19/08/2021 14:10
THIẾU NHÂN CÔNG THU HOẠCH
Đến nay, huyện Giồng Riềng thu hoạch 44.893/46.801ha lúa hè thu, ước năng suất đầu vụ 5,2 tấn/ha, còn lại 1.908ha chủ yếu tập trung tại các xã Long Thạnh, Vĩnh Thạnh, Vĩnh Phú. Ông Trần Hoàng Sang, ngụ ấp Đường Gỗ, xã Long Thạnh (Giồng Riềng) cho biết: “Khó nhất là kêu nhân công và máy suốt lúa. 2ha lúa của tôi đã đến ngày thu hoạch nhưng chủ máy suốt hẹn 5 ngày nữa mới đến được, nhân công thì không có”. Theo ông Sang, do thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ nên việc đi lại, vận chuyển, tiêu thụ nông sản gặp khó khăn dẫn đến giá lúa hè thu giảm. Đầu vụ, lúa chất lượng cao các loại dao động từ 6.000-6.500 đồng/kg, đến nay giảm còn 5.200-5.500 đồng/kg, ảnh hưởng đến thu nhập của nông dân.
Huyện Hòn Đất có gần 80.000ha lúa hè thu đang trong giai đoạn trổ chín, một số xã bắt đầu thu hoạch. Ông Nguyễn Sỹ Thao, ngụ ấp Phước Thạnh, xã Mỹ Phước (Hòn Đất) cho biết: “Do tình hình dịch bệnh COVID-19 đang phức tạp, tôi phải liên hệ với chủ máy gặt đập liên hợp đặt lịch hẹn trước gần nửa tháng để thu hoạch lúa”. Ông Nguyễn Thanh Hồng - chủ doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ máy gặt đập liên hợp tại xã Mỹ Phước nói: “Thực hiện giãn cách xã hội nên việc đi lại và thuê mướn nhân công thu hoạch rất khó khăn. So với vụ hè thu 2020, hiện lực lượng nhân công bốc vác và thu hoạch giảm khoảng 10%. Do đó, nông dân có nhu cầu thu hoạch lúa phải liên hệ hẹn ngày cụ thể, tôi sẽ sắp lịch máy cắt cho phù hợp, tránh trường hợp thu hoạch rộ, thiếu máy và nhân công”.
Do ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, việc thu hoạch tôm nuôi tại một vài địa phương gặp khó khăn. Đồng chí Lê Thị Kim Thoa - Giám đốc Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp Hiểu Phát, xã Phong Đông (Vĩnh Thuận) nói: “Việc thu hoạch gặp khó khăn do phải đảm bảo công tác phòng, chống dịch trong quá trình thu hoạch. Huyện có thành lập đội thu hoạch lưu động hỗ trợ người dân thu hoạch, nhưng do sản lượng nhiều lại phải thực hiện test nhanh virus SARS-CoV-2 thường xuyên nên tiến độ thu hoạch chậm”.
TIÊU THỤ CHẬM, NÔNG SẢN TỒN ĐỌNG
Không chỉ khâu thu hoạch, việc vận chuyển, thu mua nông sản, thủy sản gặp khó khăn, dẫn đến tiêu thụ chậm, nông sản tồn đọng. Theo đồng chí Võ Hoàng Nguyên - Huyện ủy viên, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Vĩnh Thuận, huyện còn tồn 1.146 tấn tôm, trong đó có 874 tấn tôm càng xanh, 82 tấn tôm sú, 186 tấn tôm thẻ, trên 3 tấn cua; tập trung nhiều nhất tại các xã Tân Thuận, Vĩnh Thuận, Vĩnh Bình Bắc và Bình Minh. “Trước tình hình trên, huyện thành lập tổ tư vấn, hỗ trợ người dân thu hoạch, tiêu thụ nông sản, thủy sản trong tình hình dịch bệnh COVID-19. Tuy nhiên, cái khó lớn nhất của huyện hiện nay là khâu tiêu thụ, bởi sản lượng lớn mà tình hình dịch bệnh tại Vĩnh Thuận đang diễn biến phức tạp nên thương lái ngại đến thu mua. Do đó, huyện mong các ngành chức năng tỉnh hỗ trợ, kêu gọi tiêu thụ thủy sản đang tồn đọng tại huyện”, đồng chí Võ Hoàng Nguyên nói.
Theo ông Phan Xuân Quế - Tổng Giám đốc Công ty lương thực miền Bắc, khó khăn hiện tại của hầu hết các doanh nghiệp xuất khẩu gạo là không giao được hàng, tất cả kho hàng đều đầy nhưng chưa xuất hàng đi được. Tình hình dịch bệnh kéo dài, việc tắc hàng vẫn còn. Vì thế, để tháo gỡ khó khăn, đảm bảo không để đứt gãy chuỗi sản xuất và tiêu thụ lúa gạo, doanh nghiệp đề xuất Nhà nước cần ưu tiên tiêm vaccine phòng COVID-19 cho lực lượng tham gia vào chuỗi cung ứng từ nông dân, công nhân bốc xếp, người điều khiển phương tiện ghe, sà lan, máy gặt đập liên hợp. Doanh nghiệp đề xuất lãnh đạo các tỉnh, thành phố tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp thu mua lúa được phép đi lại trên địa bàn để tiêu thụ lúa cho nông dân kịp thời.
GIẢI PHÁP THÁO GỠ
Để tháo gỡ khó khăn cho người dân trong việc thu hoạch, vận chuyển và tiêu thụ lúa hè thu và các loại nông sản, thủy sản khác, huyện Giồng Riềng chỉ đạo các xã hỗ trợ test nhanh SARS-CoV-2 cho những người bốc vác, tiêm vaccine phòng COVID-19 và cho phép di chuyển từ xã này sang xã khác theo hình thức “1 cung đường, 2 điểm đến”.
Nông dân huyện Vĩnh Thuận thu hoạch tôm càng xanh. Ảnh: HUỲNH LÀI
Đồng chí Nguyễn Thái Đông - Ủy viên Ban Thường vụ Huyện ủy, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Giồng Riềng cho biết: “Đối với trường hợp ngoài tỉnh di chuyển vào vùng thu hoạch lúa, địa phương yêu cầu cung cấp giấy xét nghiệm âm tính với virus SARS-CoV-2 thời gian không quá 72 giờ kể từ khi có kết quả xét nghiệm. Huyện yêu cầu người tham gia thu hoạch, vận chuyển nông sản phải đảm bảo thực hiện 5K theo hướng dẫn của Bộ Y tế, giữ khoảng cách tối thiểu 2m và không được đi nơi khác ngoài khu vực hoặc điểm thu hoạch nông sản, thủy sản đã đăng ký đến. Trường hợp cần phối hợp thu hoạch ở ấp, xã khác phải báo ủy ban nhân dân xã để được hướng dẫn”.
Theo đồng chí Nguyễn Thái Đông, trường hợp người thu hoạch không có giấy xét nghiệm kết quả âm tính với virus SARS-CoV-2, phải liên hệ với cơ quan y tế gần nhất để được hướng dẫn thực hiện việc khai báo y tế, xét nghiệm SARS-CoV-2 (mọi chi phí do cá nhân tự chi trả). Đối với việc thu hoạch dài ngày, chủ phương tiện máy cắt, máy gặt đập liên hợp, máy kéo… phải đảm bảo “3 tại chỗ” (sản xuất, ăn uống, nghỉ ngơi tại chỗ) cho người thu hoạch đi cùng trong suốt quá trình thu hoạch tại khu vực đăng ký.
Đồng chí Nguyễn Văn Hoàng - Giám đốc Sở Công thương cho biết, từ đầu tháng 8-2021 đến nay, Sở Công thương tiếp nhận trên 4.000 yêu cầu kết nối tiêu thụ nông sản, thủy sản các loại của nhiều địa phương trong tỉnh. Sở Công thương đã gửi danh sách và số lượng các loại nông sản, thủy sản này cho các tỉnh, thành phố khu vực phía Nam để kêu gọi kết nối tiêu thụ. “Bộ Công thương đang trình Thủ tướng Chính phủ xem xét mở “luồng xanh” cho vận tải đường thủy để hỗ trợ các phương tiện vận chuyển nông sản, thủy sản. Nếu kiến nghị này được Thủ tướng Chính phủ đồng ý thì việc lưu thông, vận chuyển nông sản, thủy sản đường thủy sẽ dễ dàng hơn”, đồng chí Nguyễn Văn Hoàng nói.
Theo đồng chí Nguyễn Văn Dũng - Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, sở đã tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Công văn số 1227/UBND-KT, ngày 11-8-2021 về việc tạo điều kiện cho lưu thông hàng hóa, vật tư, nông sản phục vụ sản xuất, tiêu thụ nông, lâm, thủy sản trên địa bàn tỉnh. Theo đó, tạo điều kiện thuận lợi nhất để doanh nghiệp và thương lái được phép di chuyển qua lại giữa các huyện, thành phố để thu mua lúa, gạo cho nông dân. Các địa phương sẵn sàng lên phương án để thu hoạch và tiêu thụ lúa, gạo, vừa đảm bảo an toàn phòng, chống dịch, vừa không đứt gãy chuỗi sản xuất. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã công bố thông tin đường dây nóng số 0913.198.696. Nông dân, doanh nghiệp gặp khó khăn có thể liên hệ trực tiếp số điện thoại này để được tháo gỡ kịp thời.
HUỲNH LÀI - THÙY TRANG
(KGO) - Khoảng 6 giờ 30 phút ngày 22-11, một người dân sống tại đường Mạc Cửu, khu phố Nguyễn Thái Bình, phường Vĩnh Quang, TP. Rạch Giá (Kiên Giang) phát hiện một thi thể nam giới nổi trên mặt nước tại khu vực kênh gần nhà nên báo cơ quan chức năng.
Tổng số lượt truy cập: