31/12/2024 14:16
Hội nghị được kết nối trực tuyến đến điểm cầu tại 63 tỉnh, thành phố với 4.500 đại biểu. Tại điểm cầu Kiên Giang, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Giang Thanh Khoa chủ trì hội nghị, cùng sự tham dự của các sở, ban, ngành, Hội Nông dân tỉnh và 20 nông dân, lãnh đạo các hợp tác xã tiêu biểu.
Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Giang Thanh Khoa chủ trì hội nghị tại điểm cầu Kiên Giang.
Tại hội nghị đối thoại, nông dân kiến nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ hoàn thiện cơ chế, chính sách, nguồn lực hỗ trợ nông dân phát triển tổ hợp tác, hợp tác xã nông nghiệp; đồng thời, có giải pháp đổi mới hình thức tổ chức sản xuất, kinh doanh theo chuỗi giá trị và thúc đẩy hợp tác, liên kết chặt chẽ giữa các địa phương trong từng vùng và giữa các vùng, kết nối chuỗi giá trị toàn cầu.
Nông dân một số tỉnh cũng kiến nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ có cơ chế, chính sách để khơi thông nguồn lực đất đai, hướng tới mục tiêu Netzero, triển khai đề án phát triển 1 triệu hecta lúa chất lượng cao, giảm phát thải; có chính sách tiếp tục khơi thông dòng vốn tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn, đặc biệt đối với các hộ nông dân, hợp tác xã, doanh nghiệp vừa chịu ảnh hưởng do thiên tai và cơn bão Yagi…
Tại hội nghị, các ý kiến, kiến nghị của nông dân được Thủ tướng Phạm Minh Chính và lãnh đạo các bộ, ngành giải đáp cụ thể.
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại hội nghị đối thoại với nông dân. Ảnh VGP/Nhật Bắc
Phát biểu kết luận hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết trong thành tựu chung của cả nước năm 2024, ngành nông nghiệp, phát triển nông thôn, nông dân đóng góp rất quan trọng. Nổi bật là kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản dự kiến vượt 62,5 tỷ đô la Mỹ, tăng 18,7% so năm 2023.
Các mặt hàng nông sản Việt Nam có mặt tại 190 nước trên thế giới. Nước ta không chỉ làm đủ ăn mà còn xuất khẩu trên 9 triệu tấn gạo, mang về 5 tỷ đô la Mỹ, góp phần bảo đảm an ninh lương thực của Việt Nam và thế giới. Nông nghiệp vẫn phát huy vị trí là trụ đỡ của nền kinh tế.
“Những thành tựu, kết quả này góp phần khẳng định tính đúng đắn của chủ trương của Đảng, Nhà nước về phát triển nông nghiệp hiện đại, xây dựng nông thôn hiện đại, nông dân văn minh - đây là khát vọng rất lớn, là tinh thần tự hào dân tộc mà chúng ta phải thực hiện, khó mấy cũng phải làm”, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh.
Nhấn mạnh 9 vấn đề quan trọng mà các chủ thể liên quan cần tiếp tục quan tâm trong thời gian tới để thúc đẩy nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh, Thủ tướng Phạm Minh Chính mong muốn nông dân tiếp tục góp ý cùng xây dựng, hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách, gồm cơ chế, chính sách về đất đai, thuế, phí, lệ phí, về vốn tín dụng…
Theo Thủ tướng Phạm Minh Chính, công tác quy hoạch cần được quan tâm hơn nữa, nhất là quy hoạch ngành, quy hoạch đất đai, quy hoạch các khu, cụm công nghiệp phục vụ sản xuất nông nghiệp. Tiếp tục rà soát pháp luật, quy định để giải phóng nguồn lực từ đất đai, phát huy cao nhất hiệu quả từ đất đai, cùng với đó là khai thác cả không gian vũ trụ, không gian biển, không gian ngầm để mang lại lợi ích cho nông dân, phát huy sức mạnh của nông dân, phát triển nông thôn, nông nghiệp.
Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Kiên Giang Đỗ Trần Thịnh (thứ hai, từ phải qua) tham quan mô hình nuôi cá lồng bè trên biển của Chi hội nghề nghiệp nông dân nuôi cá lồng bè khu phố Ba Hòn, thị trấn Kiên Lương, huyện Kiên Lương.
Thủ tướng Chính phủ cho rằng, muốn thúc đẩy nông nghiệp theo hướng phát triển xanh, phát triển các ngành chủ lực theo quy hoạch, phát triển các mặt hàng mà thế giới có nhu cầu cần có chính sách tín dụng và bảo hiểm theo nguyên tắc đóng - hưởng để khuyến khích nông dân; đồng thời, khuyến khích doanh nghiệp tham gia hợp tác, hỗ trợ, liên kết chặt chẽ với nông dân để bảo đảm đầu vào, đầu ra cho sản xuất; đẩy mạnh liên kết vùng, đa dạng hóa sản phẩm, thị trường, chuỗi cung ứng.
“Nhà nước phải tìm thị trường tiêu thụ cho sản phẩm của người nông dân, người nông dân phải bảo đảm chất lượng và xây dựng thương hiệu cho nông sản, cùng với mẫu mã, bao bì, đóng gói thuận tiện, bắt mắt để chiếm lĩnh thị phần. Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh ứng dụng khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, số hóa nông nghiệp trong tất cả các khâu từ trồng cây gì, nuôi con gì, kinh doanh gì đến xây dựng chỉ dẫn địa lý, đẩy mạnh chế biến sâu, nghiên cứu bao bì, mẫu mã…”, Thủ tướng Phạm Minh Chính nói.
Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị các cấp ủy, chính quyền địa phương định kỳ đối thoại, lắng nghe nông dân, tiếp tục phát huy tinh thần tự lực, tự cường, đổi mới sáng tạo và đoàn kết, thống nhất, đây là điểm tựa tinh thần của dân tộc ta, kết hợp sức mạnh dân tộc và sức mạnh thời đại, để đi lên từ bàn tay, khối óc, khung trời, cửa biển, cùng làm, cùng hưởng, cùng thắng và cùng phát triển, cùng cả nước vững bước tiến vào kỷ nguyên mới.
Tin và ảnh: ĐẶNG LINH
(KGO) - Chiều 6-12, tại TP. Cần Thơ, Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức hội nghị phổ biến chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về hội và nâng cao chất lượng tham mưu trong công tác văn phòng Hội Nhà báo khu vực phía Nam.
Tổng số lượt truy cập: