10/02/2024 20:59
Chiến tranh đã qua đi, dù nỗi đau không thể nào nguôi nhưng Bà mẹ Việt Nam anh hùng Tạ Thị Ky (93 tuổi), ngụ ấp Tạ Quang Tỷ, xã Vĩnh Hòa Hưng Nam, huyện Gò Quao (Kiên Giang) luôn tự hào về chồng, con đã anh dũng hy sinh vì sự nghiệp cách mạng của dân tộc.
Dù tuổi cao, có chuyện nhớ, chuyện quên nhưng những câu chuyện thời chiến về chồng, con, cách mạng thì mẹ Ky vẫn nhớ như in. Những câu chuyện qua lời kể của mẹ như những thước phim quay chậm tái hiện một phần lịch sử dân tộc.
Bà mẹ Việt Nam anh hùng Tạ Thị Ky, ngụ ấp Tạ Quang Tỷ, xã Vĩnh Hòa Hưng Nam (Gò Quao) trò chuyện cùng cán bộ xã.
Hồi tưởng về quá khứ, mẹ Ky kể: “Tiếp bước truyền thống cách mạng của gia đình, đi theo tiếng gọi của đất nước, chồng và hai con trai tôi lần lượt lên đường tham gia cách mạng, ở nhà tôi làm ruộng tiếp tế lương thực cho bộ đội. Lúc đó hai con tôi chưa tròn đôi mươi nhưng ý thức trách nhiệm với quê hương, hăng hái lên đường làm nhiệm vụ thiêng liêng bảo vệ Tổ quốc”.
Thấu hiểu nỗi lòng của mẹ, hai con của mẹ Ky là Trần Sang Anh, Trần Sang Em động viên mẹ đừng khóc, mẹ Ky lại động viên chồng và các con yên tâm lên đường, rồi lặng lẽ khóc thầm.
Một lần đưa bộ đội qua sông, mẹ Ky bị địch tấn công, thoát chết nhưng tay trái bị thương, đến giờ vẫn còn hằn vết sẹo. Biết chiến tranh ác liệt, mẹ Ky luôn tâm niệm sẵn sàng hy sinh tất cả cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, nhưng khi nhận được tin dữ chồng Trần Văn Sang, con trai Trần Sang Em hy sinh cùng ngày trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, mẹ Ky như chết lặng.
Ngày giải phóng miền Nam, hòa bình lập lại, mẹ vui với niềm vui chung của đất nước nhưng lại đau nỗi đau riêng vì chồng, con vĩnh viễn không về. Biết bao đêm mẹ không tròn giấc vì nhớ chồng, thương con. Mỗi lần nhắc đến chồng, con, mẹ Ky rất đỗi tự hào nhưng cũng không ít lần mắt mẹ rưng rưng, giọng lạc đi vì xúc động.
“Cuộc đời mẹ đã chịu nhiều đau thương, mất mát nên hiểu được giá trị của hòa bình. Những hy sinh, mất mát của riêng mình mẹ xem đó là trách nhiệm, nghĩa vụ của mỗi người dân Việt Nam trong lúc đất nước đang cần”, mẹ Ky nói. Trở về sau chiến tranh, con trai Trần Sang Anh của mẹ Ky không còn lành lặn, sức khỏe suy giảm, là thương binh hạng 3/4.
Trong căn nhà tình nghĩa ấm áp nghĩa tình, Bà mẹ Việt Nam anh hùng Nguyễn Thị Gần, ngụ ấp Mương Đào B, xã Vân Khánh, huyện An Minh (Kiên Giang) vẫn khỏe mạnh, minh mẫn kể cho chúng tôi nghe câu chuyện cuộc đời mẹ với những vất vả, hy sinh khi chồng, con ra đi bảo vệ Tổ quốc, sau đó vĩnh viễn không thể trở về.
Bà mẹ Việt Nam anh hùng Nguyễn Thị Gần, ngụ ấp Mương Đào B, xã Vân Khánh (An Minh) vui mừng khi cán bộ xã đến thăm.
Chồng mẹ là liệt sĩ Nguyễn Văn Ngãi, hy sinh năm 1967 trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, con trai thứ hai là liệt sĩ Nguyễn Văn Tâm, hy sinh năm 1988 ở chiến trường Campuchia. Trong những năm tháng chiến tranh ác liệt, mẹ Gần tích cực tham gia tiếp sức cho bộ đội, làm hậu phương vững chắc cho chồng, con yên tâm lên đường chiến đấu.
Mẹ Gần chia sẻ: “Hồi xưa, chiến tranh, nghèo khổ, lúc nào cũng mong hòa bình để gia đình sum họp. Ngờ đâu khi đất nước được độc lập, cha, con thằng Tâm không còn sống để hưởng thanh bình”.
Qua lời mẹ Gần, chúng tôi cảm nhận trọn vẹn niềm tin vào lý tưởng cách mạng của mẹ và chồng, con đã chọn, cùng bao kỳ vọng vào tương lai tươi sáng của đất nước. Sau khi chồng, con hy sinh, nén đau thương, một mình mẹ vừa làm cách mạng vừa lo kinh tế gia đình, nuôi dạy các con và luôn tự hào về truyền thống cách mạng của gia đình.
Tuổi xế chiều, mẹ Gần sống vui vầy, thanh thản trong tình yêu thương, chăm sóc của con cháu, sự quan tâm, chăm lo của Đảng, Nhà nước, chính quyền địa phương.
Truyền thống đấu tranh giữ nước, giá trị thiêng liêng của độc lập, tự do được đánh đổi bằng xương máu của các thế hệ cha anh, sự hy sinh to lớn của các Bà mẹ Việt Nam Anh hùng. Đó là bài học quý báu nhắc nhở các thế hệ hôm nay phát huy, trân trọng và tự hào.
Mẹ Tạ Thị Ky, mẹ Nguyễn Thị Gần là hình ảnh đại diện cho hàng trăm, hàng triệu Bà mẹ Việt Nam anh hùng trên khắp cả nước kiên cường, bất khuất, sẵn sàng nhận lấy nỗi đau cho riêng mình để mang lại hòa bình cho đất nước. Thế hệ hôm nay rất đỗi tự hào về những Bà mẹ Việt Nam anh hùng.
Bài và ảnh: CẨM TÚ
(KGO) - Đúng vào kỷ niệm 8 năm ngày Nam Kỳ khởi nghĩa, ngày 23-11-1948, Tỉnh ủy Rạch Giá (nay là Kiên Giang) quyết định thành lập Trường Mác-xít tỉnh Rạch Giá. Khóa học đầu tiên được khai giảng tại chùa Phật Ninh, Rạch Ngang Trâu, ấp Ninh Định, xã Ninh Hòa, quận Phước Long (nay thuộc huyện Hồng Dân, tỉnh Bạc Liêu).
Tổng số lượt truy cập: