04/05/2020 15:24
Hiện trên địa bàn tỉnh, cơ giới hóa sản xuất nông nghiệp ngày càng được áp dụng rộng rãi, giúp giảm chi phí, hạ giá thành, giảm sức lao động, nâng cao hiệu quả kinh tế.
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, đến nay, khâu làm đất cơ bản tỉnh ta được cơ giới hóa 100%, khâu bơm tưới đạt 100%, nhưng tỷ lệ bơm điện còn thấp chỉ khoảng 35%; khâu gieo sạ áp dụng máy phun sạ đạt khoảng 50 - 60%; khâu bón phân áp dụng máy phun đạt khoảng 60-70%; khâu phun thuốc và vận chuyển cơ giới hóa đạt 100%. Toàn tỉnh có 1.859 máy gặt đập liên hợp, 29 máy cắt lúa xếp dãy, cùng với các máy gặt đập liên hợp của các tỉnh lân cận, cơ bản đáp ứng nhu cầu cơ giới hóa trong khâu thu hoạch lúa trên địa bàn tỉnh. Ngoài ra, hiện tỉnh có 7.930 máy cày, 1.472 máy sạ hàng, công cụ sạ hàng, 1.248 lò sấy lúa, 77.000 máy phun thuốc trừ sâu, trên 30.000 máy phun phân bón.
Đồng chí Đỗ Minh Nhựt - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết: “Cơ giới hóa trên địa bàn tỉnh thời gian qua đã góp phần quan trọng trong việc nâng cao năng suất lao động, năng suất nông sản và đảm bảo chất lượng, tính đồng đều cho từng khâu canh tác, góp phần giảm giá thành sản xuất, mang lại hiệu quả kinh tế cho nông dân và từng bước thúc đẩy công nghiệp chế biến nông sản và cơ giới hóa nông nghiệp trong nông thôn, hướng tới nền nông nghiệp bền vững”.
Trên thực tế, lợi ích từ cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp đã được minh chứng thông qua nhiều mô hình sản xuất. Nhiều địa phương thực hiện mô hình sản xuất lúa theo cánh đồng lớn kết hợp ứng dụng cơ giới hóa vào đồng ruộng đã góp phần giảm chi phí sản xuất, hạ giá thành và gia tăng lợi nhuận cho nông dân. Hợp tác xã nông nghiệp Thạnh Hòa (Châu Thành) là một trong những hợp tác xã điển hình tiên tiến của tỉnh thực hiện tốt việc áp dụng cơ giới hóa vào sản xuất đem lại hiệu quả kinh tế cao cho thành viên hợp tác xã. Hợp tác xã có 310ha đất, sản xuất 3 vụ/năm. Năm 2019, hợp tác xã được nạo vét hệ thống thủy lợi nội đồng, xây dựng 3 trạm bơm điện hạ thế 3 pha thực hiện bơm tưới bằng điện, giúp giảm chi phí, công lao động gần 80% so trước đây. Để thuận tiện cho di chuyển của máy cắt, máy kéo khi thu hoạch, vận chuyển phân bón, vật tư nông nghiệp được dễ dàng, thành viên hợp tác xã đầu tư làm đường bê tông gần 2km. Các khâu làm đất, phun thuốc, bón phân đều sử dụng máy thay thế sức lao động của con người vừa giảm chi phí vừa tiết kiệm được thời gian, nhất là bảo vệ an toàn sức khỏe cho nông dân. Khâu thu hoạch được hợp tác xã sử dụng bằng máy gặt đập liên hợp, giúp giảm đáng kể khâu tổn thất trong thu hoạch.
Ông Đoàn Văn Bấu - Giám đốc Hợp tác xã nông nghiệp Thạnh Hòa cho biết: “Hiện tất cả các khâu sản xuất của hợp tác xã đều được áp dụng cơ giới hóa từ làm đất, bơm tưới, phun thuốc, bón phân đến thu hoạch. Cùng với việc áp dụng các quy trình canh tác lúa tiên tiến như “3 giảm, 3 tăng”, “1 phải, 5 giảm” trong sản xuất đã giúp nông dân giảm chi phí sản xuất từ 2 - 3 triệu đồng/công, năng suất bình quân đạt 6 - 7 tấn/ha, lợi nhuận bình quân đạt từ 25 - 30 triệu đồng/ha. Thời gian tới, hợp tác xã dự kiến hùn vốn đầu tư để mua máy phun hạt, máy cấy, máy sới, máy bay không người lái phun thuốc để giảm bớt áp lực lao động trong hợp tác xã”.
Khó khăn hiện nay để thực hiện cơ giới hóa là thực trạng sản xuất nông nghiệp còn mang tính nhỏ lẻ, ruộng đất manh mún, giao thông nội đồng hạn chế, nông dân thiếu vốn đầu tư mua máy móc, lao động trong nông nghiệp phần lớn chưa qua đào tạo làm cản trở tốc độ cơ giới hóa sản xuất. Theo đồng chí Đỗ Minh Nhựt, để cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp được triển khai nhanh, rộng rãi và mang lại hiệu quả, các địa phương cần thực hiện canh tác theo mô hình cánh đồng lớn để dễ dàng áp dụng đồng bộ cơ giới hóa vào sản xuất, xây dựng vùng chuyên canh nhằm tạo ra khối lượng sản phẩm lớn, đáp ứng yêu cầu sản xuất hàng hóa về chất lượng và số lượng tiêu thụ. Cùng với đó, ngành nông nghiệp tiếp tục kiến nghị Trung ương ban hành các chính sách khuyến khích, hỗ trợ nông dân đầu tư các loại máy móc phục vụ sản xuất nông nghiệp; quan tâm xây dựng cơ sở chế tạo công cụ, thiết bị sửa chữa dịch vụ cơ khí nông nghiệp đáp ứng nhu cầu của người dân; tổ chức các lớp đào tạo, bồi dưỡng, huấn luyện kỹ thuật cho đội ngũ vận hành máy móc lành nghề; khuyến khích nhà khoa học, người dân tham gia sáng tạo khoa học, công nghệ trong nông nghiệp.
THÙY TRANG
(KGO) - Chiều 25-11, đoàn công tác do Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang Giang Thanh Khoa làm trưởng đoàn có buổi làm việc với UBND huyện Kiên Lương về tình hình kinh tế - xã hội 10 tháng năm 2024, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trên địa bàn huyện Kiên Lương.
Tổng số lượt truy cập: