04/01/2021 15:45
NHIỀU “ĐIỂM NGHẼN”
Theo số liệu thống kê của Liên minh Hợp tác xã tỉnh Kiên Giang, hiện toàn tỉnh có tổng số 431 hợp tác xã đang hoạt động. Từ khi Luật Hợp tác xã năm 2012 có hiệu lực, tình hình kinh tế tập thể của tỉnh đã có những chuyển biến tích cực, số lượng hợp tác xã thành lập mới không ngừng tăng. Liên minh Hợp tác xã tỉnh đã tổ chức nhiều hoạt động đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực, đẩy mạnh công tác tư vấn, hỗ trợ, vay vốn, xúc tiến thương mại giúp các hợp tác xã, tổ hợp tác hoạt động hiệu quả, giải quyết việc làm, đóng góp vào sự phát triển của kinh tế địa phương.
Tuy nhiên, theo đánh giá của Liên minh Hợp tác xã tỉnh Kiên Giang, mặc dù số lượng hợp tác xã không ngừng tăng, tuy nhiên chỉ có khoảng 40% hợp tác xã hoạt động hiệu quả. Sự phát triển của các hợp tác xã chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh của tỉnh. Hiện nay, các hợp tác xã thường gặp khó khăn về tài chính, khó tiếp cận các tổ chức tín dụng để vay vốn.
Bà Trần Thị Vỹ - Giám đốc Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Kênh 10, xã Minh Thuận, huyện U Minh Thượng cho biết: “Thủ tục để được vay vốn của ngân hàng thương mại có nhiều quy định gây khó khăn cho chúng tôi, đa số các ngân hàng đều yêu cầu hợp tác xã có tài sản đảm bảo, trong khi hợp tác xã không có tài sản gì để thế chấp. Do hạn chế về vốn, khiến hợp tác xã khó mở rộng được quy mô sản xuất kinh doanh”.
Hợp tác xã nông nghiệp Kênh 3A, xã Tân Hiệp A, huyện Tân Hiệp (Kiên Giang) thực hiện mô hình lúa cấy kết hợp liên kết bao tiêu sản phẩm với doanh nghiệp.
Bên cạnh khó khăn về vốn, phần lớn hợp tác xã trên địa bàn tỉnh chỉ mới thực hiện được một số khâu dịch vụ đầu vào sản xuất, chưa mở rộng được nhiều dịch vụ khác, chưa có sự liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm. Một số hợp tác xã mạnh dạn mở rộng hoạt động chế biến và tiêu thụ nông sản, nhưng chỉ mới dừng lại ở dạng chế biến sản phẩm thô, chất lượng sản phẩm chưa cao, đặc biệt các hợp tác xã chưa chú trọng vào xây dựng thương hiệu cho sản phẩm nên khó chiếm lĩnh thị trường
Theo đồng chí Trần Thanh Dũng - Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã tỉnh Kiên Giang, một trong những nguyên nhân dẫn đến các hợp tác xã gặp khó khăn như hiện nay một phần do năng lực quản lý và điều hành hợp tác xã của người đứng đầu chưa cao, các thành viên hợp tác xã chưa tích cực đóng góp vào hoạt động chung của hợp tác xã. Bên cạnh đó, các chính sách hỗ trợ, công tác tháo gỡ khó khăn cho các hợp tác xã còn chậm trễ.
HỖ TRỢ PHÁT TRIỂN
Trước những khó khăn của các hợp tác xã thời gian qua, Liên minh Hợp tác xã tỉnh Kiên Giang đã có nhiều nỗ lực phối hợp cùng các sở, ngành, địa phương trong việc tham mưu Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành các chính sách hỗ trợ phát triển hợp tác xã. Để tạo điều kiện cho các hợp tác xã được tiếp cận vốn vay ngân hàng thương mại, thời gian qua, Liên minh Hợp tác xã tỉnh đã làm cầu nối giới thiệu các hợp tác xã hoạt động hiệu quả được vay vốn từ Ngân hàng Thương mại Cổ phần Quân đội, thực hiện lồng ghép nhiều chương trình dự án để các hợp tác xã được hỗ trợ vốn để mở rộng sản xuất kinh doanh.
Nhằm tăng cường mối liên kết trong sản xuất và tiêu thụ nông sản, Liên minh Hợp tác xã tỉnh đã phối hợp Sở Công Thương, chính quyền các huyện, thành phố hỗ trợ chuyển giao khoa học, công nghệ, phương pháp sản xuất an toàn, ký kết hợp đồng bao tiêu sản phẩm để thành viên hợp tác xã yên tâm sản xuất, thay vì phải tự tìm đầu ra như trước đây. Năm 2020, Liên minh Hợp tác xã tỉnh đã giúp cho trên 200 hợp tác xã thực hiện ký kết hợp đồng bao tiêu sản xuất lúa gạo.
Đồng chí Trần Thanh Dũng cho biết: “Ngoài việc hỗ trợ liên kết sản xuất cho các hợp tác xã, Liên minh Hợp tác xã tỉnh đã tích cực thực hiện nhiều chương trình xúc tiến thương mại, tạo điều kiện để các hợp tác xã quảng bá, giới thiệu sản phẩm. Tháng 9-2020, Liên minh Hợp tác xã tỉnh khai trương sàn giao dịch nông sản hàng hóa hợp tác xã, đây là trang thương mại điện tử giúp các hợp tác xã mua bán giao dịch, tìm kiếm đầu mối tiêu thụ sản phẩm nông sản”.
Ngoài các giải pháp hỗ trợ đã và đang thực hiện, về lâu dài để phát triển bền vững các hợp tác xã, đồng chí Trần Thanh Dũng cho rằng tỉnh Kiên Giang cần có chính sách hỗ trợ thiết thực, hiệu quả hơn về thuế, nguồn vốn ưu đãi, có chính sách đào tạo, thu hút nguồn nhân lực về tham gia điều hành hợp tác xã.
Bài và ảnh: THÙY TRANG
(KGO) - Chiều 25-11, đoàn công tác do Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang Giang Thanh Khoa làm trưởng đoàn có buổi làm việc với UBND huyện Kiên Lương về tình hình kinh tế - xã hội 10 tháng năm 2024, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trên địa bàn huyện Kiên Lương.
Tổng số lượt truy cập: