22/05/2020 18:52
ẢNH HƯỞNG SẢN XUẤT VÀ DÂN SINH
Theo Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm, cứu nạn tỉnh, năm 2019 và những tháng đầu năm 2020, trên địa bàn tỉnh xảy ra nhiều loại hình thiên tai như hạn hán, mặn xâm nhập, mưa lớn, áp thấp nhiệt đới, dông, lốc, sét… ảnh hưởng lớn đến tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh, đặc biệt ảnh hưởng đến đời sống nhân dân. Điển hình như năm 2019, mưa lớn trên địa bàn huyện Phú Quốc đã gây ngập cục bộ trầm trọng, ảnh hưởng đến hơn 12.000 hộ dân trên huyện đảo. Huyện Kiên Lương do mưa kéo dài, đất núi ngậm nước gây ra vụ sạt lở gồm 5 điểm, làm đá, bùn đổ xuống dưới chân núi tràn vào nhà dân, đá lăn gây nguy hiểm, cây cối đổ ngã đè vào mái nhà khu vực xã Bình Trị. Năm 2019, tình hình sạt lở xảy ra rất nghiêm trọng tại huyện An Minh. Đoạn bờ biển tại vàm Kim Quy thuộc xã Vân Khánh sạt lở đặc biệt nguy hiểm gần 300m, hầu hết diện tích rừng phòng hộ ven biển tại đoạn này bị mất, sạt lở đến chân đê, làm vỡ 250m đê, ảnh hưởng rất lớn đến sản xuất nông nghiệp và đời sống nhân dân trong khu vực, một số nhà người dân sinh sống ven biển bị sụp, lở hết nền nhà nên phải di dời đến nơi khác sinh sống.
Những tháng đầu năm 2020, tình hình nắng nóng, mặn xâm nhập diễn ra gay gắt đe dọa sản xuất nông nghiệp và đời sống nhân dân tại nhiều nơi trong tỉnh. Tại U Minh Thượng, nắng hạn kéo dài khiến mực nước ở các kênh đê bao vùng đệm thuộc 2 xã An Minh Bắc, Minh Thuận hạ thấp, làm sụp lún 168m đê bao ngoài tỉnh lộ 965, trong đó sụp lún hoàn toàn 40m, 128m bị sụp lún vào trong khoảng 2-3m; làm sụp lún 1.038m đường giao thông nông thôn, ảnh hưởng đến đời sống nhân dân. Nhiều diện tích hoa màu của người dân bị thiếu nước, giảm năng suất. Chị Trần Thị Xuyên, ngụ ấp Minh Kiên A, xã Minh Thuận (U Minh Thượng) cho biết: “Nắng nóng kéo dài, kênh dẫn nước cạn, mặc dù tôi đã chủ động dẫn nước vào mương để trữ phòng thiếu nước nhưng nắng nóng nhiều tháng qua đã không đủ cung cấp. 1 công trồng ngò gai dự kiến nếu không thiếu nước có thể cho năng suất từ 3,5 tấn/công, đến nay năng suất ngò chỉ đạt trên 1 tấn/công”. Tại An Biên, nhiều hộ dân sống tại các xã ven biển bị thiếu nước ngọt sinh hoạt, hàng ngàn ha tôm nuôi bị thiệt hại do nắng nóng kéo dài nhiều ngày.
CHỦ ĐỘNG ỨNG PHÓ, GIẢM NHẸ THIÊN TAI
Năm 2019 và những tháng đầu năm 2020, căn cứ tình hình thiên tai xảy ra trên địa bàn tỉnh, tỉnh có nhiều giải pháp chủ động ứng phó kịp thời, góp phần giảm nhẹ thiệt hại do thiên tai gây ra. Các địa phương thực hiện tốt phương châm bốn tại chỗ trong công tác phòng, chống thiên tai, chủ động xây dựng kế hoạch, triển khai nhanh chóng các biện pháp ứng phó kịp thời khi có thiên tai xảy ra, góp phần giảm đến mức thấp nhất thiệt hại về người và tài sản do thiên tai gây ra. Lực lượng công an, quân đội phát huy vai trò chủ công trong công tác ứng phó sự cố thiên tai và tìm kiếm, cứu nạn, huy động trên 3.460 lượt cán bộ, chiến sĩ giúp dân khắc phục hậu quả thiên tai.
Văn phòng Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm, cứu nạn tỉnh kịp thời tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh xây dựng kế hoạch ứng phó, khắc phục nhiều loại hình thiên tai như sạt lở, mặn xâm nhập… Đối với tình trạng sạt lở bờ biển diễn ra nhiều nơi trong tỉnh, Ủy ban nhân dân tỉnh đã công bố tình trạng sạt lở bờ biển trên địa bàn các huyện An Biên, An Minh, Hòn Đất, Kiên Lương, triển khai các biện pháp khắc phục khẩn cấp đoạn đê biển từ Kim Quy đến Tiểu Dừa (An Minh), bố trí vốn đầu tư từ nguồn ngân sách Trung ương, địa phương để khắc phục các điểm sạt lở nguy hiểm. Nổi bật trong công tác phòng, chống thiên tai năm 2019, tỉnh chủ động ứng phó có hiệu quả với tình hình hạn hán mùa khô 2019-2020, đảm bảo an toàn nguồn nước sinh hoạt và sản xuất nông nghiệp. Đầu tháng 10-2019, Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành kế hoạch thực hiện các giải pháp thủy lợi phòng, chống hạn, mặn phục vụ sản xuất và dân sinh trong mùa khô 2019-2020, chỉ đạo các địa phương chuẩn bị sẵn sàng các phương án ứng phó. Đầu tháng 2-2020 mặn bắt đầu xâm nhập sâu vào nội đồng gây ảnh hưởng đến sinh hoạt và sản xuất. Trước tình hình đó, Ủy ban nhân dân tỉnh đã công bố tình trạng hạn hán, mặn xâm nhập trên diện rộng thuộc địa bàn tỉnh, với cấp độ rủi ro thiên tai cấp 1. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp các địa phương triển khai gia cố, đắp mới 202 đặp ngăn mặn theo thời vụ, trong đó có 4 đập lớn bằng cừ thép Larsen để bảo vệ diện tích lúa mùa, đông xuân 2019-2020, tiếp tục chống hạn cho vụ hè thu 2020, đảm bảo nước sinh hoạt cho nhân dân trên địa bàn tỉnh.
THÙY TRANG
(KGO) - Chiều 25-11, đoàn công tác do Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang Giang Thanh Khoa làm trưởng đoàn có buổi làm việc với UBND huyện Kiên Lương về tình hình kinh tế - xã hội 10 tháng năm 2024, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trên địa bàn huyện Kiên Lương.
Tổng số lượt truy cập: