08/04/2025 22:53
Bà Phùng Thị Khéo sinh ra và lớn lên tại xã Vĩnh Tuy (Gò Quao). Năm 18 tuổi, mẹ Khéo kết hôn với ông Nguyễn Bình Nhung, quê xã Vĩnh Thuận (Vĩnh Thuận). Cuộc sống những năm chiến tranh khổ cực, địch càn quét, dồn dân lập ấp khiến cuộc sống gia đình mẹ rất khó khăn. Chịu thương chịu khó, mẹ Khéo quanh năm bươn chải, nuôi dạy các con để chồng an tâm hoạt động cách mạng.
Cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước đang vào giai đoạn cam go, ác liệt. Tại Vĩnh Chùa, xã Long Bình, huyện Long Mỹ ngày 22-12-1965, địch đưa một sư đoàn và một đại đội bảo an từ chi khu Long Mỹ cùng với trực thăng chiến đấu và xe lội nước yểm trợ nhằm tiêu diệt lực lượng của ta. Với tinh thần chiến đấu mưu trí, gan dạ, kiên cường, Đại đội 23, Tiểu đoàn Tây Đô đã đối đầu với một lực lượng đông hơn gấp 3 lần.
Suốt một ngày chống càn quyết liệt, Đại đội 23 đã diệt hàng trăm tên địch, thu nhiều vũ khí. Trận này, chồng mẹ Khéo là ông Nguyễn Bình Nhung - Đại đội phó Đại đội 23 Tiểu đoàn Tây Đô đã anh dũng hy sinh. Nỗi đau chưa kịp nguôi ngoai, 3 năm sau, con gái lớn của mẹ Khéo là Nguyễn Thị Thu hy sinh khi đang làm nhiệm vụ giao liên tại huyện Vĩnh Thuận.
Bà mẹ Việt Nam anh hùng Phùng Thị Khéo cùng cháu nội xem lại tư liệu về chồng và người con đã hy sinh trong chiến tranh.
Mẹ Khéo kể: “Hai Thu con gái lớn của tôi hồi đó nhanh nhẹn, tháo vác lắm. Sống trong vùng giải phóng của huyện Vĩnh Thuận, nó được tổ chức tin tưởng giao làm giao liên. Những lúc không có nhiệm vụ thì nó dạy chữ, dạy hát cho con nít trong xóm. Tôi nhớ năm 1968, Thu mới 17 tuổi, trong lúc bơi xuồng cùng ba người khác đi làm nhiệm vụ đưa thư thì bị u bích dội mất xác. Hay tin dữ, tôi chết giấc không biết gì nữa…”.
Dòng ký ức chợt đứt quãng, đôi mắt mờ đục rưng rưng của mẹ Khéo hướng về phía di ảnh người con gái xuân sắc trên bàn thờ. Mất mát quá lớn làm mẹ Khéo tưởng mình như ngã quỵ, nhưng rồi mẹ vẫn kiên cường đứng lên vì phải thay chồng nuôi các con khôn lớn, vượt qua những ngày tháng đầy rẫy bom, đạn, ngày tháng mà sự sống, cái chết chỉ cách nhau trong gang tấc. Biết gia đình mẹ nuôi chứa cách mạng nên chính quyền ngụy ở Vị Thanh (Hậu Giang) thường cho bọn ác ôn theo dõi, hăm dọa, nhưng với bản lĩnh gan dạ, mưu trí, mẹ Khéo vẫn không hề để sơ hở bất kỳ điều gì.
Năm 1969, trước sự tàn bạo của kẻ thù, mẹ Khéo đưa bốn người con về xã Thủy Liễu (Gò Quao) để sinh sống và tránh sự truy bức của chính quyền ngụy. Về xã Thủy Liễu ít lâu, mẹ Khéo lại biến căn nhà nhỏ của mình trở thành cơ sở cách mạng nuôi giấu cán bộ, chiến sĩ. Mẹ đã nuôi giấu, chăm sóc nhiều thương, bệnh binh và nấu cơm phục vụ nhiều đoàn bộ đội chủ lực vào chiến đấu tại Gò Quao.
Hàng năm, cứ đến ngày giỗ của con gái, của chồng, mẹ Khéo vẫn cúng hai mâm, trong đó một mâm cúng chồng và con gái lớn, một mâm để cúng anh hùng liệt sĩ. Theo mẹ Khéo, làm một mâm cơm cúng anh linh của chồng, con và các đồng đội được ấm lòng ấm dạ, cũng là cách mẹ tự an ủi lòng mình bớt đau thương khi nhớ về người thân đã không quay về sau khói lửa chiến tranh. Ngày 17-7-2014, mẹ Khéo được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu vinh dự Nhà nước Bà mẹ Việt Nam anh hùng.
Nhiều năm qua, các cấp, ngành, các tổ chức chính trị - xã hội trong tỉnh đã chăm sóc, phụng dưỡng Bà mẹ Việt Nam anh hùng Phùng Thị Khéo bằng những hành động cụ thể, thiết thực. Căn nhà tình nghĩa mẹ Khéo đang ở cùng con trai tại khu phố Minh Phú được Nhà nước xây tặng và thêm một lần sửa chữa trở nên khang trang hơn. Hàng năm, vào dịp lễ, tết, cấp ủy, chính quyền từ tỉnh đến huyện, thị trấn đều dành sự quan tâm cho mẹ Khéo và gia đình.
Bài và ảnh: AN LÂM
(KGO) - Ban Thường vụ Tỉnh đoàn Kiên Giang vừa tổng kết tháng thanh niên năm 2025, gắn với sơ kết công tác Đoàn và phong trào thanh thiếu nhi quý I-2025.
Tổng số lượt truy cập: