18/10/2020 16:30
Trong bài viết đăng trên trang Diễn đàn Đông Á mới đây, Phó Giáo sư Suiwah Leung cho rằng con người Việt Nam nổi tiếng với đức tính kiên cường, đức tính này đã được phát huy hơn bao giờ hết trong đại dịch COVID-19.
Theo báo cáo đánh giá tháng 7 của Ngân hàng Thế giới (WB), tăng trưởng kinh tế gần đây của Việt Nam là nhờ vào hai động lực nhu cầu xuất khẩu và tiêu dùng nội địa, thay nhau tăng trưởng trong hai quý đầu năm 2020. Từ tháng 1 đến giữa tháng 4 năm nay, xuất khẩu của Việt Nam ghi nhận mức tăng 13% so với tháng trước.
Trong thời kỳ này, tiêu dùng nội địa lại giảm do việc áp dụng các biện pháp giãn cách xã hội và phong tỏa nghiêm ngặt. Sau đó, từ giữa tháng 4 đến cuối tháng 6, nền kinh tế Việt Nam chuyển sang chế độ hồi phục, trong đó sản xuất tăng 30% trong khi xuất khẩu hàng hóa giảm. Theo dự báo của WB, tốc độ tăng trưởng của Việt Nam ở mức 2,8-3% trong năm 2020 và sẽ quay lại mức trước khủng hoảng là 6,8% vào năm tới.
May mặc xuất khẩu sang Mỹ, Nhật Bản, châu Âu tại Tổng Công ty Phong Phú ở Việt Nam.
Các con số dự báo do WB đưa ra dựa trên nhiều yếu tố: Chính phủ Việt Nam tích cực sử dụng chính sách tài khóa để hỗ trợ tăng trưởng trong ngắn hạn; kinh tế Việt Nam hưởng lợi sau khi Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA) được ký kết vào tháng 6 vừa qua. Một trong những biện pháp hỗ trợ tăng trưởng ngay lập tức là nới lỏng các hạn chế đi lại, ngành du lịch hoạt động trở lại và góp khoảng 10% vào tăng trưởng GDP của Việt Nam.
Các biện pháp tài chính khác được Việt Nam áp dụng bao gồm tăng chi tiêu cho chương trình đầu tư công đã được phê duyệt, đặc biệt là cho các dự án viện trợ phát triển chính thức (ODA) đang trong quá trình triển khai, hỗ trợ chiến lược từ khu vực tư nhân, chẳng hạn như đầu tư vào cơ sở hạ tầng số quốc gia.
Tháng 8 vừa qua, Bộ Thông tin - Truyền thông Việt Nam đã ra mắt nền tảng blockchain akaChain với nhiều thủ tục điện tử như Know Your Customer, chấm điểm tín dụng..., qua đó giúp các công ty tiết kiệm được nhiều thời gian. Khả năng bảo mật và tính minh bạch của công nghệ này sẽ được cải thiện trong tương lai. Ở một quốc gia có dân số tương đối trẻ, việc dạy và học từ xa, cũng như chăm sóc sức khỏe từ xa, là những tiến bộ được thúc đẩy trong bối cảnh đại dịch COVID-19.
Khu vực kinh tế tư nhân là lĩnh vực duy nhất cần được hỗ trợ. Khu vực tư nhân phi chính thức của Việt Nam (trong lĩnh vực du lịch và các dịch vụ khác) rất lớn và có thể phục hồi nhanh hơn khu vực chính thức sau khi các hạn chế COVID-19 được nới lỏng. Tuy nhiên, báo cáo của WB cũng chỉ ra một số rủi ro liên quan đến chiến lược ngắn hạn và trung hạn này như nợ công tăng cao, biện pháp nới lỏng tiền tệ có nguy cơ làm giảm chất lượng các khoản vay và tăng nợ xấu trong ngân hàng.
Do đó, WB cho rằng Việt Nam cần tiếp tục thúc đẩy cải cách, thông qua tái cấu trúc ngân hàng và doanh nghiệp nhà nước, xây dựng các tổ chức công hiệu quả và có trách nhiệm giải trình. Trong một nền kinh tế có độ mở cao như Việt Nam và trong thời kỳ kinh tế thế giới bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch COVID-19, khả năng chống chịu ngắn hạn cần phải được kết hợp với ý chí chính trị để tiếp tục cải cách cơ cấu nhằm tạo động lực cho tăng trưởng dài hạn.
Phó Giáo sư Suiwah Leung kết luận rằng mặc dù có thể có một yếu tố may mắn trong việc chuyển hướng thương mại và đầu tư ngắn hạn cũng như về thời điểm xử lý đại dịch, nhưng nhìn chung Việt Nam đã có chính sách tốt và chính sách này sẽ tiếp tục đóng vai trò quan trọng trong việc đảm bảo tăng trưởng kinh tế dài hạn của Việt Nam.
Nguồn: SGGP.online
(KGO) - Lào Cai hiện là địa phương có nhiều người chết và mất tích do bão, mưa lũ và sạt lở với 179 người (98 người chết, 81 người mất tích), trong đó tại huyện Bảo Yên có đến 110 chết và mất tích.
Tổng số lượt truy cập: