vực bị ảnh hưởng, Ủy ban nhân dân huyện Châu Thành đề nghị Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Kiên Giang tham mưu, đề xuất Ủy ban nhân dân tỉnh bố trí vốn để đầu tư mới, nâng cấp, cải tạo hệ thống đê bao kết hợp hệ thống đường giao thông nông thôn tính từ hệ thống thủy lợi Cái Lớn - Cái Bé ra hướng biển để chống triều cường và mực nước dâng cao khi đóng cống.
Đồng chí Nguyễn Văn Nam cho biết thêm, trước mắt để bảo vệ sản xuất của nông dân trong thời gian vận hành cống, Ủy ban nhân dân huyện chỉ đạo các xã thông báo trước để nông dân có phương án chủ động tự bảo vệ sản xuất, đắp ống bọng…
Những khu vực trũng thấp, người dân gia cố bờ bao chống ngập, chủ động trang bị máy bơm trong khuôn vườn khép kín để kịp thời bơm nước ra, hạn chế úng ngập.
Nước dâng gây ngập nhà dân tại xã Hưng Yên, huyện An Biên (Kiên Giang).
Ông Tô Văn Thanh - Chủ tịch Công ty Trách nhiệm hữu hạn một thành viên Khai thác Thủy lợi Dầu Tiếng - Phước Hòa (đơn vị vận hành hệ thống thủy lợi Cái Lớn - Cái Bé) thông tin cống Cái Bé đưa vào vận hành phục vụ sản xuất gần 18 tháng. Cống Cái Lớn đưa vào vận hành hơn 7 tháng (từ đầu tháng 11-2021).
Theo đánh giá của các địa phương trong vùng hưởng lợi, các công trình đáp ứng tương đối tốt nhiệm vụ chính của dự án là kiểm soát ổn định nguồn nước để phục vụ yêu cầu sản xuất của các hệ sinh thái nguồn nước khác nhau trong vùng dự án.
Tại địa bàn tỉnh Kiên Giang, vùng sinh thái ngọt hoàn toàn khoảng 145.000ha được kiểm soát không bị mặn xâm nhập; vùng sinh thái lợ cơ bản kiểm soát nguồn nước có độ mặn phù hợp cho nuôi trồng thủy sản, phục vụ mô hình tôm - lúa.
Bên cạnh đó, địa phương không phải đắp hơn 120 đập tạm như các năm trước, tiết kiệm được hàng chục tỷ đồng, giảm ô nhiễm môi trường và không ảnh hưởng đến giao thông thủy. Thời gian vận hành vừa qua, các tác động đều nằm trong dự báo và chưa ghi nhận tác động xấu đến môi trường.
Lý giải về tình trạng ngập úng cục bộ tại khu vực hạ lưu cống Cái Lớn, cống Cái Bé và Xẻo Rô, ông Tô Văn Thanh cho biết nguyên nhân là do hệ thống hạ tầng bao gồm đường giao thông nông thôn, đê bao của địa phương và người dân phía ngoài và trong cống chưa được hoàn thiện. Hệ thống đường giao thông nông thôn và đê bao từ cống ra phía biển cao trình thấp nên khi triều cường dâng, ngay cả khi cống không đóng vẫn xảy ra tình trạng ngập cục bộ.
Điển hình là vào đợt triều cường từ ngày 10-7 đến 12-7, 2 cống Cái Lớn và Cái Bé mở hoàn toàn nhưng khi triều cường dâng vẫn xảy ra tình trạng ngập úng cục bộ. Trường hợp khi triều cường lên, cống đóng lại có thể kiểm soát được ngập ở phía trong cống nhưng phía bên ngoài do hạ tầng chưa đáp ứng cao trình vẫn xảy ra tình trạng ngập cho vùng từ cống ra phía biển.
Đây là vấn đề đã được các chuyên gia nghiên cứu, lường trước. Để giải quyết vấn đề ngập úng cục bộ trong quá trình vận hành cống Cái Lớn, Cái Bé và Xẻo Rô, phía hạ lưu cống cần đầu tư nâng cấp hệ thống đường dân sinh hiện hữu, nâng cấp bờ bao, làm các cống chưa khép kín để bảo vệ dân sinh, kết cấu hạ tầng sản xuất nhằm tạo điều kiện cho phát triển dân sinh, kinh tế trong vùng hạ lưu dự án hệ thống thủy lợi Cái Lớn - Cái Bé.
Bài và ảnh: GIA BẢO
(KGO) - Ngày 25-11, UBND tỉnh Kiên Giang tổ chức hội thảo khoa học “Liên kết thúc đẩy khởi nghiệp đổi mới sáng tạo hiệu quả”.
Tổng số lượt truy cập: